Động lực phát triển của giới doanh nhân đến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước

GIA NGUYỄN 11/10/2023 15:33

Đây là chia sẻ của ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại buổi lễ Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam nhân ngày 13/10.

>> Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

Theo đó, phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, cách đây 19 năm, vào ngày 20/9/2004 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 990/QĐ-TTg, lấy ngày 13/10 hằng năm là “Ngày Doanh nhân Việt Nam”. Đây cũng là ngày mà vào năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới Công Thương Việt Nam, nhấn mạnh đến vai trò của giới doanh nhân và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của doanh nghiệp với sự phát triển của đất nước.

Bác viết: “Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng”.

Chủ tịch Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam nhân ngày 13/10 -

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ Thường trực Chính phủ gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Kể từ năm 2004, ngày 13/10 đã trở thành Ngày Tết Doanh nhân, là ngày các doanh nhân tập hợp lại và cùng suy ngẫm mình đã làm được gì và cần tiếp tục làm gì để giúp cho nền kinh tế quốc dân thịnh vượng, để thúc đẩy Việt Nam sớm sánh vai các cường quốc năm châu”, Chủ tịch Phạm Tấn Công bày tỏ.

Theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, nhớ lại 37 năm trước đây, kinh tế đất nước ta nằm trong sự bủa vây của khó khăn, cuộc sống nhọc nhằn, 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo. Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã như làn gió mùa Xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế. Đặc biệt, việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước, trong toàn quốc chúng ta chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân. Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân chính thức đã có tới gần 900 nghìn doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các Hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Quy mô GDP Việt Nam đã nằm trong TOP40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

“Với việc xác định doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp chính thức như hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2 tới 3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới”, Chủ tịch Phạm Tấn Công chia sẻ.

>>Chủ tịch VCCI gửi thông điệp hiệu triệu cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trần Lưu Quang tới dự buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với đại diện doanh nhân Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cũng theo Chủ tịch Phạm Tấn Công, cùng với việc tăng nhanh về quy mô số lượng, năng lực quản trị, trình độ kiến thức, kỹ năng kinh doanh và chuyên môn của doanh nhân Việt Nam ngày càng nâng cao, năng lực và khả năng hội nhập quốc tế cũng có bước tiến rõ nét. Đã xuất hiện những doanh nhân, doanh nghiệp lớn với thương hiệu vươn tầm khu vực và thế giới, đang thể hiện vai trò quan trọng trong phát triển các ngành, địa phương, dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong ngành phát triển.

Tiêu biểu có: Tập đoàn THACO, Vingroup, Viettel, FPT, VNPT, Vietcombank, BIDV, BRG, Tập đoàn TH, Geleximco, Tập đoàn Phú Thái, PNJ, Doji, Vinamilk, Lộc Trời, Thái Bình Shoes (TBS), Tổng công ty Kinh Bắc,... Các sản phẩm phong phú, chất lượng cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước.

Các công trình hạ tầng quy mô, các khu đô thị văn minh, hiện đại, các toà nhà biểu tượng, các sản phẩm công nghệ cao đã góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam và đưa đất nước vững vàng phát triển, từng bước hiện thực hoá chủ trương, mục tiêu của Đảng về xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Bên cạnh thực hiện phát triển doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ngày càng ý thức và quan tâm xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hoá kinh doanh và văn hoá kinh doanh là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững. Không chỉ chăm lo ngày càng tốt hơn cho người lao động, mà trong các thời điểm khó khăn khi đất nước đối mặt với thiên tai, dịch bệnh các doanh nhân luôn hết mình ủng hộ, đóng góp tài lực, trí tuệ cho xã hội, điển hình như trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vừa qua.

Trên hành trình xây dựng văn hoá kinh doanh của Việt Nam, tháng 5/2022 VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; Tuân thủ pháp luật; Minh bạch, công bằng, liêm chính; Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình…

Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại buổi lễ, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ về hoạt động của Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam vừa diễn ra.

Đồng thời khẳng định, sự phát triển mạnh mẽ và những thành tựu, kết quả đạt được của giới doanh nhân Việt Nam trong thời gian qua, ngoài sự nỗ lực hết mình của các doanh nhân, còn có yếu tố quyết định là sự lãnh đạo cùng sự quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước.

Thay mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng báo cáo nhanh một vài tâm tư, nguyện vọng chính của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp:

Thứ nhất: Về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để Chấn hưng khí thế, tinh thần kinh doanh trong doanh nhân và trong xã hội. Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch COVID-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới.

Để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế, đây là lúc Việt Nam cần khơi dậy tinh thần kinh doanh trong giới kinh doanh, khơi dậy tinh thần năng động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết của đội ngũ cán bộ công chức. Rõ ràng, hiện nay chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó khăn hơn nhiều, khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số và thoát khỏi đói nghèo.

Sức mạnh tinh thần luôn là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được. Nói gọn lại, các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại.

Thứ hai: Về phát triển doanh nghiệp: điều các doanh nghiệp mong muốn và việc quan trọng đề xuất làm ngay lúc này là tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng thuận lợi, dễ dàng hơn nữa, đồng thời chấn chỉnh và phục hồi thị trường bất động sản. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách miễn, giãn thuế, phí và các nghĩa vụ tài chính khác với thời gian đủ dài để doanh nghiệp phục hồi… Các doanh nghiệp bày tỏ cảm ơn Thủ tướng Chính phủ về việc vừa ban hành Quyết định 25 để tiếp tục giảm 30% tiền thuê đất cho năm 2023, kịp thời gỡ khó phần nào khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về các giải pháp trung và dài hạn, các doanh nghiệp mong muốn các chính sách mang tính tái cấu trúc, hướng tới phát triển bền vững cũng cần được quan tâm hoạch định xây dựng ngay từ bây giờ, cụ thể là trong các lĩnh vực đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; có chương trình hành động cụ thể nhằm nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan FTA, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh ở các thị trường mà nước họ chưa ký kết các FTA;  Chính phủ đẩy mạnh cải thiện hạ tầng logistics cũng như thủ tục hành chính để giảm chi phí vận chuyển, tăng tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam.

Thứ ba: Về chính sách và môi trường kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của các địa phương, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tập trung cải cách một số lĩnh vực thủ tục hành chính (TTHC) còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp, đó là các lĩnh vực TTHC về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động. Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là các thủ tục liên quan tới đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường.

Thứ tư: Các hiệp hội doanh nghiệp mong muốn được phát huy vai trò để hỗ trợ ngày càng tốt hơn cho các doanh nghiệp và là cầu nối hiệu quả giữa Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp. Mong muốn Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, mạnh dạn hơn trong việc giao cho các hiệp hội doanh nghiệp các nhiệm vụ, các dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của hiệp hội. Cần xây dựng cơ chế chính sách, văn bản pháp luật tạo điều kiện để các hiệp hội doanh nghiệp có đủ năng lực tham gia cung cấp các dịch vụ công. Làm được như vậy Nhà nước vừa giảm được áp lực về kinh phí và nhân lực, vừa nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, phù hợp với chương trình cải cách hành chính đang được triển khai thực hiện ở nước ta hiện nay.

Thứ năm: Các hiệp hội mong muốn nâng cao vai trò trong tham gia xây dựng và phản biện chính sách, Nhà nước có cơ chế để các bộ, ban, ngành khi xây dựng, ban hành văn bản chính sách mới phải tiến hành lấy ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp có liên quan. Việc lấy ý kiến phải thực chất, không làm chiếu lệ, hình thức, quy định rõ trách nhiệm của hiệp hội doanh nghiệp trong việc cho ý kiến, đảm bảo đúng thời gian và trình tự thực hiện.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, Cộng đồng doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ lời tri ân sâu sắc và cảm ơn chân thành tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương đã luôn ủng hộ, kiến tạo và hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Toàn văn Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

    Toàn văn Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

    10:54, 11/10/2023

  • Khởi đầu mới của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới

    Khởi đầu mới của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong tình hình mới

    10:30, 11/10/2023

  • Chủ tịch VCCI gửi thông điệp hiệu triệu cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp

    Chủ tịch VCCI gửi thông điệp hiệu triệu cộng đồng doanh nhân doanh nghiệp

    08:54, 11/10/2023

  • Chặng đường doanh nhân Việt

    Chặng đường doanh nhân Việt

    08:40, 11/10/2023

  • Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

    Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp, giới doanh nhân Việt Nam năm 2023

    07:53, 11/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực phát triển của giới doanh nhân đến từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO