Theo TS Giản Tư Trung, so với các thế hệ doanh nhân trước, thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất chính mình”.
>>Giáo dục khai phóng: Góp phần phát triển một thế hệ doanh nhân mới
Chia sẻ với Doanh Nhân xung quanh câu chuyện về thế hệ doanh nhân mới, TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE cho rằng, nếu như không bắt đầu từ doanh trí mới thì không thể có thế hệ doanh nhân mới và nền quản trị mới.
- Trải qua hàng trăm năm lịch sử, các thế hệ doanh nhân Việt Nam được hình thành và phát triển như thế nào, thưa ông?
Để hiểu hơn về thế hệ doanh nhân mới, chúng ta hãy ngược dòng thời gian quay trở lại với lịch sử của nền kinh thương Việt Nam, một nền kinh thương còn khá non trẻ so với các nền kinh thương lâu đời của các quốc gia phát triển trên thế giới.
Ở thời phong kiến, trật tự xã hội quy định Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh. Trong đó, “Thương” - tầng lớp thương nhân xếp ở vị trí thứ Tư và được coi là một tầng lớp thấp trong xã hôi. Đây không chỉ là do ý thức hệ khổng giáo (chỉ “trọng nông” chứ không “trọng thương”), mà còn vì cách làm giàu của đa số thương nhân không được xã hội nể trọng. Trong bối cảnh đó, đầu thế kỷ XX đã xuất hiện những tư tưởng cách tân của cụ Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, hay những nhà văn hóa lớn như Phan Khôi, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh… họ đã thổi một luồng sinh khí mới vào đất nước, vào nền kinh thương Việt Nam. Trong đó, họ cổ vũ “Phi thương bất phú”, muốn phát triển đất nước thì phải “Phú quốc cường binh” và muốn vậy thì phải phát triển nền kinh thương.
Nếu như trước đó, quan điểm của các nhà Nho, thương nhân là tầng lớp hạ đẳng, thì cụ Lương Văn Can, người đồng sáng lập Đông kinh Nghĩa thục để gióng lên tiếng trống khai trí cho đất nước, đã nỗ lực thay đổi nhận thức của xã hội về thương giới, đồng thời, ông cũng chứng minh cho xã hội thấy rằng, thương nhân hay doanh nhân là một nghề rất quan trọng và nếu làm ăn đàng hoàng thì vẫn là một nghề rất cao quý.
Tôi tạm gọi thế hệ doanh nhân này là thế hệ Doanh nhân 1.0, thế hệ doanh nhân tiền bối, những người đặt nền móng cho nền kinh thương Việt Nam và cũng từ thế hệ doanh nhân này, chúng ta đã hình thành được một tầng lớp “tư bản dân tộc”. Và nổi bật trong thế hệ doanh nhân này là Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Nguyễn Sơn Hà…
Giai đoạn sau năm 1945, khi đất nước xây dựng Chủ nghĩa Xã hội thì chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư hữu, tầng lớp doanh nhân bị xóa sổ và xã hội cũng không còn kinh doanh.
Giai đoạn 1954-1975, đất nước bị chia cắt thành 2 miền Nam – Bắc. Khi đó, miền Bắc tiếp tục đi theo Chủ nghĩa Xã hội, với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, không có thị trường, tất cả đều sản xuất và phân phối theo chỉ đạo và kế hoạch của Nhà nước. Trong khi, ở miền Nam có thị trường, có doanh nhân, nhưng vì nhiều lý do, nhìn chung vẫn chưa hình thành được một “tầng lớp” doanh nhân mang tinh thần “tư bản dân tộc”.
Đến năm 1975, khi đất nước thống nhất thì trên cả nước không còn doanh nhân, không còn thị trường, tất cả đều bị xóa sổ và trở về với nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Do đó, lịch sử của nền kinh thương Việt Nam rất thăng trầm và kinh doanh thường bị coi là chủ nghĩa cá nhân xấu xí và tham vọng tư hữu hay bóc lột.
Khi Luật công ty và Luật doanh nghiệp tư nhân đầu tiên ra đời vào năm 1990, mặc dù, luật ra đời không phải là để khuyến khích kinh doanh, mà chỉ nhằm mục đích hợp thức hóa thực trạng của nền kinh tế, chuyển đổi các cơ sở sản xuất thành các công ty, doanh nghiệp để quản lý và thu thuế. Nhưng đây cũng được xem là dấu mốc về sự xuất hiện của thế hệ doanh nhân thứ hai, tạm gọi là thế hệ Doanh nhân 2.0.
Đến năm 2000, Luật Doanh nghiệp mới ra đời, đây có thể xem là cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử kinh thương Việt Nam. Nếu như Luật công ty năm 1990 với tư tưởng là người dân chỉ được làm những gì Nhà nước cho phép, thì Luật Doanh nghiệp năm 2000 là một cuộc cách mạng thực sự về tư tưởng quản lý của Nhà nước đối với khu vực này. Và tư tưởng mang tính cách mạng đó là, Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, còn người dân được làm tất cả những gì mà pháp luật không cấm.
