Động lực tăng trưởng từ các tập đoàn kinh tế lớn

Nhóm phóng viên 20/12/2019 16:01

Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC... đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng.

Đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.

Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh như vậy tại Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”, do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 20/12/2019 tại TP Hải Phòng.

Theo ông Thành, ngày 24/01/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Có thể nói, đây là sự kiện nổi bật, mở ra trang mới cho công cuộc phát triển của thành phố.

Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”

Toàn cảnh Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”

Điểm sáng thu hút đầu tư

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã và đang có những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Dẫn chứng về nhận định này, ông Thành cho biết, từ năm 2016 tới nay, kinh tế xã hội thành phố luôn duy trì mức tăng trưởng cao, năm 2019 GRDP thành phố tăng trưởng 16,68%, đứng đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 21,88%/năm trong giai đoạn 2016-2019.

Đặc biệt, “Tập đoàn Vingroup đã tổ chức khánh thành Nhà máy sản xuất ô tô VinFast, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố cũng là một dấu mốc quan trọng của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” – ông Thành nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Liên kết doanh nghiệp: “Chìa khoá” phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    Liên kết doanh nghiệp: “Chìa khoá” phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

    15:59, 20/12/2019

  • Vai trò của Hà Nội trong hợp tác, hỗ trợ liên kết vùng từ tầm nhìn của Luật Thủ đô

    Vai trò của Hà Nội trong hợp tác, hỗ trợ liên kết vùng từ tầm nhìn của Luật Thủ đô

    15:38, 20/12/2019

  • [Trực tiếp] Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”

    [Trực tiếp] Diễn đàn “Doanh nghiệp trong định hướng phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ”

    14:01, 20/12/2019

Sản lượng hàng hoá qua cảng Hải Phòng năm 2019 đạt 129 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 15,77 tỷ USD. Tổng thu ngân sách năm 2019 đạt 89.617 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 27.000 tỷ đồng.

Năm 2019 thành phố đã thu hút trên 9 triệu lượt khách du lịch. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt kết quả rất cao; trong 4 năm 2016-2019, thành phố đã thu hút gần 9 tỷ USD, riêng năm 2018 đạt 2,62 tỷ USD, đứng thứ 3 cả nước, đứng thứ 2 Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

“Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của thành phố đều có mức tăng trưởng cao, một số chỉ tiêu đã hoàn thành vượt mức mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XV (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra” – Phó Chủ tịch TP Hải Phòng cho biết.

Theo đó, thành phố đã tập trung cao để đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và đã đạt được kết quả, khánh thành đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cảng biển quốc tế Lạch Huyện, cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu và đường Tân Vũ - Lạch Huyện, quốc lộ 10 mở rộng, cầu Bạch Đằng và nhiều công trình kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trong vùng Duyên hải Bắc bộ như: đường cao tốc ven biển và cầu sông Hóa kết nối với tỉnh Thái Bình, cầu Quang Thanh và cầu Dinh kết nối với tỉnh Hải Dương, đang nghiên cứu đầu tư cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối với tỉnh Quảng Ninh...

Để đạt được những kết quả trên, theo ông Thành, thành phố đã thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và cạnh tranh bình đẳng; đổi mới quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn cho nhà đầu tư…

“Nhờ đó, đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước, với tổng mức đầu tư hơn 200 nghìn tỷ đồng, điển hình như: Vingroup, Sungroup, Geleximco, FLC... đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu của thành phố như công nghiệp, kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả lĩnh vực hàng không, cảng biển và cả các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế” – ông nhấn mạnh.

Doanh nghiệp thành lập mới đạt nhiều kết quả tích cực về cả số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký. Nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân đã thực sự tạo một không khí sản xuất kinh doanh mới, sôi động cho thành phố.

6 nhiệm vụ để đột phá

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng thông tin, ngày 26/11/2019 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực hiện Nghị quyết này, Hải Phòng sẽ tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cụ thể, một là, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường thu ngân sách để xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo chuyển biến toàn diện, sâu sắc về cải cách hành chính. Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, xây dựng nền hành chính thông thoáng, khoa học, tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất kinh doanh; phấn đấu đạt thứ hạng cao nhất về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, có ý nghĩa chiến lược; phát triển đô thị theo định hướng hiện đại, thông minh.

Ba là, phát triển mạnh các thành phần kinh tế để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.  Phát triển đa dạng, toàn diện các thành phần kinh tế, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế.

Bốn là, phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển.

Năm là, tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng bảo đảm sự phát triển bền vững.

Sáu là, gắn phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, giữ chủ quyền quốc gia; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Thành phố cam kết sẽ tiếp tục cải thiện, tạo lập môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đặc biệt là kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân có điều kiện thuận lợi tiếp cận với các nguồn lực như mặt bằng, hạ tầng, vốn, thông tin, các chính sách ưu đãi…” – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh.

Ngày 11/10/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ, trong đó xác định mục tiêu “Vùng KTTĐ Bắc Bộ phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học kỹ thuật của cả nước; là tâm điểm hội tụ nguồn lực và nguyên khí quốc gia, hội nhập và giao thương với khu vực và quốc tế; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.

Trong thời gian tới, các tỉnh, thành phố trong Vùng KTTĐ Bắc Bộ nói chung và thành phố Hải Phòng nói riêng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt các hoạt động điều phối liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong Vùng, xây dựng thể chế điều phối vùng, tạo cơ chế phát triển bền vững Vùng KTTĐ Bắc Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động lực tăng trưởng từ các tập đoàn kinh tế lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO