Không có tiền, phải mượn từng kg nhang trầm về bán, Châu Tự Trọng đã gầy dựng doanh nghiệp với doanh số 4-5 tỷ đồng mỗi năm.
Một buổi trưa nắng gắt của năm 2013, Trọng đứng tần ngần trước cửa hàng kinh doanh trầm hương trên đường Trần Hưng Đạo, quận Tân Phú, TP HCM. Đây đã là cửa hàng thứ 3 anh bước vào buổi sáng, và là cửa hàng thứ 20 trong tuần, nhưng không nơi nào đồng ý mua trầm hương thô anh mang đến.
Từng được xem là lộc trời, trầm hương vốn chỉ hình thành trong tự nhiên, với giá rất đắt. Từ những năm đầu thập niên 90, người Việt Nam đã biết cách "thuần dưỡng" trầm bằng cây dó bầu. Với khả năng sinh lợi cao, diện tích trồng dó tăng lên nhanh chóng, từ 8.000 ha năm 2007 lên 30.000 ha vào năm 2011, theo số liệu của Hội Trầm hương Việt Nam. Tại phía Nam, dó bầu được trồng nhiều tại Đồng Nai và Phú Quốc, Kiên Giang.
Nguồn cung tăng mạnh, giá trầm hương giảm dần. Thương lái cũng ít gom hàng hơn, đẩy nhiều hộ dân trồng dó lấy trầm vào tình thế khó khăn, vì vốn đầu tư không hề nhỏ.
Trọng và người bạn quyết định tạm nghỉ học, xuống tận nhà dân ở Đồng Nai tìm mua trầm hương thô về bán lại cho các cửa hàng sản xuất - kinh doanh trầm ở TP HCM. Nhưng khác với dự tính của hai người bạn trẻ, các cửa hàng chẳng hứng thú gì đến sản phẩm của họ.
Mỗi ngày, hai chàng trai ghé ít nhất 4 cửa hàng, nhưng cả tuần mới có người đồng ý mua. Nhiều người mua chỉ vì "tội nghiệp". Quá chán nản, người bạn đồng hành đã chuyển sang làm việc khác. Còn Trọng, mỗi đêm phải đi làm thêm kiếm 70.000 đồng để nuôi sống bản thân và "hoài bão".
Vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, anh hít một hơi dài và giữ nét mặt tươi nhất có thể, bước vào cửa hàng. Ông chủ đang bận rộn bán nhang trầm cho khách, và cố tỏ vẻ như không nhìn thấy anh. Anh kiên nhẫn chờ khách hàng đi hết, rồi tiến tới định giới thiệu sản phẩm.
Không để anh mở lời, ông lôi đống nhang trầm, nụ trầm đủ thương hiệu bày lên tủ kính rồi nói: "Sản phẩm làm sẵn thế này còn không bán được. Trầm thô của cậu, bán làm sao?". Thoáng chút bối rối, rồi Trọng nghiệm ra: "Sao mình không bán sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng?"
Từ người bán, Trọng lại muốn trở thành khách hàng, nhưng không có vốn. Để kinh doanh trầm hương thô, anh đã gom góp, vay mượn các nơi và cầm cố luôn chiếc laptop mới có gần 30 triệu. Anh chợt nghĩ đến ý tưởng táo bạo - mượn.
Nghe anh mở lời, chủ cửa hàng tưởng anh đùa. Nhang trầm đang có giá một triệu đồng một kg với loại có tăm, và 5-6 triệu đồng một kg với loại không tăm. Nhưng cuối cùng, người chủ đã bị thuyết phục.
"Lúc đó mình không có vốn, không có mối quan hệ, không có kinh nghiệm cũng không có kiến thức gì về trầm. Mình chỉ có 4 chữ 'kiên trì' và 'ý chí", Trọng chia sẻ.
Với 2 kg nhang trầm "mượn" được, Trọng bắt tay vào xây dựng website, tận dụng các mối quan hệ để tìm khách hàng. Nhưng phải mất 2-3 tuần, Trọng mới bán hết một kg nhang.
Sau này, anh mới hiểu ra, khách hàng chỉ tin vào những người bán trầm có kinh nghiệm, am hiểu, tức phải lớn tuổi. Nhìn mặt anh chàng mới ngoài 20, ít ai tin anh bán trầm thật. Trọng quyết định mở công ty, để lấy tư cách doanh nghiệp bán hàng.
"Lúc đó, mình chỉ nghĩ mở doanh nghiệp để dễ bán hàng thôi, không có suy tính gì chắc chắn cả. Thất bại thì về đi làm công thôi", anh cười nói.
Công ty ra đời vào tháng 7/2015 do Trọng làm giám đốc kiêm luôn tất cả các khâu còn lại từ nhập hàng, giao hàng đến phát triển thị trường, tìm khách mới. Anh cũng dành thời gian lê la khắp các lò sản xuất để học hỏi thêm kiến thức, biết cách phân biệt chất lượng trầm qua mùi hương.
Thỉnh thoảng có vài khách hàng gọi đòi đến cửa hàng mua trực tiếp. Trọng cáo bận, không tiếp vì mặt bằng không chuyên nghiệp và không có nguồn hàng sẵn. Vậy mà "doanh nghiệp một thành viên" cũng tạo doanh thu 20-30 triệu đồng mỗi tháng. Con số này tăng lên 50 triệu chỉ sau vài tháng, cũng là lúc anh quyết định thuê cửa hàng và tìm nhân công.
Không bằng lòng với những sản phẩm hiện có trên thị trường, Trọng lặn lội tìm đến từng lò sản xuất nhang tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Cuối cùng, anh chọn một cơ sở chuyên sản xuất hàng xuất khẩu của Bình Dương, làm đơn vị gia công cho mình. Nguyên liệu đầu vào do công ty lấy trực tiếp từ nhà dân ở Phú Quốc, Hà Tĩnh, Quảng Nam.
Sản phẩm nhang của anh chỉ dùng tăm tre và trầm hương, không sử dụng thêm hóa chất tạo mùi, tạo màu dần dần được khách hàng biết đến. Doanh số công ty tăng lên hơn một tỷ trong năm 2016 và đạt gần 5 tỷ chỉ một năm sau đó.
Hiện, công ty có 2 cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM. Ngoài ra, sản phẩm còn có mặt tại 6 đại lý phân phối chính thức và hơn 100 điểm bán lẻ trên cả nước.
"Lúc bạn bè ra trường, có việc làm lương cao thì mình vẫn đang loay hoay, không tìm được việc làm vì không có bằng cấp. Mọi thứ có được hôm nay mình vẫn nghĩ là do may mắn, chứ lúc đó không bao giờ dám nghĩ đến", Trọng bộc bạch.
Thông qua các công ty lữ hành, hiện anh đã có nhiều khách hàng đến từ Đài Loan, Trung Quốc. Nhiều du khách sau đó trở thành khách hàng trung thành của anh. Theo đánh giá của Trọng, nhu cầu sử dụng trầm hương tại nhiều quốc gia ở châu Á rất lớn. Do đó, anh đang đẩy mạnh việc hoàn thiện quá trình sản xuất hướng đến mục tiêu "đem chuông đánh xứ người".