Đây cũng là lần đầu tiên hợp thức hóa tư tưởng cốt lõi về quyền tự do kinh doanh của người dân. Do đó, từ năm 2000, chúng ta có một thế hệ doanh nhân thứ ba, tạm gọi là thế hệ Doanh nhân 3.0. Và cũng từ đây, kinh tế và kinh doanh ở Việt Nam bắt đầu bùng nổ cả về số lượng doanh nghiệp và quy mô doanh nghiệp.
Sau 20 năm, đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới và loài người bước vào kỷ nguyên số, nền kinh thương của Việt Nam đã xuất hiện một thế hệ doanh nhân thứ tư, đó là thế hệ Doanh nhân 4.0, một thế hệ doanh nhân rất khác với một “doanh trí” rất khác.
Nền quản trị mới này mang trong mình “khát vọng dân tộc & chuẩn mực toàn cầu”. Hay nói cách khác là một nền quản trị mang trong mình một “Tinh thần Việt Nam & Tinh hoa thế giới”.
- Vậy theo ông, những đặc tính “doanh trí” khác biệt của thế hệ doanh nhân mới này so với các thế hệ doanh nhân trước đó là gì?
Về “doanh trí”, so với các thế hệ doanh nhân trước, thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, mà còn có tầm nhìn công nghệ, có chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất chính mình”, một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”.
Vì bối cảnh mới quá nhiều biến động và môi trường kinh doanh ngày càng nhiều phức tạp, nên thế hệ doanh nhân mới sẽ phải suy tư nhiều hơn về đạo nghề của nghề kinh doanh, hay còn gọi là Đạo kinh doanh. Kinh doanh, cơ bản là kiếm tiền, điều này luôn đúng từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây. Nhưng điều quan trọng là kiếm tiền bằng cánh nào? mang lại lợi ích cho xã hội hay gây hại cho xã hội? Tức là làm lợi cho mình bằng cách làm lợi cho người khác hay làm lợi cho mình bằng cách làm hại người khác.
Đạo kinh doanh có ý nghĩa rộng hơn đạo đức kinh doanh. Bởi đạo kinh doanh không chỉ là “chân thắng”, mà còn là “chân ga”, nó luôn gắn với đạo sống và lẽ sống của doanh nhân. “Chân ga” giúp doanh nhân vượt qua bao “đèo cao”, đẩy họ đi xa hơn, vượt qua mọi thách thức và biến cố của đời doanh nhân. Còn “chân thắng” sẽ ngăn doanh nhân rơi xuống vực sâu, ngăn họ làm sai hay làm ác chỉ vì tư lợi. Hay nói cách khác, Đạo kinh doanh đúng nghĩa sẽ chỉ làm những gì “lợi mình, lợi người, lợi chúng sinh”, chứ không thể làm những việc lợi mình nhưng hại người, hại xã hội được.
Ngoài ra, thế hệ doanh nhân mới còn có thêm đặc tính của thời đại, thời 4.0 (kỷ nguyên số và trí tuệ nhân tạo). Những người doanh nhân của thế hệ này phải am tường mọi lĩnh vực từ văn hóa-lịch sử, khoa học-công nghệ đến chính trị-kinh tế… Thế hệ doanh nhân mới này cũng không thể tách rời khỏi một nền quản trị mới. Và nếu như không có nền quản trị mới thì sẽ không thể tạo ra được một thế hệ doanh nhân mới.
- Vậy nền quản trị mới này có gì khác biệt so với nền quản trị cũ, thưa ông?
Tất nhiên là nền quản trị mới này sẽ rất khác so với nền quản trị cũ. Nền quản trị mới này mang trong mình “khát vọng dân tộc & chuẩn mực toàn cầu”. Tức là, mang trong mình khát vọng vươn lên của dân tộc và được vận hành theo các chuẩn mực toàn cầu. Hay nói cách khác là một nền quản trị mang trong mình một “Tinh thần Việt Nam & Tinh hoa thế giới”.
Nếu như ở nền quản trị cũ, đa số được vận hành theo kinh nghiệm và theo trực giác của người lãnh đạo, ít được quản trị theo khoa học. Bởi đa số các doanh nhân của thế hệ trước chưa có cơ hội học bài bản về quản trị. Họ kinh doanh chủ yếu do xuất ban đầu là nhu cầu kiếm tiền và làm giàu, chưa nghĩ nhiều đến đạo kinh doanh và cũng chưa nghĩ nhiều tới việc phải quản trị doanh nghiệp cho khoa học.
Để có thể phát triển bền vững trong bối cảnh mới, với nền quản trị mới này, các doanh nhân sẽ phải luôn tự đặt ra câu hỏi cho bản thân mình rằng, mình là người Việt Nam, mình có nỗ lực để đưa các chuẩn mực toàn cầu vào trong quản trị và trong kinh doanh của doanh nghiệp mình không?
Chúng ta không cố gắng để tạo ra một doanh nghiệp tốt, mà luôn cố gắng tạo ra một doanh nghiệp tốt hơn, được quản trị tốt hơn, lãnh đạo tốt hơn và kinh doanh tốt hơn. Do đó, để có thể tồn tại và phát triển bền vững, thế hệ doanh nhân mới sẽ luôn gắn liền với một nền quản trị mới, dù có muốn hay không.
Và hẳn nhiên, nền quản trị mới này phải được sản sinh từ nền doanh trí mới. Hay nói cách khác, doanh trí mới sẽ giúp thế hệ doanh nhân mới tạo ra một nền quản trị mới và nền kinh thương mới. Khi mỗi doanh nhân nỗ lực khai mở doanh trí của mình thì cũng góp sẽ phần khai mở doanh trí của cả nền kinh thương nước nhà. Do vậy, ta hãy cứ bắt đầu từ doanh trí của mỗi doanh nhân!
- Trong bối cảnh đầy khó khăn và nhiều biến động như hiện nay, thế hệ doanh nhân mới này cần phải có tư duy “doanh trí” gì để đưa doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển, thưa ông?
Trong bối cảnh hiện nay, để tồn tại và phát triển, trước tiên, các doanh nhân cần phải tư duy sinh tồn theo nguyên lý “hướng gió và cánh buồm”. Tức là, “ta không thay đổi được hướng gió, nhưng có thể điều chỉnh được cánh buồm”. Vì “cánh buồm” nằm trong tay ta và như vậy, con thuyền vẫn sẽ đi theo hướng mà ta muốn, bất kể là gió thổi theo hướng nào. Gió ở đây bao gồm gió kinh tế - chính trị, gió văn hóa - xã hội, gió khoa học - công nghệ, gió thế giới, gió trung ương, gió địa phương…, còn “con thuyền” ở đây chính là doanh nghiệp, còn “cánh buồm” chính là năng lực lãnh đạo và chiến lược kinh doanh của doanh nhân.
Thứ hai, là doanh nghiệp cần phải chọn hướng đi, ngành nghề phù hợp với khả năng của mình để giảm thiểu “lụy đò”. Chúng ta thường hay nói “qua sông thì phải lụy đò”, đó cũng là lẽ thường tình. Nhưng tại sao chúng ta lại chọn con đường mà có quá nhiều sông, trong khi mình lại không biết bơi hay bơi kém, vì như vậy thì rủi ro lớn là điều không thể tránh khỏi.
Thứ ba, là khi gặp bất cứ khó khăn hay biến cố nào, kể cả khó khăn hay biến cố lớn, cũng chưa vội cho đó là thất bại, mà xem đó như là một “phép thử” mà ta phải vượt qua trước khi đón nhận một vận hội mới cho cuộc đời và sự nghiệp của mình. Đó chính là tư duy phép thử.
Thứ tư, là tinh thần “có-thể” trong thời “không thể”. Càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải nỗ lực biến cái không thể thành có thể và biến cái có thể thành cái chắc chắn. Tinh thần “có - thể” này cộng với tư duy “phép thử”, thì sẽ giúp ta có thêm rất nhiều động lực để vượt qua.
Và cuối cùng, là khi khó khăn như vậy thì doanh nhân phải quay về với hai thứ, đó là “năng lực cốt lõi” và “giá trị nền tảng”. Bởi lẽ, khi đã khó khăn thì doanh nghiệp nào cũng khó khăn, nhưng sẽ có những doanh nghiệp ít khó khăn hơn, do họ dựa vào năng lực cốt lõi và giá trị nền tảng của họ. Do đó, những doanh nghiệp này sẽ không chỉ vững vàng hơn trong giông bão mà còn có rất nhiều cơ hội để bứt phá từ khủng hoảng.
Còn doanh nghiệp nào rời xa năng lực cốt lõi (tham dĩa bỏ mâm, bỏ bê ngành thế mạnh của mình và say sưa mở rộng sang các ngành mà mình không hề có thế mạnh để phát triển) hay rời xa giá trị nền tảng (ví dụ như làm bất động sản không phải là để phục vụ cho như cầu ở thật của người dân, mà chủ yếu phục vụ giới đầu cơ), thì chỉ cần có chút gió thôi cũng đã yếu đi rồi, thậm chí sụp đổ luôn.
Còn để phát triển bền vững trong dài hạn, doanh nhân cũng cần thấu hiểu nhân tình thế thái và nắm được thời cuộc. Nhân tình thế thái là chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, là khoa học…không chỉ ở trong nước mà còn cả của thế giới.
Người doanh nhân nếu không hiểu được nhân tình thế thái thì không thể nắm được thời cuộc và do đó không thể thấy nhìn thấy trước tương lai và đương nhiên là sẽ không thể làm tốt việc hoạch định chiến lược. Bởi nắm thời cuộc chính là tầm nhìn và là tư tưởng của người làm kinh doanh.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Có thể bạn quan tâm