Đóng tàu Hải Phòng sau “đại phẫu” Kỳ I: “lột xác” để tìm lại mình

Trung Thành 18/03/2018 06:30

Ngày 1/2/2018, Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu hạ thủy thành công tàu chở hàng 56.200 tấn mang tên Trường Minh Sea. Đây là seri 4 tàu lớn nhất từ trước đến nay mà Nam Triệu đóng mới.

Trước đó, ngày 23/3/2017 cty này đã bàn giao tàu 56.200 tấn Trường Minh Fortune cho khách hàng. 

p/Tàu Trường Minh Sea của Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu hạ thủy thành công.

Tàu Trường Minh Sea của Cty TNHH MTV đóng tàu Nam Triệu hạ thủy thành công.

Hồi sinh sau “chết hụt”

Đã rất lâu, Nam Triệu mới có sự kiện lớn như vậy, sau seri tàu 53.000 tấn triển khai rầm rộ thời hoàng kim 10 năm về trước. Thậm chí, nhìn vào giá trị sản lượng của đơn vị này trong năm 2017 cũng đã tăng gần 300% so với “cơn bĩ cực” 2014.

Cũng giống như Nam Triệu, Cty đóng tàu Phà Rừng đã thực hiện đóng mới seri 03 tàu chở dầu cho chủ tàu Hàn Quốc. Chiếc đầu tiên - BS01 sẽ bàn giao ngay trong đầu năm 2018. Trong năm 2017, Cty này đã đóng mới 18 tàu các loại, sửa chữa 75 lượt tàu và nâng tổng sản lượng lên tới 868 tỷ đồng.

Một liên doanh giữa Tcty công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) và Tập đoàn Damen (Hà Lan) là Cty CP đóng tàu Sông Cấm cũng rất... sẵn việc. Đầu năm 2017, Cty Công ty CP đóng tàu Sông Cấm đã ký hợp đồng đóng mới 04 tàu kéo ASD Tug 2813 cho Tập đoàn Damen (Hà Lan). Chỉ 2 tháng sau đó, đơn vị này tiếp tục ký hợp đồng đóng mới 6 tàu kéo ART 85-32W cho chủ tàu Úc...

Không rầm rộ, ồ ạt nhưng đóng tàu Hải Phòng bước đi một cách thận trọng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đã dần lấy lại uy tín của mình.

Tái cơ cấu – cái nhìn lịch sử

Thời điểm hoàng kim, những năm 2006 - 2007 Hải Phòng có đến vài chục doanh nghiệp đóng tàu. Trong đó, nhiều “ông lớn” thuộc Vinashin, rồi các tên tuổi như: Nam Triệu, Phà Rừng, Bạch Đằng, Bến Kiền...

Phát triển nóng, sự lỏng lẻo trong quản lý... khiến các doanh nghiệp thuộc Vinashin “chết” nhanh hơn các doanh nghiệp đóng tàu tư nhân. Cơn bĩ cực bắt đầu từ những năm 2009, đại công trường Vinashin là những bãi sắt vụn khổng lồ. Chủ tàu hủy hợp đồng, tài chính khó khăn, hàng chục nghìn công nhân không việc làm,... khiến bức tranh đóng tàu vô cùng ảm đạm.

Nằm trong “tâm bão” ấy, đóng tàu Hải Phòng gần như trở về điểm xuất phát. Những “người hùng” một thời: Nam Triệu, Phà Rừng, Bến Kiền, Bạch Đằng... hoạt động trong trạng thái thoi thóp. Một số doanh nghiệp đóng tàu nhỏ thuộc Vinashin như: CNTT Tam Bạc, CNTT Thành Long... thì ngừng hoạt động.

Ngày 18/6/2010, Chính phủ có quyết định 926 về việc tái cơ cấu Vinashin. Đây có lẽ là giải pháp cấp bách để cứu vãn “đứa con cưng” khi ấy được kỳ vọng sẽ phát triển thành 1 Tập đoàn kinh tế hàng đầu cả nước. Cuộc đại phẫu tái cơ cấu, Vinashin bị chia 5, sẻ 7. Các lĩnh vực ngoài đóng tàu được bàn giao, sáp nhập về đúng “nhà” của nó. Đóng tàu trở về nguyên nghĩa với tên gọi Tcty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.
Dù thế nào, Hải Phòng vẫn xác định đóng tàu là lĩnh vực thế mạnh của thành phố. Cùng Chính phủ, Hải Phòng có nhiều chính sách nhằm “giải cứu” ngành đóng tàu như: Tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ các dự án, rà soát quy hoạch, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp...

Nhiều chuyên gia nhận xét, về lâu dài, cần nhìn nhận lại năng lực ngành đóng tàu để có chiến lược dài hơi. Cứu sống là một chuyện nhưng sống khỏe, sống tốt lại là chuyện khác.

Kỳ II: Đóng tàu – Cần cái nhìn thực tế

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đóng tàu Hải Phòng sau “đại phẫu” Kỳ I: “lột xác” để tìm lại mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO