Trong 8 tháng đầu năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ bối cảnh kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề nội tại.
>>Động lực tăng trưởng và phát triển bền vững: Bài 1 - Biến đổi về xã hội - môi trường
Tuy nhiên, bằng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm và đang phục hồi tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước và quý sau cao hơn quý trước. Các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, lãi suất giảm, tỷ giá khá ổn định trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.
Đóng góp vào tăng trưởng từ các khu vực kinh tế đến hết năm 2023 dự báo như sau:
Lĩnh vực Nông - lâm - thủy sản luôn tăng trưởng tương đối ổn định và đóng góp khoảng 0,35-0,45 điểm % vào tăng trưởng GDP chung, nhưng năm 2023, lĩnh vực này là bệ đỡ và có mức đóng góp cao hơn (khoảng 0,5-0,6 điểm %) vào tăng trưởng GDP cả năm.
Đóng góp vào tăng trưởng của lĩnh vực khai khoáng dự báo giảm còn 0,14 điểm % do giá dầu giảm (khoảng 15%) năm 2023;
Với tăng trưởng thương mại thế giới dự báo giảm (chỉ tăng khoảng 1-1,6% so với mức tăng 4% năm 2022), dẫn đến đóng góp vào tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 dự báo giảm còn 1,2-1,6 điểm %;
Xây dựng dự báo giảm đóng góp cho tăng trưởng xuống khoảng 0,35 điểm % (chủ yếu do lĩnh vực xây dựng dân dụng và bất động sản còn nhiều khó khăn).
Do đà phục hồi tiêu dùng sau dịch Covid-19 không còn mạnh như năm 2022, đóng góp vào tăng trưởng của dịch vụ dự kiến còn 2,1 - 2,4 điểm %.
Đóng góp tăng trưởng kinh tế từ phía cung 2023-2025
(Kịch bản cơ sở, chưa phát huy tốt các động lực tăng trưởng)
Tổng hợp lại, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo theo kịch bản cơ sở là 5,2-5,5%. Với kịch bản tiêu cực là kinh tế thế giới suy thoái nặng hơn, tận dụng được ít các cơ hội từ các động lực tăng trưởng mới, tăng trưởng dự báo là 4,4-4,5%. Tuy nhiên, với kịch bản tích cực là kinh tế thế giới sớm phục hồi, và khai thác được các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, đẩy mạnh liên kết vùng với việc thúc đẩy 2 động lực chính là Hà Nội và TP. HCM) tăng trưởng có thể đạt 5,5-6%.
Đối với năm 2024 và 2025, theo kịch bản cơ sở, dự báo tình hình kinh tế thế giới từng bước phục hồi, lạm phát được kiếm chế và dần về mức dưới 3% năm 2025, khi đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt khoảng 6% năm 2024 và 6,5% năm 2025. Tuy nhiên, nếu Việt Nam có thể củng cố tốt hơn các động lực tăng trưởng hiện hữu và khai thác tốt hơn các động lực tăng trưởng mới, thì mức tăng trưởng có thể cao hơn.
Đóng góp tăng trưởng GDP từ phía cầu 6 tháng đầu năm, 2019-2023 (điểm %)
Nguồn: TCTK, tính toán của Viện ĐTNC BIDV
Xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, nhất là đối với công nghiệp chế biến, chế tạo và khai khoáng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm xuống còn 0,4% (so với mức tăng 9,7% cùng kỳ) và tăng trưởng khai khoáng là âm 1,4% (so với mức tăng 2,3% cùng kỳ).
Nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2023 giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh hơn xuất khẩu nên xuất khẩu ròng vẫn đóng góp 2,36 điểm % (tương đương 63,45%) vào tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 (xem Hình 1).
Đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn đáng kể mức tăng 9,6% của cùng kỳ 2022 và 7,2% của cùng kỳ 2021. Do đó, tích lũy tài sản chỉ đóng góp 0,23 % vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2023, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước.
Nguyên nhân là do khu vực sản xuất và bất động sản suy giảm, đầu tư tư nhân và FDI có mức tăng chỉ bằng 1/5 mức tăng của cùng kỳ năm 2022. Sự suy giảm của đầu tư tư nhân và FDI đã được bù đắp phần nào bởi đầu tư Nhà nước tăng 8,8% trong nửa đầu năm 2023, cao hơn đáng kể mức tăng của cùng kỳ 3 năm trước.
