Doanh nhân trẻ dành cả sự nghiệp để thay đổi mặt bằng thị trường cà phê Việt Nam thông qua các hoạt động bền vững và những chiến lược đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Đức Tuấn Vinh, Tổng giám đốc Tuấn Lộc Commodities doanh nghiệp thuộc nhóm năm nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, và cựu sinh viên RMIT, đã dành cả sự nghiệp để thay đổi mặt bằng thị trường cà phê Việt Nam thông qua các hoạt động bền vững và những chiến lược đổi mới sáng tạo.
Ông Vinh tốt nghiệp Đại học RMIT Việt Nam với tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh (Cấp quản lý) năm 2015 và sau đó là Chứng chỉ sau đại học về Thương mại toàn cầu năm 2021 từ học bổng do Hinrich Foundation tài trợ. Nền tảng giáo dục chuyên sâu có được từ RMIT đã tạo cơ sở vững chắc cho định hướng kinh doanh của ông, nhấn mạnh vào tính bền vững và thương mại toàn cầu.
Ông bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh cà phê và hàng hóa từ năm 2002. Điều giúp ông luôn giữ được ngọn lửa cảm hứng với ngành này chính là khả năng kiến tạo tác động tích cực và “vừa làm tốt việc kinh doanh, vừa làm được điều tốt đẹp cho xã hội”.
“Đầu những năm 2000, ngành cà phê thế giới trải qua thời kỳ rớt giá khủng khiếp do nguồn cung vượt xa cầu. ‘Khủng hoảng cà phê’, như chúng ta đều biết, ảnh hưởng nặng nề đến Đắk Lắk quê tôi. Nhiều bà con nông dân mà tôi từng biết phải cắt giảm nhu cầu thiết yếu thường nhật và một số gia đình còn phải cho con cái nghỉ học”, ông Vinh nhớ lại.
Hình ảnh sống động về cuộc sống nghèo khó của người nông dân nơi quê nhà đọng mãi trong ông, định hình nhận thức của ông về ngành cà phê. Chuyến công tác đến khu vực châu Phi hạ Sahara hai năm sau đó càng củng cố thêm niềm tin của ông rằng hệ thống thương mại toàn cầu bền vững là điều thiết yếu để giải quyết cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn này.
Ông chia sẻ rằng, “nhờ làm việc cho các công ty cà phê đa quốc gia mà tôi có cơ hội đến các nước sản xuất cà phê ở khu vực châu Phi hạ Sahara, châu Mỹ La tinh và các nước châu Á đang phát triển, nơi tôi có dịp tận mắt chứng kiến cuộc khủng hoảng cà phê vẫn chưa thật sự kết thúc. Trong khi Brazil và Việt Nam, hai nước sản xuất năng suất nhất đã cải thiện về mặt kinh tế, nông dân ở các quốc gia sản xuất cà phê khác vẫn đang ngụp lặn trong khó khăn”.
“Trải nghiệm này đã khơi dậy quyết tâm trong tôi, nhằm góp phần làm cho ngành cà phê công bằng, bình đẳng và khả thi về mặt kinh tế hơn cho nông dân trên toàn thế giới. Tôi tin rằng một hệ thống thương mại toàn cầu bền vững hơn – hệ thống được thúc đẩy và đo lường không chỉ bởi thước đo tiền tệ mà còn bằng các mục tiêu bền vững như giảm đói nghèo, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát thải nhà kính thấp – là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng vẫn đang tiếp diễn này”, ông nói.
Năm 2021, ông Vinh rời công việc quản lý cấp cao tại một tập đoàn kinh doanh nông nghiệp quốc tế hàng đầu để gây dựng ngành hàng kinh doanh hàng hóa thương phẩm quốc tế cho Tập đoàn Tuấn Lộc từ con số không. Hiện tại, ông vừa là Chủ tịch Hội đồng thành viên, vừa là Tổng giám đốc của Tuấn Lộc Commodities.
“Tại Tuấn Lộc Commodities, hoài bão của tôi được hun đút từ tầm nhìn về bền vững và toàn mỹ”, ông nói. “Nhiệm vụ của chúng tôi là tạo ra các đề xuất giá trị cho nhà cung cấp và khách hàng, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho cổ đông của công ty”.
“Chúng tôi hình dung ra một ‘cảnh quan sống động’ nơi các cộng đồng thịnh vượng và hệ sinh thái lành mạnh cùng tồn tại hài hòa, phản ánh cam kết của chúng tôi với hoạt động kinh doanh có trách nhiệm”.
Tháng 12/2023, chỉ ba năm sau khi thành lập, Tuấn Lộc Commodities đã giành giải thưởng SME100 Fast-Moving Companies Award từ tạp chí uy tín SME Asia Magazine. Đây là giải thưởng ghi nhận và tôn vinh sự tăng trưởng nổi trội và độ tin cậy của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á.
Hiện tại, Tuấn Lộc Commodities đang bắt tay hợp tác với Nestlé SA (Thụy Sĩ) trong một dự án sáng tạo nhằm giảm phát thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng cà phê.
“Việc hợp tác này, với sự ủng hộ về chuyên môn và sức mạnh tài chính của Nestlé, là minh chứng cho thấy sự tin tưởng mà tập đoàn này đặt vào công ty non trẻ của chúng tôi”, ông Vinh nói.
“Điều này khiến chúng tôi vô cùng tự hào và tiếp thêm động lực to lớn để chúng tôi bứt phá khỏi giới hạn của những gì có thể, tạo ra một di sản bền vững và đổi mới”.
Với doanh thu vượt 400 triệu đô la Mỹ vào năm 2023 và dự kiến đạt 500 triệu đô là Mỹ vào năm 2024, Tuấn Lộc Commodities được xếp hạng trong nhóm năm nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới và lớn thứ hai về xuất khẩu tất cả các loại cà phê.
Theo ông Vinh, Tuấn Lộc Commodities lớn mạnh thần tốc như vậy là nhờ đội ngũ dày dạn kinh nghiệm tràn đầy năng lượng trẻ trung, cũng như tầm nhìn về quản lý chuỗi cung ứng dựa trên dữ liệu và đầu-cuối mà ông chia sẻ với các cổ đông chính của tập đoàn, kết hợp với việc lập kế hoạch chiến lược và cam kết không suy chuyển với sự toàn mỹ. Và trên hết, chính là 22 năm kinh nghiệm chuyên môn và mạng lưới giao lưu kết nối mà ông gầy dựng được trong ngành giao dịch hàng hóa ở cả thị trường trong và ngoài nước giúp ông đóng vai trò nhạc trưởng đưa công ty vững vàng tiến về phía trước.
Là một trong những chuyên gia nhận được chứng chỉ CQI Q Grader do Viện Chất lượng cà phê quốc tế CQI cấp, ông Vinh là một phần trong nỗ lực nâng cao nhận thức và tiêu chuẩn chất lượng cà phê cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng Việt.
“Việt Nam từng được biết đến là nước chủ yếu sản xuất cà phê rẻ tiền, chú trọng vào số lượng hơn chất lượng”, ông nói.
“Chứng chỉ CQI Q Grader là công cụ thay đổi nhận thức này. Ngày nay, cà phê đặc sản chất lượng cao tạo được sức hút đáng kể trên thị trường Việt Nam. Thay đổi này không chỉ nâng cao uy tín của cà phê Việt trên thị trường toàn cầu mà còn đảm bảo rằng nông dân trồng cà phê sẽ nhận được đãi ngộ tốt hơn để sản xuất hạt đạt chất lượng cao hơn, giúp hình thành nên một ngành sản xuất bền vững và thịnh vượng hơn”.