Khoảng 72% tiền gửi về qua các ngân hàng thương mại và khoảng 70% lượng kiều hối về Việt Nam chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (UBVNVNONN) cho biết, trong 12 năm trở lại đây, số lượng kiều hối gửi về nước tăng từ 10% -15%/năm; năm 2017 là 13,8 tỷ USD (theo số liệu từ Ngân hàng thế giới), con số này trong năm nay – 2018 là 18,9 tỷ USD, chiếm 6,6% GDP cả nước. Nhiều khả năng, Việt Nam dự báo tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài ông Lương Thanh Nghị cho biết, phần lớn lượng kiều hối Việt Nam là "chảy" vào sản xuất, không những thế, lượng kiều hối theo chân Việt kiều về nước khởi nghiệp cũng ngày càng tăng và phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Thống kê của NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, trong vòng 10 tháng đầu năm 2018, lượng kiều hối chuyển qua các TCTD trên địa bàn thành phố ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Trong các tháng cuối năm lượng kiều hối có xu hướng tăng mạnh, nên dự báo sẽ đạt con số khoảng 5,2 tỷ USD cho cả năm 2018.
Đại diện NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, kiều hối chuyển về nước thời gian qua chủ yếu qua 4 kênh là ngân hàng thương mại, tổ chức kinh tế, hải quan hoặc bưu điện. Trong đó, khoảng 72% tiền gửi về qua các ngân hàng thương mại và khoảng 70% lượng kiều hối về Việt Nam chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, 22% đổ vào lĩnh vực buôn bán bất động sản và số còn lại là hỗ trợ người thân, còn lại là vào các lĩnh vực khác.
Chia sẻ vấn đề này, một chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, sở dĩ dòng kiều hối đã chuyển hướng đổ vào sản xuất, kinh doanh nhiều hơn trong năm nay vì nhà đầu tư đang e dè và lo ngại về thị trường bất động sản do còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù thị trường đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong vài năm qua.
Đây là sự chuyển hướng tích cực của dòng tiền kiều hối, bởi trước đây, tỷ lệ kiều hối vào sản xuất mới chỉ chiếm khoảng 30%. Một trong những lý do được Kiều bào cho biết là họ gặp phải nhiều khó khăn khi đầu tư trong nước, nhất là thủ tục hành chính.
Theo đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM, trong số 3.000 dự án đầu tư của Việt kiều (tính đến cuối năm 2017) thì chỉ có khoảng 2/3 dự án đi vào hoạt động hiệu quả. Số còn lại gặp vướng mắc trong thủ tục đăng ký, phải chờ đợi, xét duyệt nên các nhà đầu tư tỏ ra khá lo ngại và cân nhắc trong việc rót vốn.
Để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư khởi nghiệp tại thị trường trong nước của Việt kiều trẻ, nhà nước cần tạo ra những đột phá về chính sách đối với Việt kiều và kiều hối trong thời gian tới. Ngoài việc đơn giản hóa các thủ tục chứng nhận đầu tư, thời gian tới các ngành chức năng cũng cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về khuyến khích kiều hối để hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối, như: Quỹ kiều hối bất động sản; quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa… để hỗ trợ khởi nghiệp.
Đánh giá của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cho thấy, kiều hối của Việt Nam chiếm 6-8% GDP hàng năm trong các năm 2006-2017, cao hơn các nước phát triển khác (bình quân chiếm 1-2% GDP). “Kiều hối đã góp phần hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, làm tăng dự trữ ngoại hối và cân đối cán cân vãng lai của đất nước” - đại diện UNDP cho biết.
Trong tổng lượng kiều hối vào Việt Nam, Mỹ là nguồn lớn nhất với 60%; tiếp theo là Australia, Canada, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Những nhóm đối tượng chính gửi kiều hối về Việt Nam là Việt kiều hải ngoại và lao động xuất khẩu.
Đó là do người Việt kiều chủ yếu định cư ở Mỹ, Canada, Đức và Pháp chiếm phần lớn tới 80-90% lượng kiều hối gửi về nước. Xuất khẩu lao động chiếm một tỷ lệ nhỏ (6-7%) tổng lượng kiều hối, nhưng đang gia tăng theo đà gia tăng nhanh của xuất khẩu lao động sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Fed sau 4 lần điều chỉnh từ đầu năm 2018 đến nay và dự báo tiếp tục nâng lãi suất thêm 2-3 lần nữa trong năm 2019. Nhiều ý kiến cho rằng, áp lực tăng lãi suất của Fed và USD tiếp tục lên giá sẽ tác động nhất định lên nguồn kiều hối. Lý do là, lãi suất huy động USD tại Việt Nam hiện là 0%, trong khi lãi suất cơ bản USD đã lên 2,25 - 2,5%. Thêm vào đó, các dự báo ngay từ đầu năm 2018 cho rằng, áp lực với kiều hối năm nay khá lớn do chính sách nhập cư của Tổng thống Donald Trump tiếp tục được thắt chặt.
Tuy vậy, TS. Bùi Quang Tín cho biết, thông thường, mỗi lần tăng lãi suất USD, Fed tăng 0,25 - 0,5%, nên không quá áp lực. Vả lại, nếu đổi kiều hối từ USD ra VND, gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 6 - 13 tháng với mức lãi suất khoảng 7- 8%/năm, cộng thêm cả biến động tỷ giá thì các biến số đó tích hợp lại có thể thấy ngay riêng USD chảy về gửi tiết kiệm VND không thôi đã có lãi lớn.
Thực tế, trong thời gian gần đây, nhằm đón đầu lượng kiều hối "chảy" về Việt Nam ngày càng tăng trong dịp trước Tết nguyên đán, các ngân hàng thương mại đã triển khai những chương trình khuyến mãi, tặng quà cho khách nhận tiền gửi từ nước ngoài, như DongA Bank, Vietcombank, Sacombank, Agribank, BIDV…