Xuất khẩu dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong nửa cuối năm 2023 (mặc dù mức âm đang giảm dần qua các tháng), trước khi tăng trưởng dương trở lại vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024. Tuy nhiên, tốc độ tăng xuất khẩu năm 2024 dự báo sẽ vẫn thấp hơn năm 2022 (IMF (7/2023) dự báo tăng trưởng thương mại thế giới năm 2024 đạt khoảng 3,7%, mặc dù cao hơn năm 2023 (2%) nhưng vẫn thấp hơn năm 2022 (5,2%), và chỉ có thể dần phục hồi trở lại từ năm 2025 trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi rõ nét hơn và dần thích ứng hoặc khắc phục được những khó khăn hiện nay.
Với dự báo xuất khẩu nêu trên, đầu tư ngoài Nhà nước (tư nhân và nước ngoài) cũng như tổng đầu tư toàn xã hội dự báo sẽ cải thiện trong năm 2024 nhưng chưa thể trở lại mức tăng của năm 2022. Do đó, trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024, đầu tư Nhà nước sẽ tiếp tục đóng vai trò ‘chủ đạo’ trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Theo tính toán của Viện ĐT&NC BIDV, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng CP, đầu tư Nhà nước tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023.
Trong 4 tháng cuối năm 2023, do ảnh hưởng của xuất khẩu và sản xuất còn giảm (dù ít hơn), tiêu dùng chưa thể lấy lại mức tăng 10% (loại trừ yếu tố giá) như thời kỳ trước dịch, mà dự kiến chỉ ở mức khoảng 5%. Sang năm 2024, khi sản xuất phục hồi, tiêu dùng có thể tăng trở lại, về mức tăng trưởng của thời kỳ trước dịch. Trong bối cảnh xuất khẩu và đầu tư chưa thể sớm khôi phục (như nêu trên), tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng GDP trong nửa cuối năm 2023 cũng như năm 2024 và 2025. Theo tính toán của Viện ĐT&NC BIDV, tốc độ tăng tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp tăng trưởng GDP tăng thêm 0,2 điểm %.
Với việc ban hành khá đồng bộ chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo và mức độ kết nối khá cao (theo “Digital Vietnam 2023” của Hootsuite and We are social, tỷ lệ người sử dụng Internet, mạng xã hội của Việt Nam lần lượt ở mức 79,1%, 71%, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 64,5% và 60,6%), kinh tế số ngày càng trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Theo “e-conomy SEA Report 2022” của Google và Temasek, kinh tế số Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực ASEAN (trung bình 28,5%/năm) trong giai đoạn 2016-2022. Với quy mô 23 tỷ USD năm 2023, đóng góp của kinh tế số vào GDP khoảng 6,3%, tăng 28% so với năm 2021; đứng thứ 3/6 tại ASEAN và thứ 14/50 trong khu vực Châu Á.
Ngoài ra, theo Cisco-Readiness Index 2023, mức độ sẵn sàng số hóa của Việt Nam đứng thứ 57/146 thế giới, đứng thứ 4/8 ASEAN, tăng mạnh 13 bậc so với năm 2019; Chỉ số Đổi mới Toàn cầu (GII) 2022 đạt 48/132 thế giới, đứng thứ hai trong nhóm 36 quốc gia thu nhập trung bình thấp; Chỉ số An toàn, an ninh mạng toàn cầu (GCI) của Việt Nam thuộc Top 25 quốc gia dẫn đầu toàn cầu (theo ITU 2020, cao hơn mục tiêu Top 40 vào năm 2025), tăng 25 bậc so với năm 2018.
Mặc dù đạt được một số kết quả ấn tượng trong phát triển kinh tế số song tỷ trọng đóng góp của kinh tế số vào GDP còn ở mức thấp so với mục tiêu đề ra cũng như so với khu vực và thế giới. Để tăng mức độ đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế, còn nhiều việc phải làm như Nhóm Nghiên cứu kiến nghị dưới đây.
Cùng với việc hoàn thiện môi trường pháp lý; khắc phục các hạn chế về hạ tầng, nguồn nhân lực số; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; an ninh mạng và bảo mật thông tin, dữ liệu, dự báo kinh tế số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về cả lượng và chất trong giai đoạn 2023-2025, góp phần tăng quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam, thúc đẩy năng suất lao động, tăng tính hiệu quả và bền vững.
Tăng trưởng xanh không chỉ là những cam kết của Việt Nam với quốc tế mà đó còn là những lợi ích thiết thực đối với kinh tế và đời sống người dân như: (i) nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, tài nguyên khoáng sản, môi trường tự nhiên được bảo vệ, gìn giữ; (ii) giảm thiểu thiệt hại và rủi ro tài khóa mà thiên tai gây ra; (iii) xanh hóa sản xuất, thương mại và tiêu dùng giúp hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận được với các thị trường trọng điểm của Việt Nam khi các thị trường này áp dụng thuế xanh và nhiều điều kiện khác về môi trường và an toàn thực phẩm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (2022), biến đổi khí hậu sẽ làm giảm 3,5% GDP của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh trở thành xu thế có tính tất yếu tại mỗi quốc gia. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, tăng trưởng xanh chính là con đường để thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Ngay từ năm 2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (được cập nhật, bổ sung bằng Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050).
Tại COP 26 (tại Glasgow, 2021), Việt Nam cũng đã có những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo WB, trong hơn 10 năm thực hiện mục tiêu kinh tế xanh và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã góp phần làm giảm 12,9% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển bình thường; tiêu hao năng lượng tính trên GDP giảm trung bình 1,8%/ năm.
Những kết quả trên cho thấy, tăng trưởng xanh và chủ động thích ứng biến đổi khí hậu vừa góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực, vừa bảo vệ môi trường, vừa tận dụng được cơ hội từ xu hướng phát triển của thế giới cùng với phát triển kinh tế số.
Tổng giá trị xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2022 có giá trị tương đương khoảng 197% GDP - cao hơn nhiều quốc gia trên thế giới - nhưng thương mại dịch vụ không liên quan đến du lịch lại thấp so với tiêu chuẩn quốc tế (theo WB, 2021). Hơn nữa, giá trị gia tăng nội địa của hàng xuất khẩu chỉ có 56% và đang giảm, thấp hơn so với Thái Lan và Malaysia.
Việt Nam tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu chủ yếu là “tham gia ngược” - backward participation (giá trị ngoại chiếm hàm lượng cao trong tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam và giá trị nội địa của Việt Nam chiếm hàm lượng thấp trong hàng hóa xuất khẩu của nước khác). Với việc các nước phát triển đang ngày càng khuyến khích chuyển dịch sản xuất về trong nước, tự cung tự cấp các sản phẩm chiến lược, Việt Nam có thể tăng giá trị trong nước và mở rộng rổ hàng xuất khẩu bằng cách bổ sung các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, như: CNTT và dịch vụ số, thương mại điện tử, viễn thông, trò chơi điện tử; và tăng năng lực sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có độ phức hợp cao hơn để làm chủ không chỉ phân đoạn thành phẩm mà cả phân đoạn bán thành phẩm. Theo đó, việc nâng cao năng lực công nghiệp hỗ trợ là cấp thiết.
Theo mô hình định lượng của Nhóm nghiên cứu Viện ĐTNC BIDV, có 3 kịch bản về mức độ đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng, cụ thể như sau: Kịch bản 1: Tốc độ chuyển đổi số chậm, tác động lan tỏa của ngành CNTT- TT đến các ngành kinh tế khác rất thấp, tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) chỉ đạt 5 – 5,5%/năm, tỷ lệ đầu tư cho KHCN dưới 0,8% GDP, theo đó mức đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP đạt mức thấp (0,38 - 0,60%). Kịch bản 2: Chuyển đổi số đạt tốc độ cao (dự kiến đạt 30 - 31%, cao hơn mức trung bình của ASEAN (25%), tốc độ tăng NSLĐ đạt 5,5-6%/năm, đóng góp của TFP vào tăng trưởng đạt 48-50%, quy mô kinh tế số đạt 55 - 60 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 15% GDP theo Google và Temasek 2022), tỷ lệ đầu tư cho KHCN có thể lên tới 1 - 1,2% GDP, ngành CNTT phát triển mạnh và góp phần hỗ trợ tích cực chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực, theo đó, mức đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng đạt 0,63 - 1,35%, cao hơn kịch bản 1. Kịch bản 3: Kinh tế số phát triển thuận lợi, tỷ lệ đầu tư cho KHCN đạt mức cao tương đương các nước ASEAN 1,8 - 2%; tốc độ tăng NSLĐ đạt 6,5 - 7/năm, đóng góp của TFP đạt mức cao tương đương các nước phát triển trong khu vực (52 - 55%), công nghệ số được ứng dụng rộng rãi, phổ biến trong các hoạt động kinh tế xã hội, theo đó, mức đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng GDP ở mức cao nhất 1,2 - 1,85%. |
(Tham luận của TS. CẤN VĂN LỰC và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV
tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023 ngày 19/9/2023)
>> Đón đọc Bài 3: Kiểm soát lạm phát
Có thể bạn quan tâm
06:20, 20/09/2023
02:00, 20/09/2023
15:06, 19/09/2023
14:20, 19/09/2023
10:45, 19/09/2023
10:09, 19/09/2023
09:26, 19/09/2023
08:00, 18/09/2023