Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 nhằm thảo luận về chiến lược ESG (môi trường, xã hội và quản trị) và các cơ hội xanh không thể bỏ lỡ cho doanh nghiệp.
>>Đổi mới sáng tạo - từ khoá cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển
Sự kiện do InnoLab Asia phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ Ngoại giao và Thương mại của Chính phủ Úc (DFAT) và đối tác truyền thông S-World, có chủ đề “Innovation for a Greener Vietnam” - “Đổi mới sáng tạo cho một Việt Nam xanh hơn”.
Bên cạnh có đó có sự đồng hành của Tổng lãnh sự quán các nước như Ấn Độ, Hà Lan, Indonesia, Anh Quốc, VIC 2023 đã mang đến một nền tảng kết nối năng động xuyên quốc gia cho các doanh nghiệp hàng đầu, các công ty khởi nghiệp, và những thành tố quan trọng khác trong cộng đồng sáng tạo toàn cầu kết nối.
Phát biểu tại sự kiện ông Agustaviano Sofjan - Tổng Lãnh sự Indonesia bày tỏ: “Chúng tôi có rất nhiều cơ hội để trao đổi với nhau từ các công ty khởi nghiệp. Tôi thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa và là nền tảng để mọi người kết nối, cùng hướng đến một mối quan hệ tốt đẹp trên hành trình tạo nên thế giới xanh hơn, tốt đẹp hơn cho cả hiện tại và tương lai.”
>>Nghiên cứu đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo khối tư nhân tại TP Hồ Chí Minh
Theo báo cáo của McKinsey & Company năm 2022, đã có 670 công ty trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đặt mục tiêu hoặc cam kết về giảm thiểu phát thải, tạo ra nhiều cơ hội đầu tư mới về công nghệ xanh trong khu vực. Tổ chức này ước tính thị trường có thể tiếp cận được của các cơ hội kinh doanh xanh tại Châu Á có thể lên đến 4-5 nghìn tỉ USD vào năm 2030.
Ông Huỳnh Công Thắng, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: “Đối với tôi đổi mới sáng tạo là phát minh đi kèm với thương mại hoá. Nếu chúng ta có phát minh mà không thể thương mại hoá được thì phát minh đó không sử dụng được thì làm sao chúng ta có sự đổi mới sáng tạo?. Tôi hi vọng rằng thông qua sự kiện này chúng tôi có được những dự án chất lượng và tiếp cận được các nhà đầu tư, các tập đoàn. Từ đó các bạn có thể hợp tác, phát triển dài hạn. Thông qua đó, các Tập đoàn cũng có thể tiếp cận được nhiều giải pháp phù hợp cho những vấn đề mình gặp phải trong nội bộ doanh nghiệp trong và ngoài nước”.
ESG là mục tiêu của đổi mới sáng tạo
Số liệu từ Ngân hàng thế giới cũng cho thấy đến nay đã có ít nhất 39 quốc gia đang thực hiện hoặc đã lên kế hoạch cho các quy định về mức phát thải các-bon trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, trong đó có nhiều nước hiện là đối tác kinh doanh lớn của Việt Nam.
“Đặc biệt là ở Châu Âu, các công ty đang cần tuân thủ những cam kết nhất định về ESG. Do đó, các tiêu chí này là bắt buộc và tôi cho rằng ESG phải là một trong những mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp,” ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Logistics của Lazada Việt Nam, chia sẻ.
Ông Thịnh nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đòi hỏi sự phát triển tương ứng của số lượng các phương tiện vận tải, gây ra áp lực khổng lồ lên giao thông và môi trường. Do đó sau nhiều lần thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, Lazada đã cho ra mắt loại xe điện phù hợp riêng cho giao vận từ năm 2017. Mới đây, công ty cũng đã đưa vào đội xe của mình hàng trăm xe điện do startup Selex Motors sản xuất.
Một ông lớn khác trong ngành sản xuất xe sử dụng năng lượng xanh là VinFast. Một trong những nỗ lực về ESG hiện nay của công ty là tập trung vào nghiên cứu các công nghệ và cơ chế để cải thiện tính tái sử dụng của pin xe.
Theo báo cáo do PwC công bố ngày 29/8 mới đây, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93% và mức trung bình của doanh nghiệp Việt là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch triển khai ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.
>>Techfest Long An 2023: Thúc đẩy Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để kiến tạo tương lai
Thảo luận về những thách thức trong việc áp dụng tiêu chí ESG trong đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, bà Nguyễn Minh Giang - Trưởng bộ phận Bền vững của thương hiệu giày dép “quốc dân” Biti's cho rằng đa số các công ty chưa có đủ năng lực để thực hiện đo đạc và báo cáo các tác động kinh doanh theo các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị. Bên cạnh đó, cần có sự hợp tác, cộng hưởng mạnh mẽ hơn nữa giữa các doanh nghiệp để đạt các mục tiêu bền vững của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông Pekka Laitinen, Giám đốc khu vực Đông Nam Á và Châu Đại Dương của tổ chức Business Finland nhấn mạnh: “Chưa bao giờ từ khóa ‘hệ sinh thái’ [ecosystem] trở nên quan trọng như hiện nay trong câu chuyện phát triển bền vững và chuyển đổi xanh. Tôi cho rằng các công ty trên thế giới cần phải kết nối mạnh hơn với nhau. Chúng ta cần các hệ sinh thái xuyên biên giới để thúc đẩy các trao đổi và thảo luận về vấn đề này”
Chia sẻ về kinh nghiệm tại Biti’s, bà Giang cho biết công ty đặt yếu tố con người là trọng tâm trong mô hình 3P của phát triển bền vững (people-con người, profit-lợi nhuận, planet-hành tinh). Theo đó, công ty đưa ra quy tắc 3H (head-đầu, heart-trái tim, hand-bàn tay), nghĩa là đảm bảo mỗi thành viên trong tổ chức hiểu đúng về tác động của doanh nghiệp tới môi trường và nền kinh tế; thiết lập một môi trường làm việc hạnh phúc để khuyến khích mọi người yêu thương, kết nối và bảo vệ môi trường; và cuối cùng là đưa các tiêu chí ESG vào mọi chiến lược của doanh nghiệp để mọi người chung tay thực hiện.
Còn nhiều thách thức để chuyển đổi xe điện
Trong phiên thảo luận riêng về xe điện, các diễn giả thống nhất rằng hoạt động giao thông vận tải tạo ra lượng lớn khí thải nhà kính và do đó ứng dụng xe điện vào đời sống, đặc biệt trong ngành giao vận, là một bước tiến cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự phối hợp của cả chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân.
Bà Trần Hương Giang, Trưởng phòng thử nghiệm Accelerator Lab tại Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), cho biết xe máy chiếm 92% tổng các phương tiện giao thông đường bộ được sử dụng ở Việt Nam. Với số lượng khoảng 60 triệu xe máy lăn bánh trên đường, loại phương tiện này đang phát thải lên đến 42 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Bên cạnh việc liên tục cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng xe điện thay thế cho xe xăng trên thị trường, đại diện nhà sản xuất nội địa VinFast và Datbike cho biết hiện tại vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng về pin xe điện, việc tái chế pin, hay là các quy định về cơ sở hạ tầng trạm sạc, cũng như hành lang pháp lý để kết nối mạng lưới sạc với hệ thống năng lượng tái tạo không nối lưới (offgrid).
“Tôi nhận thấy chính quyền địa phương đang sẵn sàng đi nhanh hơn trung ương, do đó chúng tôi đang cố gắng triển khai các chương trình thí điểm xe điện với các địa phương”, ông Trung Phạm, giám đốc tài chính và vận hành của Datbike, chia sẻ. “Chúng ta cũng cần có thêm những ưu đãi tài chính rõ ràng từ ngân hàng hay trợ cấp nhà nước để thúc đẩy người dùng mua xe điện”.
Bên cạnh đó, cả Vinfast và Datbike đều nhìn thấy cơ hội của một thị trường tái chế pin sau khi những chiếc xe điện đi qua hết vòng đời của nó.
“Người dùng vẫn còn ngờ vực về việc sau khi mua xe điện thì có thể bán nó lại như thế nào, bán cho ai, trên nền tảng nào. Thị trường này vẫn còn ở giai đoạn sơ khởi”, ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của Vingroup và Vinfast, nhấn mạnh. “Theo quan điểm của tôi, việc thiết lập một thị trường bán lại và định giá xe điện là một trong những yếu tố quan trọng tác động việc mua xe điện của người dùng.”
Trong lĩnh vực giao vận, theo một thử nghiệm của UNDP tại Thừa Thiên Huế, bà Giang cho biết dù xe điện mang lại kết quả cao hơn về kinh tế và môi trường, người giao hàng vẫn lo ngại về chi phí đầu tư mua xe và các vấn đề liên quan đến hiệu suất của pin, tốc độ và sức mạnh của xe.
>>Ứng dụng Blockchain chìa khóa vạn năng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Chia sẻ về khó khăn này đối với các doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Anh, nhà sáng lập và CEO của Ecotruck - công ty công nghệ chuyên cung cấp các giải pháp kết nối và dịch vụ cho xe tải chở hàng, cho biết câu chuyện “lợi nhuận” vẫn là một bài toán khó khi doanh nghiệp cân nhắc các yếu tố như chi phí đầu tư xe điện ban đầu, thời gian chờ sạc bị lãng phí, hay bài toán về hiệu suất và trọng lượng pin trên xe ảnh hưởng tới khối lượng hàng hóa có thể được giao.
“Tuy nhiên tôi tin rằng có rất nhiều các chi phí ẩn có thể được giải quyết với xe tải điện. Đặc biệt là về mặt công nghệ, chúng ta có thể kết nối các xe tải điện với nhau trên một hệ thống và tối ưu chi phí vận hành, bên cạnh việc giảm thiểu được chi phí khấu hao tài sản và chi phí bảo trì”, ông Hoàng Anh nhấn mạnh. “Tôi tin rằng về dài hạn, sử dụng xe tải điện vẫn có thể có lãi hơn hoặc ít nhất là tương đương xe tải thông thường”.
Có thể bạn quan tâm