Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang nhanh chóng trở thành một trong những thị trường nóng nhất thế giới hấp dẫn các quỹ đầu tư ngoại.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài gián tiếp (FII) đổ vào Việt Nam tăng 82,4% đạt mức 4,1 tỷ USD, trong đó có một phần không nhỏ từ các quỹ đầu tư ngoại.
Làn sóng đầu tư ở châu Á
Quỹ Warburg Pincus đã đi đầu làn sóng đầu tư vào Việt Nam khi cam kết đầu tư 1 tỷ USD vào các Cty Việt Nam. Trong đó đáng chú ý quỹ này đã mua 370 triệu USD cổ phần của Techcombank. Trước đó, quỹ này cũng đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail, sau đó nâng mức đầu tư lên 300 triệu USD. Ngoài ra, các quỹ đầu tư ngoại cũng đang nhắm đến những doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn của Nhà nước trong thời gian sắp tới.
Theo báo cáo từ Cty nghiên cứu Preqin, sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các quỹ đầu tư ngoại là một phần của xu hướng đang diễn ra ở châu Á– nơi tổng đầu tư của quỹ tư nhân tăng 38% lên 158 tỷ USD trong năm 2017, vượt cả châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử.
Đáng chú ý nhất, Carlyle Group đã thành lập quỹ châu Á lớn nhất từ trước đến nay với 6,65 tỷ USD và Blackstone cũng đã lập quỹ tư nhân châu Á đầu tiên với giá trị gần 2,3 tỷ USD.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 03/07/2018
01:38, 13/06/2018
02:29, 02/06/2018
“Bí quyết” giữ quỹ ngoại
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết, do VND chưa được tự do chuyển đổi, nên tỷ giá vẫn là vấn đề quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào thị trường lúc này vừa có lợi vừa bất lợi, bất lợi khi thấy biến động trên thị trường thế giới sẽ rút vốn để phòng ngừa lỗ chênh lệch tỷ giá. Do đó, việc ổn định tỷ giá là một trong những yếu tố quan trọng “giữ chân” quỹ ngoại.
Ngoài việc gỡ vướng về room và nâng hạng TTCK, thì cần có quy định tài khoản vốn đầu tư gián tiếp linh hoạt hơn, cho phép các quỹ đầu tư không có tư cách pháp nhân được mở tài khoản vốn gián tiếp, tài khoản thanh toán…, đồng thời cho phép khối ngoại thực hiện hợp đồng ngoại tệ có kỳ hạn để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
“Để quỹ đầu tư ngoại tham gia TTCK bền vững thì Việt Nam phải kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đảm bảo TTCK hoạt động minh bạch để giảm thiểu sở hữu chéo cũng như các hành vi thao túng”, chuyên gia chiến lược của MBS Nguyễn Việt Đức nhấn mạnh.