Doanh nghiệp

Tạo "cú hích" để hộ kinh doanh lên mô hình doanh nghiệp

Hằng Thy 02/04/2025 19:50

Việt Nam đặt mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030, tuy nhiên, hiện cả nước mới đạt gần 1 triệu doanh nghiệp, tức bằng 2/3 mục tiêu đề ra.

Trước thực trạng này, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 10 về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhấn mạnh yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực này. Mục tiêu đặt ra là từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ có thêm ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc mỗi năm cần có thêm trung bình 200.000 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường.

hokinhdoanh.jpg
Ưu đãi thuế có thể tạo động lực cho hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi mô hình thành doanh nghiệp. Ảnh: Quốc Tuấn

Đề xuất ưu đãi thuế 3 năm

Trong bối cảnh số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn số doanh nghiệp mới thành lập, các chuyên gia cho rằng giải pháp khả thi nhất để đạt mục tiêu tăng thêm 1 triệu doanh nghiệp là khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhỏ.

Để thúc đẩy quá trình này, cần tháo gỡ những rào cản, bất cập hiện có và xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp. Trong đó, ưu đãi thuế được xem là yếu tố then chốt nhằm tạo động lực cho hộ kinh doanh mạnh dạn chuyển đổi mô hình, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc chuyển đổi giúp hộ kinh doanh nâng cao tính chuyên nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh. Ông Tuấn đề xuất "miễn thuế 3 năm cho hộ kinh doanh chuyển đổi".

Cùng quan điểm, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ ăn uống, vận tải nhỏ, thủ công mỹ nghệ và sản xuất hộ gia đình. Việc thúc đẩy các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp được xem là giải pháp quan trọng để đạt mục tiêu có thêm 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Để quá trình chuyển đổi diễn ra mạnh hơn, TS Mạc Quốc Anh cho rằng cần xây dựng một môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch cùng hệ sinh thái kinh doanh đồng hành với hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi và phát triển bền vững.

Cụ thể theo ông, cần một hệ thống giải pháp tổng thể với ba yếu tố chính: khuyến khích, hỗ trợ và đơn giản hóa. Có thể áp dụng các gói ưu đãi thuế trong 1-3 năm đầu sau khi chuyển đổi, bao gồm miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí sử dụng hóa đơn điện tử và cấp vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, việc miễn lệ phí môn bài và giảm chi phí đăng ký kinh doanh cũng là những biện pháp quan trọng nhằm khuyến khích hộ kinh doanh gia nhập thị trường chính thức.

Tạo lộ trình cải cách mạnh mẽ

Đồng quan điểm với các chuyên gia, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc chuyển đổi hộ kinh doanh nhỏ lẻ thành doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp là bước đi tích cực, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển. “Càng có nhiều doanh nghiệp mạnh, nền kinh tế càng vững chắc”, ông nhấn mạnh.

Mặc dù vậy, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng không phải hộ kinh doanh nào cũng sẵn sàng chuyển đổi. Nhiều chủ hộ vẫn muốn duy trì mô hình nhỏ lẻ để toàn quyền quyết định hoạt động. Bên cạnh đó, các rào cản pháp lý, yêu cầu quản trị và nguồn vốn cũng là những yếu tố khiến họ e ngại.

Do đó, ngoài chính sách ưu đãi thuế, ông Hiếu đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý và đào tạo kỹ năng quản trị doanh nghiệp. “Nhiều hộ kinh doanh chưa hiểu rõ cách vận hành doanh nghiệp, vì vậy cần có các chương trình tư vấn, hướng dẫn cụ thể để họ an tâm khi chuyển đổi”, ông đề xuất.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Trí Hiếu, để chính sách miễn thuế ba năm thực sự hiệu quả, cần có lộ trình cụ thể, công khai chương trình để hộ kinh doanh hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Đồng thời, việc triển khai các khóa đào tạo chuyên biệt về quản trị doanh nghiệp, thuế, kế toán và pháp lý sẽ giúp các hộ kinh doanh thích nghi nhanh chóng với mô hình doanh nghiệp.

Cho ý kiến về vấn đề này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng thuế khoán tuy nhanh gọn nhưng lại mang tính cơ chế “xin - cho”, thiếu minh bạch và có nguy cơ thất thoát ngân sách. Do đó, ông đề xuất không nên duy trì phương thức này trong thời gian dài, thay vào đó cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa được hỗ trợ thành lập, vừa đóng góp thuế đầy đủ về lâu dài.

TS Cấn Văn Lực kiến nghị áp dụng chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3-5 năm đầu tiên cho các hộ kinh doanh sau khi chuyển đổi. Ông nhấn mạnh việc đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính: “Không cần hội đồng quản trị, ban kiểm soát hay kế toán trưởng, mà chỉ cần hỗ trợ họ về sổ sách, kế toán và quản trị”.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng đề xuất phát triển phần mềm hỗ trợ hộ kinh doanh trong việc khai báo thuế, quản lý thu - chi một cách đơn giản và thuận tiện, giúp họ nhanh chóng thích nghi với mô hình doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn.

Khảo sát của các chuyên gia kinh tế và Hiệp hội doanh nghiệp chỉ ra rằng tâm lý e ngại rủi ro, gánh nặng thủ tục, chi phí và nghĩa vụ tài chính là những rào cản lớn đối với quá trình chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp.

Nhiều hộ kinh doanh lo ngại khi lên doanh nghiệp, mức thuế phải nộp có thể tăng, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, trong khi các chính sách ưu đãi chưa thực sự rõ ràng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm các khoản chi phí như bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, chi phí kế toán, phần mềm hóa đơn, kiểm toán…, tạo áp lực tài chính không nhỏ, đặc biệt đối với hộ kinh doanh siêu nhỏ.

Từ góc độ chính sách, TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhận định rằng nếu không có cải cách mạnh mẽ về quy định đối với mô hình doanh nghiệp cá thể, các chính sách hỗ trợ tài chính như miễn thuế sau chuyển đổi sẽ chỉ mang ý nghĩa động viên tinh thần.

Ông cho rằng ưu tiên hàng đầu khi sửa đổi Luật Doanh nghiệp là xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, tách bạch giữa doanh nghiệp cá thể và hộ kinh doanh. “Việc tách biệt quy định giữa pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh là nguyên tắc quan trọng đã được nhiều quốc gia áp dụng. Luật Doanh nghiệp cần gọi đúng bản chất của mô hình doanh nghiệp cá thể và bình dân hóa hình thức này thông qua những cải cách đối với quy định hiện hành về doanh nghiệp tư nhân,” TS Lê Duy Bình nhấn mạnh.

Ông Bình cũng đề xuất phân quyền đăng ký doanh nghiệp xuống cấp xã – nơi gần gũi nhất với hộ kinh doanh – để giảm chi phí tuân thủ, đồng thời điều chỉnh chính sách thuế sao cho phù hợp với đặc thù của hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Có thể thấy, để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp mới, không chỉ cần sự quyết tâm mà còn cần những biện pháp cụ thể, cải cách tích cực và hỗ trợ hợp lý trong việc thúc đẩy chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo "cú hích" để hộ kinh doanh lên mô hình doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO