Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, gồm sự quan tâm của lãnh đạo, sự sáng tạo của đội ngũ, sự đầu tư, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người...
Hiện đổi mới sáng tạo là mối quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp và đang là xu hướng chủ đạo của các CEO cũng như quản lý cấp cao trong doanh nghiệp. Và các CEO cần phải đổi mới tư duy để thực hành đổi mới sáng tạo nhằm phát triển doanh nghiệp.
Đúng vậy, vì thực chất của đổi mới sáng tạo là cái gốc tạo ra lợi thế cạnh tranh. Nhờ khả năng đổi mới sáng tạo mà các doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường, đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp Việt Nam bước vào sân chơi toàn cầu.
Đối với các doanh nghiệp thì khách hàng luôn là đối tượng của họ. Các khách hàng luôn luôn có xu hướng tìm chọn mua những sản phẩm mới và doanh nghiệp phải không ngừng đổi mới sáng tạo để thỏa mãn nhu cầu đó của khách hàng. Và chỉ có "đổi mới sáng tạo" doanh nghiệp mới thực hiện được việc đó để tạo ra giá trị của doanh nghiệp. Hoạt động "đổi mới sáng tạo" không chỉ giới hạn ở sản phẩm mới, dịch vụ mới mà còn ở phương thức kinh doanh mới, mô hình quản trị mới.
Nói về sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, hiện cả nước có 560.417 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó các doanh nghiệp ngoài Nhà nước chiếm 96,7%.
Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là 33 triệu tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 954,1 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp thu hút 14,51 triệu lao động với thu nhập bình quân tháng đạt 8,3 triệu đồng. Và cũng khá tự hào khi thấy rằng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng trong năm 2018, đã cải thiện tăng 2 bậc so với năm 2017, tăng 14 bậc so với năm 2016.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta bị đánh giá là còn yếu ở các chỉ số thuộc nhóm đầu vào của đổi mới sáng tạo, như môi trường kinh doanh, xếp hạng các trường đại học, việc làm thâm dụng tri thức, tỷ lệ lao động nữ có trình độ, số lượng đăng ký sáng chế quốc tế theo hệ thống Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), xuất/nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Do đó, chúng ta cần thay đổi tư duy về đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Các doanh nghiệp cần phải tăng cường đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), liên kết với các trung tâm nghiên cứu như các trường đại học, các viện nghiên cứu có ý nghĩa quyết định trong đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, việc cần làm ngay là tập trung để tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này. Cần đào tạo và nâng cấp kỹ năng làm việc số hóa tương thích với các thay đổi trong doanh nghiệp cho toàn bộ nhân viên và các cấp quản lý của doanh nghiệp".
Nhiều doanh nghiệp Việt hiện nay còn chưa chú trọng đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo. Theo kết quả điều tra nghiên cứu mới đây, chỉ có 174/583 doanh nghiệp đã từng tổ chức đào tạo về đổi mới sáng tạo. Trong số đó 80% (141/174) chi ít hơn 500 triệu đồng cho đào tạo và 81/174 chi ít hơn 100 triệu đồng cho đào tạo đổi mới sáng tạo trong năm 2011.
Nhưng đến nay, Đảng và Nhà nước luôn đưa ra các chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, như Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... nhằm mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam đạt điểm số trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh (theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới); các chỉ số đổi mới sáng tạo (theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO) đạt trung bình của nhóm ASEAN...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ tập trung hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo sự chuyển động thật sự trong thị trường lao động một cách đồng bộ, lành mạnh; Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; Đẩy mạnh việc hợp tác ba bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa các hình thức hợp tác. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; từng bước cải thiện, nâng cao mức sống người có công, người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội...
"Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay có thể nói 'Đổi mới sáng tạo' là yếu tố sống còn cho chính doanh nghiệp. Có nhiều yếu tố quyết định năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, đó là sự quan tâm của lãnh đạo, năng lực sáng tạo của đội ngũ, khả năng nắm bắt và xử lý thông tin, và sự đầu tư cho đổi mới sáng tạo, nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.