Tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa công bố kết quả xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương năm 2023 (viết tắt là PII - Provincial Innovation Index).
Dữ liệu bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính. Nguồn thứ nhất từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các Bộ, cơ quan quản lí nhà nước, tổ chức ở trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn thứ hai do các địa phương thu thập và cung cấp - kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số).
Theo kết quả công bố, top 10 địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước lần lượt là Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước với 62,86 điểm; TPHCM xếp thứ 2 với 55,85 điểm; Hải Phòng xếp thứ 3 với 52,32 điểm; Đà Nẵng xếp thứ 4 với 50.70 điểm; Cần Thơ xếp thứ 5 với 49.66 điểm; Bắc Ninh xếp thứ 6 với 49.20 điểm; Bà Rịa - Vũng Tàu xếp thứ 7 với 49.18 điểm; Bình Dương xếp thứ 8 với 48.64 điểm; Quảng Ninh xếp thứ 9 với 48.03 điểm; Thái Nguyên xếp thứ 10 với 47.75 điểm.
Địa phương có số điểm thấp như: Cao Bằng xếp thứ 63 với 22,18 điểm; Lai Châu xếp thứ 62 với 22,78 điểm; Gia Lai xếp thứ 61 với 25,83 điểm, Hà Giang xếp thứ 60 với 26,14 điểm,...
Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng Đồng bằng Sông Hồng, Đông Nam bộ), có ngành công nghiệp-xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KH,CN&ĐMST mạnh mẽ. Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển KT-XH, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng KH,CN&ĐMST vào phát triển KT-XH (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc).
Kết quả PII 2023 cho thấy các địa phương cần tập trung có các giải pháp cải thiện đối với các trụ cột đầu vào hiện có kết quả còn kém như Trình độ phát triển của doanh nghiệp, Trình độ phát triển của thị trường, Vốn con người và NC&PT. Trong hai trụ cột đầu ra, trụ cột Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ cũng cần được quan tâm cải thiện trong những năm tới.
Bộ chỉ số PII cung cấp bức tranh thực tế, tổng thể về hiện trạng mô hình phát triển KT-XH dựa trên KHCN&ĐMST của từng địa phương. Tuy nhiên, việc so sánh trực tiếp giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối và không là mục đích chính của bộ chỉ số bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm khác nhau và có định hướng phát triển khác nhau. Nói cách khác, bộ chỉ số PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển KT-XH dựa trên KH, CN&ĐMST của từng địa phương, qua đó giúp từng địa phương có các giải pháp và các chỉ đạo, điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn, phù hợp với bối cảnh, điều kiện, đặc điểm riêng có của từng địa phương.
Bộ chỉ số PII 2023 đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế về mặt thống kê, phương pháp luận và quy trình tính toán có các bước rõ ràng, theo sát quy trình của GII, dựa trên các thông lệ tốt nhất được Ủy ban Châu Âu, Liên Hợp Quốc và một số tổ chức quốc tế khác áp dụng.
Trên thế giới, ĐMST ngày càng được xem là động lực chính của sự phát triển và thịnh vượng của các quốc gia. ĐMST không được thực hiện bởi một chủ thể đơn lẻ mà là sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau cả theo cơ chế thị trường lẫn phi thị trường giữa đơn vị tiên phong thực hiện ĐMST và các chủ thể khác. Hoạt động ĐMST mang tính hệ thống, phi tuyến và cần phải được xem xét, phân tích theo tiếp cận hệ thống ĐMST.
ĐMST không chỉ xuất phát từ nghiên cứu và phát triển (NC&PT), mà chủ yếu nảy sinh từ quá trình sản xuất - kinh doanh, sử dụng và tương tác. Học hỏi mang tính tương tác của doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của hệ thống ĐMST.
Bộ chỉ số là công cụ quan trọng để xác định các điểm mạnh, điểm yếu của từng địa phương, từ đó cơ quan quản lý ban hành các chính sách hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Có thể bạn quan tâm