Được coi là trung tâm Vùng ĐBSCL, Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa…
>>>Khơi thông “dòng chảy” nông sản đất Chín Rồng: Hút đầu tư logistics để giảm chi phí
Tại phiên họp thẩm định Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh khẳng định, Cần Thơ có điều kiện thuận lợi để hoàn thiện quy hoạch với định hướng trở thành cực tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa, thúc đẩy tăng trưởng cho cả vùng.
“Cùng với những chính sách, cơ chế đặc thù riêng được phê duyệt cho Cần Thơ, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch ngành về giao thông… hay chủ trương phát triển các ngành như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… sẽ là những lợi thế quan trọng cho phát triển Cần Thơ giai đoạn tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trình bày về Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045, Phó Chủ tịch thường trực TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết, mục tiêu là phát triển TP. Cần Thơ trở thành thành phố thông minh đáng sống, là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ, tiêu dùng chất lượng cao…
“Thành phố tập trung phát triển các lợi thế của vùng đồng bằng sông Cửu Long trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới”, ông Hiển cho biết.
Theo đó, Cần Thơ tập trung vào 9 nhóm nhiệm vụ chính, 27 khâu đột phá lớn ở cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội – môi trường, đồng bộ cả phần chương trình phát triển và không gian phát triển.
Về phương án phát triển các ngành ưu tiên, động lực, ông Dương Tấn Hiển cho biết công nghiệp sẽ đóng vai trò chủ lực với 3 chiến lược chính là phát huy thế mạnh sẵn có của công nghiệp nhẹ, đa dạng hóa ngành công nghiệp mới và tối ưu hóa tiềm năng để thu hút đầu tư nước ngoài vào các nhóm ngành dược phẩm, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, du lịch và logistics xanh…
Về kết cấu hạ tầng, khung kết nối giao thông dự kiến gồm 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến quốc lộ, 1 tuyến liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh, các trục chính đô thị và tuyến vành đai thành phố.
Song song đó, phát triển đường thủy nội địa và kiến thiết hạ tầng đường biển đảm bảo lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu. Từ đó, xây dựng hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng nhất cho xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL trong vài thập kỷ tới.
Ngoài ra, định hướng mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ liên vận quốc tế, đồng thời quy hoạch Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không này.
>>>Khơi thông “dòng chảy” nông sản đất Chín Rồng: Phát triển trung tâm đầu mối vùng
>>>LOGISTICS CHO NÔNG SẢN ĐBSCL: Khơi thông "dòng chảy" nông sản đất Chín Rồng
Đặc biệt, theo Phó Chủ tịch TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển, trong quy hoạch, Cần Thơ đã định hướng phát triển 2 trung tâm kinh tế động lực và 3 vùng phát triển. Cụ thể, hai trung tâm kinh tế gồm một ở phía Bắc, từ Thốt Nốt kéo dọc theo tuyến đường quốc lộ 80 và Cao tốc Lộ Tẻ, Rạch Sỏi; và một ở phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng. Cụm phía Bắc thiên về công nghiệp, cụm phía Nam đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ. Hai cụm này được kết nối với nhau bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu.
Còn về vùng phát triển, toàn thành phố được chia thành 3 vùng nhằm phát huy tối đa những lợi thế về điều kiện tự nhiên và kết nối. Trong đó, vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam: vùng lưu vực sông Cần Thơ, tạo thành một lõi trung tâm đô thị hấp dẫn, sầm uất và đa năng; vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc: phát triển một vùng công nghiệp quy mô lớn, xen lẫn đất sinh thái và các điểm trung tâm đô thị nhỏ, tạo thành một cực phát triển ở phía bắc thành phố; và vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: phát triển đặc thù để tạo sinh kế cho người dân và đảm bảo hài hòa kinh tế với hai khu vực còn lại.
Quy hoạch cũng đặt ra các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 9,0%; cơ cấu kinh tế lần lượt các khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đạt 5,2%, 34,9%, 53% vào năm 2030; tăng trưởng của khu vực trong thời kỳ 2021-2025: Nông nghiệp tăng 0,7%, công nghiệp tăng 8,5%, dịch vụ tăng 9,7% và thời kỳ 2026-2030: Nông nghiệp tăng 0,6%, công nghiệp tăng 12,6 %, dịch vụ tăng 9,6%; GRDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành đạt 194,37 triệu VNĐ vào năm 2030, đạt mức tăng trưởng 10,5%/năm giai đoạn 2021-2030; năng suất lao động trung bình đạt 132,9 triệu đồng vào năm 2030, đạt mức tăng trưởng 6,2 %/năm giai đoạn 2021-2030; tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030 đạt 339.000 tỷ VNĐ vào năm 2030, đạt mức tăng trưởng 7,9%/năm giai đoạn 2021-2030.
Góp ý thêm cho Dự thảo Quy hoạch, về phát triển kết cấu hạ tầng, ông Phạm Hoài Chung, Viện phó Viện Chiến lược phát triển giao thông, có ý kiến về việc cần làm rõ hơn quan điểm cũng như căn cứ phát triển cảng Cái Cui trở thành cảng tổng hợp cấp vùng và mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ liên vận quốc tế, đồng thời quy hoạch Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không này.
Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, Cần Thơ cần phải có đánh giá phương án phát triển, tính kết nối, phương thức xanh và logisitics dựa vào nền tảng công nghệ cao để Thành phố hướng tới trung tâm logisitics trọng điểm, có sức cạnh tranh nổi bật trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 09/01/2023
19:55, 23/11/2022
01:25, 18/09/2022
21:18, 16/09/2022
01:51, 10/09/2022