Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Tô Lâm tới Lào được kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đột phá trong hợp tác đầu tư và thương mại giữa 2 nước.
>>Thắt chặt quan hệ hợp tác doanh nghiệp Việt - Lào trong thời kỳ mới
Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào và Campuchia từ ngày 11 đến ngày 13/7/2024 theo lời mời của đồng chí Thoonglun Sisulith, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào và Quốc Vương Campuchia Norodom Sihamoni. Đây cũng là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch nước Tô Lâm kể từ khi nhậm chức.
Quan hệ Việt Nam - Lào đang phát triển hết sức tốt đẹp, toàn diện trên nền tảng ngày càng tin cậy và gắn bó. Hợp tác kênh Đảng giữ vai trò nòng cốt, đã và đang định hướng, dẫn dắt quan hệ 2 nước phát triển mạnh mẽ. Sau khi hai nước ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977, quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố, đổi mới và ngày càng phát triển sâu rộng.
Việt Nam tiếp tục là một trong những nhà đầu tư, đối tác thương mại lớn nhất của Lào và hiện có 255 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Lào với tổng số vốn 5,5 tỷ USD, duy trì vị trí thứ ba trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại quốc gia này.
Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân hai nước, hai bên ký Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam-Lào, Hiệp định Thương mại Việt Nam-Lào; triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam-Lào. Nhờ những nỗ lực từ cả hai bên, kim ngạch thương mại song phương 5 tháng đầu năm 2024 đạt 779,6 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023.
Đặc biệt, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các địa phương có chung đường biên giới, tiếp tục được tăng cường, ngày càng đi vào chiều sâu, toàn diện, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu vực biên giới hai nước. Những thành quả của Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam-Lào 2022, cũng như nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị những năm qua góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước.
Nhiều dự án của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội Lào trên nhiều lĩnh vực; đồng thời tạo việc làm cho hàng vạn lao động, cải thiện đời sống, bổ sung nguồn thu cho ngân sách Nhà nước Lào (trung bình khoảng 200 triệu USD mỗi năm).
>> Việt Nam - Lào thúc đẩy dự án đường cao tốc Vientiane - Hà Nội
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam tại Lào đã thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tài trợ cho cộng đồng, xây dựng trường học, bệnh xá, đường, nhà tái định cư... cho người dân vùng dự án, bà con nghèo vùng sâu, vùng xa (với tổng trị giá khoảng 150 triệu USD), góp phần củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác toàn diện giữa hai nước.
Đáng chú ý, việc hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước luôn được chú trọng đẩy mạnh trong thời gian qua. Tại buổi làm việc với Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đánh giá cao vai trò của VCCI trong việc thúc đẩy, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác doanh nghiệp, cũng như hai nước anh em Việt Nam - Lào.
Bộ trưởng Malaithong Kommasith cho biết, thông qua việc trao đổi chuyên sâu với VCCI, Phòng Thương mại và Công nghiệp quốc gia Lào (LNCCI) cũng như Bộ Công thương Lào có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý giá trong việc xây dựng tổ chức, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động của LNCCI và hỗ trợ doanh nghiệp Lào.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng khẳng định, VCCI luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hợp tác với LNCCI để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước phát triển và hợp tác hiệu quả, cũng như ủng hộ và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Lào tăng cường mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào đều cho rằng, tiềm năng hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp hai nước còn rất lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khai khoáng, dược liệu, xây dựng, du lịch, ứng dụng công nghệ trong đầu tư phát triển dự án nông nghiệp, hợp tác điện gió...
Tại kỳ họp lần thứ 46 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào, Chính phủ hai nước đã thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức tốt các cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Lào; tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, khó khăn, vướng mắc tại các dự án hợp tác, đầu tư.
Chính phủ Lào tạo điều kiện ưu đãi, thuận lợi cho các dự án lớn, trọng điểm của doanh nghiệp Việt Nam; thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ kim ngạch thương mại, phấn đấu tiếp tục tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 từ 10 - 15% so với năm 2023; tập trung giải quyết khó khăn, thúc đẩy triển khai kết nối hạ tầng giao thông; coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những trụ cột của hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Năm 2024, Lào với cương vị là Chủ tịch luân phiên của ASEAN đã đưa ra chủ đề: “Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”. Trên tinh thần đó, với tư duy hợp tác mới và những biện pháp quyết liệt, mang tính đột phá của cả hai bên sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư lớn giữa 2 nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của hai nước trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm