Đối phó với chủ nghĩa bảo hộ

Cẩm Anh 20/05/2018 11:30

Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde vừa đưa ra cảnh báo rằng, sự gia tăng đột biến của chủ nghĩa bảo hộ thương mại sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Thương mại toàn cầu năm 2018 đang tiềm ẩn những biến động khó lường khi quan hệ ngoại giao, kinh tế giữa các nền kinh tế lớn đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn.

p/Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ ngăn cản dòng chảy thương mại toàn cầu. Ảnh: S.T

Bà Christine Lagarde, Giám đốc điều hành IMF, cho rằng, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ sẽ ngăn cản dòng chảy thương mại toàn cầu. Ảnh: S.T

Ngăn cản dòng chảy thương mại

Bà Christine Lagarde cho biết, gần đây thương mại toàn cầu đã có sự phục hồi, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ có thể sẽ ngăn cản dòng chảy thương mại, khiến kinh tế toàn cầu mất đà tăng trưởng.

Đánh giá của bà Christine Lagarde được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump đã đe dọa áp thuế bổ sung tới 150 tỷ USD lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Đáp trả lại, Trung Quốc cũng cam kết sẽ trả đũa bằng cách áp thuế lên các mặt hàng từ đậu nành cho tới máy bay của Mỹ.

Theo bà Christine Lagarde, những thách thức nói trên chỉ có thể được giải quyết bằng thương mại đa phương– nơi các nguyên tắc được tôn trọng và các xung đột có thể được giải quyết một cách hiệu quả.

Chính sách ngoại thương của Việt Nam

TS. Trần Bách Hiếu, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội cho rằng, Tổng thống Trump luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. “Nếu Việt Nam không cải thiện rõ rệt cán cân thương mại với Mỹ, thì rất có thể các chính sách cứng rắn của Mỹ sẽ nhắm thẳng vào kinh tế Việt Nam", ông Hiếu cảnh báo và khuyến nghị Việt Nam nên đàm phán ký kết một FTA với Mỹ để bảo toàn kim ngạch thương mại hai nước.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết, Việt Nam đang ngày càng đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, trong đó phần lớn là vụ kiện bán phá giá, chống trợ cấp. Do đó, đã đến lúc doanh nghiệp cần tuân thủ một cuộc chơi toàn cầu với những điều khoản khắt khe hơn. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần đa dạng thị trường, tránh phụ thuộc vào các thị trường truyền thống.

Theo ông Nguyễn Minh Phong, Mỹ vẫn để cửa ngỏ cho Việt Nam trong câu chuyện thâm hụt thương mại và thuế nhôm, thép. Do đó, Chính phủ cần có những giải pháp cứng rắn trong việc sử dụng nguyên liệu Trung Quốc vào các sản phẩm xuất khẩu của nước ta; đồng thời các doanh nghiệp chủ động đáp ứng quy chuẩn không chỉ của Mỹ, mà của cả các thị trường cao cấp khác trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đối phó với chủ nghĩa bảo hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO