Báo cáo của VDSC cho biết hoạt động cho vay tiêu dùng đóng góp 50% vào doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2019 của VPBank. Vậy trong năm 2020, động lực tăng trưởng của VPBank đến từ mảng nào?
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mảng cho cho vay tiêu dùng của VPBank đã chiếm 22- 23% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng này, nhưng đóng góp bình quân khoảng 51% vào lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong 3 năm qua. Có thể nói, việc sở hữu công ty tài chính tiêu dùng FeCredit có thị phần lớn nhất Việt Nam là yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ thu nhập lãi cận biện (NIM) của VPBank ở mức cao so với trung bình ngành từ 8- 9%.
Các khoản cho vay tiêu dùng đã tạo lợi thế cạnh tranh cốt lõi cho VPBank khi thị trường này tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển, dự đoán sẽ cán mốc 1 triệu tỷ đồng vào năm 2020. "Miếng bánh béo bở" này đang được 16 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng cạnh tranh chia lại thị phần. Với việc ngày càng có nhiều đối thủ mới tham gia, từ các ngân hàng lớn trong nước đến các "ông lớn" nước ngoài, cuộc đua trên thị trường này được dự báo sẽ ngày càng khốc liệt. Để duy trì và tiếp tục giành miếng bánh này khá thách thức đối với VPBank.
Ngoài ra, tại Thông tư số 18/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã giảm dần tỷ lệ tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (Từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021, tỷ lệ này là 70%; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022 là 60%; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2023 là 50%; Từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 là 30%).
TS. Nguyễn Trí Hiếu- Chuyên gia tài chính NHNN cho biết, quy định nói trên sẽ tạo ra một số thách thức đối với VPBank trong dài hạn khi Fe Credit đang có tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt ở mức khá cao. Theo tính toán, tỷ lệ cho vay tiền mặt của FE Credit khoảng 70%. Hai công ty giữ thị phần đứng sau sát nút là HD Saison và Home Credit.
Như vậy trong ngắn hạn, hoạt động của FECredit chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN. Do đó, VDSC kỳ vọng FE Credit sẽ duy trì tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở mức 14 - 15% mỗi năm và đóng góp vào trên 50% lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng trong 4 năm tới.
Có thể bạn quan tâm
09:51, 26/12/2019
11:34, 25/12/2019
14:35, 29/11/2019
16:57, 21/10/2019
Theo đó, VDSC dự báo tổng tín dụng hợp nhất và tiền gửi của VBank trong năm 2020 sẽ tăng lần lượt 15,4% và 15,7% nhờ cơ sở vốn mạnh (đòn bẩy thấp và CAR cao). NIM hợp nhất dự kiến ở mức 9,28%. Thu nhập lãi sẽ tăng hơn 14,6%. Đà tăng trưởng thu nhập hoa hồng bảo hiểm và phí thẻ sẽ chậm lại từ năm 2019 nhưng vẫn là động lực thúc đẩy thu nhập dịch vụ trong năm 2020. Tỷ lệ thu nhập dịch vụ của ngân hàng dự báo tăng lên 8,5%. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của VBank dự kiến sẽ tăng hơn 31% trong năm 2020.
Cũng theo VDSC, thu nhập dịch vụ dự kiến của VPBank sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép bình quân 28% mỗi năm. Đầu tư vào công nghệ sẽ giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí vận hành và kiểm soát rủi ro.
Trên thực tế, VPBank đã khởi động các dự án số hóa khá sớm so với các ngân hàng khác. Đây là một hành trình dài với nhu cầu vốn lớn, nhưng năm 2019 VPBank đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc tiết kiệm chi phí và thu hút khách hàng.
Hiện VPBank nằm trong số các ngân hàng đã được công nhận đáp ứng chuẩn Basel II sớm hơn so với yêu cầu của NHNN. Hệ số đòn bẩy thấp và hệ số CAR cao sẽ cho phép VPBank tăng trưởng với tốc độ cao hơn so với các ngân hàng khác. Ngoài ra, ROAE của VPBank được dự báo vẫn sẽ đạt hơn 20% trong bốn năm tới.
Từ những phân tích trên cho thấy, động lực tăng trưởng của VPBank vẫn còn rất lớn. Hiện giá cổ phiếu VPB đang được giao dịch ở mức 19.950 đồng/cp (đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/1/2020), đây được coi là vùng giá hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.