Đó là kiến nghị của ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng tại Hội nghị “Gặp gỡ chính quyền và doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng” chiều ngày 06/10.
>>“Thành công của chúng tôi chỉ là sự khởi đầu…”
Sự kiện do Hội Doanh nhân trẻ tổ chức nhằm kết nối hợp tác, tìm giải pháp ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Đồng thời, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực và sự đồng lòng giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Trí Hải – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho hay trong 9 tháng năm 2023, GRDP của Đà Nẵng tăng gần 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Hải cũng nhìn nhận thành phố Đà Nẵng vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức từ chính sách chung từ trung ương liên quan đến thuế, bảo hiểm, các cuộc thanh - kiểm tra làm chậm tiến độ các dự án, công trình, lạm phát tăng cao, buộc Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ, tình hình thế giới còn nhiều biến động ảnh hưởng đến đầu tư của thành phố; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tăng cao...
“Nội tại, nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với nhiều khó khăn vì không có đơn hàng, chi phí cố định tăng, nợ khó đòi... dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp sa thải hàng loạt, nhiều người lao động mất việc, khả năng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đứng trước rủi ro cao”, ông Lê Trí Hải nói.
Về vai trò, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng doanh nhân không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế đất nước, mà còn trong việc thay đổi xã hội và cuộc sống của hàng triệu người. Thông qua Hội nghị, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ mang những tâm tư, trăn trở của cộng đồng gởi đến chính quyền thành phố và tạo điều kiện để tăng cường mối quan hệ kết nối, tương tác, khai thác những chính sách, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển kinh doanh, đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.
Tại Hội nghị, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế thành phố đã đạt được một số kết quả ghi nhận như hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các sự kiện, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách đến với Đà Nẵng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, kinh tế thành phố còn những hạn chế và tiếp tục gặp khó khăn, thách thức, tốc độ GRDP trong 9 tháng đầu năm chỉ đạt 2,8%, thấp hơn mức bình quân của cả nước, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 24,6% so với cùng kỳ.
“Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, lạm phát tiếp tục ở mức cao, kinh tế toàn cầu có xu hướng tăng trưởng chậm lại khiến nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen và Đà Nẵng cũng không tránh khỏi. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2023, tình hình sản xuất sẽ tiếp tục khó khăn do chuỗi giá trị tiếp tục bị đứt gãy, số lượng đơn hàng mới tiếp tục giảm, thu nhập người dân giảm sẽ tác động nhiều đến các lĩnh vực dịch vụ, tiêu dùng, khả năng đạt Kế hoạch đề ra là rất khó khăn”, ông Minh nói.
Vì vậy, vị này đề xuất 5 phương án để các đơn vị vận dụng triển khai để đứng vững trước thời cuộc. Một là, Hội, Hiệp hội nên chủ động hơn nữa trong việc đề xuất, tổ chức các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp hội viên mới tham gia nhằm nâng cao năng lực quản trị, tiếp cận thị trường, góp phần hỗ trợ phát triển và giảm thiểu rủi ro của nhóm đối tượng doanh nghiệp này. Qua đó nâng cao vai trò, vị thế của Hội, Hiệp hội trong đoàn kết cộng đồng và chia sẻ khó khăn, cùng phát triển đi lên, là “cánh tay nối dài” của chính quyền thành phố trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Hai là, doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy các vai trò của cá nhân doanh nghiệp trong cộng đồng, chủ động tháo gỡ các khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, từng bước đi lên, phát triển ổn định, tận dụng sự phục hồi mạnh mẽ thị trường trong nước để mở rộng tìm kiếm thị trường mới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ba là, doanh nghiệp, doanh nhân cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nâng cao văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp và ngày càng cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ cung cấp ra thị trường.
Bốn là, chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Năm là, tiếp tục thể hiện trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, là lực lượng xung kích đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường kết nối, đoàn kết trong cộng đồng doanh nghiệp.
Để thể hiện mối liên kết giữa doanh nghiệp, doanh nhân với chính quyền địa phương, ông Lê Minh Phúc – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng đề xuất địa phương cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách, quy định liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Cụ thể, chính quyền cần lắng nghe ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, thường xuyên đối thoại, trao đổi nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, giải đáp những vướng mắc, tạo nên sự đồng thuận và gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp.
Song song với đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian và chi phí.
“Cập nhật và chia sẻ thông tin kịp thời về tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch mới để cộng đồng doanh nghiệp định hướng về chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, khách hàng. Chia sẻ và thông tin kịp thời các nhu cầu của nhà Đầu tư lớn đến đầu tư tại thành phố Đà Nẵng để các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận, giới thiệu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ (nếu phù hợp). Mong chính quyền thành phố nghiên cứu thành lập đầu mối hoặc tổ hỗ trợ chính sách và có kênh truyền thông nhất quán, công khai để khi doanh nghiệp có nhu cầu có thể trực tiếp vào kênh để tìm kiếm và có đầu mối để liên hệ tư vấn khi cần”, ông Phúc kiến nghị.
Về phía các doanh nghiệp, ông Lê Minh Phúc kiến nghị các đơn vị chủ động tiếp cận thông tin về chính sách, quy hoạch của thành phố, phản hồi ý kiến, đề xuất với chính quyền về các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trên cơ sở tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch của thành phố để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam: Góp phần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam
12:20, 24/08/2023
Cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam”
11:22, 17/03/2023
Lan tỏa “hào khí doanh nhân Việt Nam”
10:30, 16/03/2023
"Hào khí doanh nhân Việt Nam" - tâm nguyện của doanh nhân thời bình
10:26, 16/03/2023
Hồ Chí Minh với Doanh nhân Việt Nam
14:12, 04/01/2023