Kinh tế thế giới

Chiêu xuất khẩu "độc nhất vô nhị" của doanh nghiệp Trung Quốc

Trương Khắc Trà 11/08/2024 04:00

Mặc dù Mỹ tung ra nhiều biện pháp, nhưng các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn âm thầm xuất khẩu nhỏ giọt sang Mỹ với tổng giá trị lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.

marketing-strategy.jpg
Với các đơn hàng dưới 800 USD, Shein và Temu tạo ra doanh số 67 tỷ USD dưới mức đánh thuế tại Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc đang gặp phải vấn đề bất ổn vĩ mô, nhu cầu trong nước suy giảm mạnh trong khi công suất sản xuất hàng hóa vẫn giữ nguyên. Điều này khiến một lượng hàng hóa khổng lồ phải tìm đường xuất khẩu ra bên ngoài.

Sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc vẫn duy trì mức sản xuất 1/3 trên tổng lượng hàng hóa toàn cầu, nhiều hơn cả Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại. Một số mặt hàng mới như pin xe điện, tấm năng lượng mặt trời thậm chí đã vượt quá gấp đôi nhu cầu thực tế toàn thế giới.

Nhu cầu trong nước suy giảm khiến các đại công ty sản xuất tại Trung Quốc gấp rút thanh lý khối lượng khổng lồ hàng hóa tồn kho - với giá cực thấp. Điểm đến cận biên lý tưởng nhất là thị trường Đông Nam Á.

Shopee, Lazada, Tiktok shop là những kênh phân phối điện tử giúp kết nối trực tiếp tại nơi sản xuất và khách hàng tiêu thụ, nhờ đó hàng Trung Quốc có giá rẻ hơn nhiều so với hàng bản địa.

Hàng giá rẻ Trung Quốc cũng "vươn vòi" sang tới “lục địa già”. Năm ngoái, EU nhận được 2,3 tỷ kiện hàng, cao điểm như trong tháng 4/2024 mỗi gia đình trong khu vực này nhận được bình quân 2 gói hàng từ nước ngoài.

Tại Mỹ, công dân nước này được miễn thuế nếu mua hàng trực tuyến từ nước ngoài mỗi đơn dưới 800 USD. Shein và Temu - các nền tảng bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, bị chỉ trích “lợi dụng quy tắc tối thiểu” để gia tăng xuất khẩu vào Mỹ.

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy tổng trị giá của các món hàng nhập khẩu vào Mỹ nằm dưới ngưỡng chịu thuế đã tăng từ 40 triệu USD vào năm 2012 lên hơn 67 tỷ USD vào năm 2020.

Từ đầu năm nay, Malaysia đã áp dụng thuế 10% đối với hàng hóa nước ngoài phân phối qua kênh trực tuyến với giá dưới 108 USD/sản phẩm. Mới đây, Thái Lan cũng đã tìm cách mở rộng mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với các mặt hàng quốc tế có giá trị dưới 42 USD/sản phẩm.

Tại châu Âu, khu vực này cũng dự kiến đánh thuế đối với các đơn hàng Trung Quốc có giá trị thấp dưới 150 USD từ các nhà bán lẻ trực tuyến như Temu, Shein và AliExpress.

Những nơi xa xôi như Nam Phi cũng bắt đầu thu thuế nhập khẩu 45% với các đơn hàng trực tuyến dưới 27 USD mua từ Shein và Temu. Ngoài ra, các món hàng này sẽ bị đánh thuế VAT ở mức 15%.

1649_kho-tham-quyen-trung-quoc-1.jpg
Hàng loạt tổng kho hàng hóa xây dựng tại phía Nam Trung Quốc.

Rõ ràng, việc tạo ra hàng hóa giá rẻ - về lý thuyết dựa vào sự tiến bộ vượt bậc của nền công nghiệp, quy cách quản lý sản xuất tiên tiến và hệ sinh thái logistics rộng lớn.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia lo sợ trước làn sóng hàng giá rẻ Trung Quốc, đánh gục hoàn toàn các nhà sản xuất bản địa. Các nước tiên tiến còn có thêm quy chuẩn sử dụng lao động, bảo vệ môi trường, giảm phát thải,…

Thuế quan giao dịch truyền thống không đủ sức ngăn chặn. Ví dụ như câu chuyện “tích tiểu thành đại” mà doanh nghiệp Trung Quốc đã tạo ra khối lượng thương mại khổng lồ 67 tỷ USD vào thị trường Mỹ.

Trào lưu bãi bỏ quy tắc tối thiểu trong nhập khẩu hàng hóa cho thấy môi trường kinh doanh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Chủ nghĩa bảo hộ, hàng rào thuế quan được dựng lên để bảo vệ nền kinh tế.

Sức sáng tạo của các nhà sản xuất, phân phối Trung Quốc vẫn là chủ đề luôn luôn thời sự. Nếu kênh bán hàng theo chiến lược “nhỏ giọt” bị bít lại - họ sẽ trình diễn cho thế giới xem thêm bất ngờ gì?

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chiêu xuất khẩu "độc nhất vô nhị" của doanh nghiệp Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO