Trong bối cảnh “bình thường mới” còn không ít khó khăn hiện nay, cả doanh nghiệp cũng như bản thân tôi đang tự nhủ phải đi chậm mà chắc để nuôi dưỡng niềm tin.
Cũng như toàn bộ nền kinh tế, ngành BĐS vừa trải qua “giai đoạn có một không hai” khi phải chịu khó khăn kép từ đại dịch COVID-19 và những hạn chế nội tại của thị trường. Trong bối cảnh đó, như nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, chúng tôi xác định cho mình chiến lược mới là “đi chậm mà chắc để nuôi dưỡng niềm tin”.
Chúng ta đều biết, những vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường BĐS vốn là thực tế khách quan trong quá trình chúng ta vừa phát triển vừa hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật để chế tài.
Như đối với GP.Invest, những bất cập, chồng chéo, thậm chí hạn chế của cơ chế chính sách khiến chúng tôi khá “vất vả” khi theo đuổi các dự án. Ví dụ như tại dự án tại Phú Thọ, do những vướng mắc trong quy định về giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư mà GP.Invest vẫn chưa “thông” dù địa phương đã qua đến 5 đời Chủ tịch tỉnh.
Trong bối cảnh mà doanh nghiệp bất động sản, ngoài những quy định pháp luật chung còn phải chịu sự chế tài của hơn một chục các Luật chuyên ngành liên quan khác như Luật Đất đai, Đầu tư, Đấu thầu,… Và việc các Luật này còn có những điểm chồng chéo, bất cập, thậm chí mâu thuẫn đã vô tình đặt doanh nghiệp vào “ma trận” quy định khi với một hiện tượng, có khi nhìn từ Luật này thì đúng nhưng soi từ những quy định tại Luật khác lại chưa hoàn toàn hợp lý….
Chính “ma trận” đó, không chỉ làm khó doanh nghiệp mà dường như cũng đang “trói chân” chính các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương. Chẳng hạn như việc thị trường vừa qua thiếu hụt nguồn cung trầm trọng do ách tắc trong việc cấp phép dự án mới của các địa phương. Khi mà các luật hiện hành ít nhiều chưa theo kịp thực tế thì tất yếu các địa phương sẽ chọn “giải pháp an toàn” là “phương án 3 - chờ Luật, xin ý kiến, chờ hướng dẫn” khiến doanh nghiệp chỉ còn biết chờ đợi.
Chính lãnh đạo các địa phương cũng rất trăn trở về việc này bởi nếu dám “xé rào” tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên tinh thần vì mục tiêu chung, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương thì chính họ cũng sẽ phải đứng trên gianh giới “công-tội” khá mong manh.
Dù có những hạn chế và khó khăn nhất định nhưng cũng phải khẳng định thị trường BĐS Việt Nam đang đang trên con đường tiến lên. Đảng và Chính phủ đã và đang rất quyết liệt trong việc tạo kiến tạo một thị trường bất động sản phát triển lành mạnh.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có những diễn biến phực tạp trên thế giới, dù trong nước đã cơ bản khống chế được dịch bệnh nhưng những ảnh hưởng đến thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung là chưa thể đong đếm thì ở góc độ doanh nghiệp, GP.Invest tâm niệm đi chậm mà chắc, có được dự án nào là phải dồn toàn lực, làm thật tốt và luôn nuôi dưỡng niềm tin về sự bứt phá sau khi chiến thắng dịch bệnh hoàn toàn.
Bên cạnh đó, tôi và các doanh nghiệp BĐS khác cũng đều hy vọng năm tới những cơ chế về đầu tư BĐS sẽ được tiếp tục cải thiện sau Đại hội XIII của Đảng, nhất là việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ để thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung sẽ lấy lại đà phát triển.
Có thể bạn quan tâm