Bạn sẽ là một người thiệt thòi nếu chỉ nhận được những lời khen ngợi mà không hề nhận được những lời phê bình, chỉ trích.
Lần gần đây nhất bạn nhận được một lời khen ngợi hoặc một lời phê bình là khi nào? Tất nhiên, khi nhận được lời khen, bạn luôn cảm thấy hào hứng và vui vẻ. Ngược lại, khi nhận được lời phê bình, bạn lại cảm thấy buồn bã và không muốn chấp nhận điều đó.
Bạn sẽ là một người thiệt thòi nếu không bao giờ nhận được những lời phê bình từ người khác, bởi như vậy bạn sẽ không có nhiều cơ hội để phát triển bản thân. Và về lâu dài, bạn không chỉ có nhiều khả năng thất bại, mà còn có thể thất bại một cách vô cùng tệ hại.
Microsoft KIN là một ví dụ điển hình về việc thiếu những lời chỉ trích dẫn tới một thất bại lớn. KIN là tên chiếc điện thoại chạy Windows Phone của Microsoft ra mắt vào năm 2010, chi phí phát triển và tiếp thị nó có giá trị lên tới 1 tỷ USD. Không ngờ rằng chiếc điện thoại này chỉ xuất hiện trên thị trường trong vòng 48 ngày.
Vấn đề ở đây là gì? Microsoft đã không thực hiện thử nghiệm chiếc điện thoại thông minh này một cách toàn diện. Chỉ sau khi điện thoại được bán ra, Microsoft mới biết rằng sản phẩm này là một “quả bom xịt”. Microsoft KIN được xem là một sự kết hợp lỗi, mặc dù máy vừa có màn hình cảm ứng, vừa có bàn phím QWERTY dạng trượt như những chiếc điện thoại BlackBerry, nhưng trải nghiệm sử dụng thực tế mang lại cho người dùng là không cao. Một điều nữa khiến KIN trở thành một thất bại đó là hầu hết những người từ 15 đến 30 tuổi thích Android, BlackBerry và iPhone hơn là chiếc điện thoại này.
Nếu nhà sản xuất nhận được những phản hồi và góp ý từ những đối tượng khách hàng mục tiêu trong quá trình tạo ra chiếc điện thoại này thì Microsoft có thể tránh được sự xấu hổ và mất mát về tài chính. Như câu chuyện trên cho thấy, những lời chỉ trích ban đầu là một yếu tố cần thiết cho sự thành công trong tương lai.
Hãy tưởng tượng lời khen ngợi giống như một món ăn ngon. Ai cũng thích ăn đồ ăn ngon, ai cũng muốn được khen ngợi. Nhưng bạn nên biết rằng, cái gì nhiều quá cũng sẽ không tốt. Ăn món ăn đó ở một mức độ vừa phải thôi, bạn sẽ cảm nhận được hết sự tuyệt vời của nó. Tuy nhiên, dù đồ ăn có ngon hay lành mạnh đến đâu, sức khỏe của bạn sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn ăn quá nhiều.
Và đương nhiên lời khen ngợi cũng vậy. Nếu tất cả những gì bạn nghe được chỉ là những lời khen thì chúng có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng của bạn để đạt được mọi thứ trong cuộc sống của mình.
Nếu không có những lời phê bình, bạn sẽ chẳng biết mình sai ở đâu và mình có thể làm được những gì. Ví dụ, hãy nghĩ lại thời điểm bạn bắt đầu học một môn thể thao mới. Nếu huấn luyện viên của bạn chỉ khen ngợi bạn trong suốt thời gian học, có nghĩa là bạn đã bỏ lỡ cơ hội được thể hiện những gì bạn đã làm chưa đúng. Và kết quả là, khả năng học hỏi và rèn luyện các kỹ thuật của bạn sẽ giảm đi.
Ở đây chúng ta đang nói về những “phê bình lành mạnh”, chúng mang lại lợi ích cho bạn, giúp bạn mạnh mẽ hơn.
Nếu bạn luôn nghĩ rằng bạn đúng nhưng không nhận được phản hồi từ bất cứ ai khác, làm thế nào bạn biết chắc chắn rằng những gì bạn đang làm là tốt? Lắng nghe và hành động theo quan điểm trung thực, khách quan sẽ cho bạn biết chính xác những gì bạn đang làm tốt và những gì bạn có thể làm tốt hơn.
Phản hồi lành mạnh mang tính xây dựng này buộc bạn phải đánh giá hành động của bạn và cách bạn làm việc. Nếu bạn lắng nghe những lời phê bình một cách khôn ngoan, nó có thể giúp bạn tránh xa những điều xấu và hướng bạn về những điều tốt.
Bây giờ bạn đã biết về những lợi ích của những lời phê bình lành mạnh, hãy tìm hiểu sâu hơn về một số cách để bạn có thể sử dụng để tăng năng suất công việc và thành công trong cuộc sống:
Hãy tưởng tượng bạn đang học chơi đàn ghita, và trong buổi biểu diễn đầu tiên của mình, thầy giáo khen: “Con đã làm tốt”. Bây giờ, mặc dù những lời này có thể khiến bạn cảm thấy rất vui vẻ, nhưng chúng không hữu ích trong việc giúp bạn cải thiện bản thân bằng câu nói của thầy: “Con cần thời gian để luyện tập thêm”. Với lời khuyên này, bạn sẽ có động lực để ra sức rèn luyện và học hỏi để có thể thể hiện tốt hơn trong lần tiếp theo.
Tiếp tục ví dụ ở trên, bạn có thể hỏi thầy của mình rằng: “Con có thể làm gì tốt hơn?”. Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi rất cụ thể, như: “Phần giai điệu con xử lí đã đúng chưa?” hay “Cách con trình diễn có cần chỉnh sửa gì không?”...
Nếu bạn cứ hỏi “Hôm nay tôi làm tốt chứ?” thì hầu hết mọi người nếu được hỏi sẽ không biết làm thế nào để cung cấp thông tin phản hồi chính xác nhất, họ thường cung cấp các ý kiến mơ hồ đầy cảm xúc. Bằng cách đặt câu hỏi cụ thể, bạn sẽ nhận được những phản hồi có giá trị, sẽ giúp bạn học hỏi và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, đặt câu hỏi để có được phản hồi hữu ích, chứ không phải là bạn đang nghi ngờ về khả năng và kỹ năng của chính mình.
Khi nhận được những lời phê bình, hãy im lặng và lắng nghe. Cố gắng lắng nghe càng nhiều quan điểm càng tốt để có được bức tranh toàn cảnh và khách quan hơn. Hỏi những câu hỏi chi tiết, rõ ràng để biết họ nghĩ gì về mình.
Đừng nghĩ rằng họ sai, hãy ngồi xuống và phân tích. Sau khi làm rõ vấn đề, tìm kiếm các đề xuất, nhưng không phải đang cố gắng thỏa mãn yêu cầu của người khác. Thay vào đó, hãy xem xét lại mục tiêu của bạn để xem những cải tiến có thể phù hợp với ý định ban đầu của bạn như thế nào.
Bạn nhận được phản hồi từ những người khác càng sớm, bạn sẽ càng nhanh biết bạn nên thay đổi những gì trước khi tiếp tục kế hoạch hoặc công việc. Ví dụ: Nếu bạn đang lập kế hoạch thành lập doanh nghiệp của mình, hãy nhờ bạn bè cung cấp phản hồi về ý tưởng của bạn. Làm điều này trước khi bạn bắt đầu sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức.