Động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới

Phan Nam 05/12/2019 11:00

Diễn đàn kinh tế 2020: Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới diễn ra vào lúc 14h00 - 17h00 ngày 05/12/2019 tại tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Năm 2020 được coi là “bản lề” tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới. Những mục tiêu cơ bản của nền kinh tế cũng vừa được Quốc hội đưa ra khá cụ thể tại Nghị quyết số 85/2019/QH14 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

p/Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Nhằm phân tích, dự báo xu hướng kinh tế năm 2020, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh, giúp các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược trong kinh doanh năm 2020 và những năm tiếp theo, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức chương trình thường niên Diễn đàn kinh tế 2020: Tích lũy động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới vào lúc 14h00 - 17h00 ngày 05/12/2019 tại tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

“Bản lề” chu kỳ mới

Năm 2020 là năm bản lề kết thúc chu kỳ 5 năm với mức tăng trưởng GDP dự kiến khoảng 6,84%/năm (đạt mục tiêu 6,5 - 7% của Kế hoạch 2016 - 2020 đã đề ra), đồng thời mở ra chu kỳ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thứ 3 (2021 – 2030).

Chính phủ tiếp tục đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao dựa trên nền tảng kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019. Tăng trưởng kinh tế ước đạt và có thể cao hơn mức ước thực hiện của Chính phủ là 6,8%, chất lượng tăng trưởng dần được cải thiện. Cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển biến theo hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô xét trên các mặt như kiểm soát lạm phát, nợ công, cán cân xuất nhập khẩu và lao động việc làm đều có kết quả khả quan, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tăng thu ngân sách vượt dự toán là 3,3%, chi cho đầu tư phát triển, đạt tỷ trọng 26,6% tổng chi ngân sách nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • Hai kịch bản tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2025

    17:14, 24/11/2019

  • GDP 2019 sẽ vượt mục tiêu 6,8%?

    09:06, 02/12/2019

  • Quốc hội “chốt” kế hoạch GDP tăng khoảng 6,8% vào 2020

    09:50, 11/11/2019

  • “Tính toán lại GDP là điều rất cần thiết”

    17:25, 08/11/2019

  • Bốn tồn tại cần khắc phục để "tăng tốc" đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2019

    15:33, 02/12/2019

  • Tăng trưởng có thể đạt và vượt chỉ tiêu

    05:00, 01/12/2019

Các tổ chức quốc tế cũng có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế của Việt Nam. Theo báo cáo tháng 9 của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam được dự báo duy trì tăng trưởng kinh tếmạnh trong năm 2019 và 2020 ở mức tương ứng là 6,8% và 6,7%.

Trong khi đó, báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho rằng, động lực của kinh tế Việt Nam bao gồm sự tăng trưởng tương đối nhanh ở khu vực công nghiệp; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng tăng nhẹ cũng như một số ngành còn nhiều dư địa như thông tin truyền thông, khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn giữ đà phục hồi tăng trưởng, gia tăng FDI là yếu tố thuận lợi trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, dòng đầu tư nước ngoài gia tăng không chỉ do chiến tranh thương mại mà còn do nỗ lực cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh, việc thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng việc định hướng mới về thu hút FDI.

Cơ hội thu hút đầu tư

Trên thực tế, kinh tế Việt Nam được dự báo có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Về mặt thuận lợi, sự phát triển của CMCN 4.0 và việc tham gia các FTA thế hệ mới như CPTPP và FTA Việt Nam – Liên minh Châu Âu được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho Việt Nam, thông qua việc mở rộng xuất khẩu, đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, sự chuyển đổi nhanh hơn của mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, với động lực chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ giúp duy trì mức tăng trưởng cao và ổn định cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Đáng chú ý, năm 2020, hàng loạt doanh nghiệp lớn như Mobifone, VNPT, Agribank, VICEM... dự kiến sẽ IPO. Ước tính, các doanh nghiệp này sẽ niêm yết với giá trị lên tới 8 tỉ USD, hứa hẹn góp phần gia tăng giá trị vốn hóa cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Đồng thời, sẽ là cơ hội để thị trường thu hút dòng vốn ngoại đổ vào.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng vừa có bài viết tựa đề "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nhằm khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững". Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động tốt hơn nguồn lực ngoài nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư công và hoạt động kinh doanh vốn nhà nước.

Để tăng tốc phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, cần phải nỗ lực và có nhiều biện pháp để thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đa dạng hóa các nguồn vốn huy động và sử dụng, nhất là nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước. Cần hoàn thiện thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội. Đây phải được xem là giải pháp đột phá để đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa kết cấu hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội.

Vì vậy, muốn huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội phải quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm thị trường đóng vai trò chủ yếu trong phân bổ nguồn lực và phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm các loại giấy phép con, cải cách mức thuế và thủ tục đăng ký của doanh nghiệp, thủ tục đăng ký hải quan, quyết liệt loại trừ tình trạng nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp, áp dụng các khâu công nghệ có thể thay thế con người trong đăng ký, cấp giấy phép để minh bạch hóa, giảm thiểu “tham nhũng vặt”. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển:

Mặc dù tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu song cần đánh giá thêm về tính bền vững và chất lượng tăng trưởng; Chuyển đổi mô hình tăng trưởng có chuyển biến, song chưa rõ nét, chưa đi vào những khâu, những lĩnh vực mang tính cốt lõi. Việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và xử lý các hạn chế, yếu kém của khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhất là các đại dự án thua lỗ còn chậm; quản lý hoạt động đầu tư của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cần tăng cường. Doanh nghiệp tư nhân phát triển khá nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tín dụng, đất đai và các chính sách ưu đãi; liên kết vùng, liên kết kinh tế, liên kết sản phẩm còn hạn chế.

Ông Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội quốc gia:

Thách thức lớn nhất trong kinh tế của Việt Nam năm 2020 và trong những năm tiếp theo đó là cần phải đổi mới một cách mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế. Chuyển đổi mô hình kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu còn hạn chế. Nếu chúng ta không chuyển đổi một cách mạnh mẽ thì sẽ bất lợi hơn trong thời gian qua. Chỉ số đổi mới sáng tạo ở Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, tốc độ tăng trưởng chưa vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây là những thách thức rất lớn của chúng ta ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO