Các Đội thi lọt Top 10 TECHFEST các năm cũng sẽ có cơ hội tham dự chương trình cố vấn khởi nghiệp toàn cầu - Global Mentoring program for V-Startups.
>>FESTIVAL KHỞI NGHIỆP 2022: 5 đề xuất tạo "hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở"
Chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, “số hoá” sẽ giúp cho doanh nghiệp startup mở ra cơ hội như nhau không kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
- Số hoá và ứng dụng blockchain tạo nên sự cạnh tranh và vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp startup, giờ đây gần như không có khoảng cách cho việc nắm bắt cơ hội phát triển giữa doanh nghiệp có “thâm niên” và doanh nghiệp startup, ông có suy nghĩ gì về nhận định này?
Bối cảnh đại dịch COVID-19 làm cho quá trình số hóa hay chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn bao giờ hết. Tôi cho rằng chuyển đổi số là xu thế tất yếu chứ không đơn thuần là sự lựa chọn. Đây là quá trình chuyển đổi mô hình, ứng dụng, khai thác có hiệu quả sáng kiến công nghệ, từ đó thúc đẩy quá trình thương mại hóa, ứng dụng công nghệ trong giải quyết các bài học thực tiễn. Trên thực tế, các startup hay các doanh nghiệp lâu năm đều bình đẳng trong việc tiếp cận các chính sách, tư liệu sản xuất, thị trường.
Các công ty lớn tiếp nhận được gì thì những startup đều có thể tiếp cận được điều đó. Công nghệ mở ra cơ hội như nhau không kể doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Bối cảnh mới yêu cầu mô hình/ sáng kiến công nghệ giúp thích nghi nhanh nhằm tạo ra sự bứt phá của các doanh nghiệp, giải quyết “bài toán” kinh tế - xã hội.
Do đó sự cạnh tranh bằng những tư liệu, lợi thế quy mô vật lý không còn sức nặng như trước đây, điều này đã được các startup cũng như các tập đoàn kinh tế nhận thấy và thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp sáng tạo cả trong và ngoài doanh nghiệp, vì đó là phương pháp để tái cấu trúc các doanh nghiệp “thâm niên” truyền thống và startup, doanh nghiệp khoa học công nghệ. Thời điểm này đang tạo cơ hội “vàng”, và chỉ dành cho những người biết nhận ra và tận dụng để sáng tạo, phát triển nhanh hơn để đi đến thành công.
- Những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 của Bộ KHCN để có thể hỗ trợ và phát triển các “kỳ lân” đổi mới sáng tạo, công nghệ là gì, thưa ông?
Được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì định hướng phát triển hệ sinh thái Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục có những chỉ đạo về phương hướng phát triển của Hệ sinh thái. Trong năm tới, Bộ Khoa học và Công nghệ dự định tham mưu cho Chính phủ trong việc thu hút nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong việc thúc đẩy Đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Trong đó, các startup sẽ tận dụng những công nghệ của mình để đưa ra lời giải cho những bài toán đến từ thực tiễn được đặt ra bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Và ngược lại, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ hỗ trợ startup bằng những nguồn lực sẵn có để hiện thực hóa các lời giải.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc kết nối các chuyên gia kiều bào tại nước ngoài với Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong nước, đóng góp cho sự phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nước nhà. Trong năm 2021, qua nhiều nỗ lực triển khai, “Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ Đổi mới sáng tạo và Thương mại hóa công nghệ” đã được ký kết nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước phát huy nguồn lực, cũng như lắng nghe phản hồi từ kiều bào về những vướng mắc khi tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Mạng lưới đã có sự tham của 21 Chủ tịch các Hội trí thức người Việt tại nước ngoài từ 15 quốc gia trên thế giới. Trên cơ sở phát huy những thành tựu đã đạt được, trong năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiếp tục hỗ trợ các startup vươn ra thế giới, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh toàn cầu.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm