Kinh tế địa phương

Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững

Phương Anh 21/12/2024 15:40

Tỉnh Đồng Tháp đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp.

Tỉnh Đồng Tháp, thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, địa phương đẩy mạnh xây dựng nền nông nghiệp theo hướng chuyên sâu, thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Châu Thành tại Ngày hội nông sản huyện Châu Thành lần thứ I năm 2024
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thiện Nghĩa (bìa phải) tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Châu Thành tại Ngày hội nông sản huyện Châu Thành lần thứ I năm 2024

Đồng Tháp đã chuyển từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp.

Đẩy mạnh tái cơ cấu

Thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều đề án, chương trình lồng ghép thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tác động lớn đến tăng trưởng nông nghiệp và chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nhất là các ngành hàng chủ lực…

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, tiến độ thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2024 (so sánh chỉ tiêu đến năm 2025) có 15/18 chỉ tiêu vượt và đạt tiến độ đề ra. Theo đó, tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản năm 2024 ước đạt 3,9% (giá trị tăng thêm cả năm đạt 22.153 tỷ đồng), cao hơn mức 3,57% năm 2020 (đạt 19.015 nghìn tỷ đồng giá so sánh 2010, tương đương 28.219 nghìn tỷ đồng giá hiện hành năm 2020).

So với năm 2020, ngành hàng lúa gạo có giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng 3,6%, chiếm 32,15% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ngành hàng xoài có giá trị sản xuất ước đạt 2.341 tỷ đồng, tăng gần 22% so với năm 2020, chiếm 4,62% tỷ trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Diện tích trồng hoa kiểng toàn tỉnh đến năm 2024 ước đạt 4.529 ha, (đạt 129,4% so với chỉ tiêu ≥ 3.500 ha) và giá trị sản xuất ngành hàng hoa, kiểng ước đạt trên 6.276 tỷ đồng (đạt 89,6% so với chỉ tiêu ≥ 7.000 tỷ đồng), tăng 34,78% so với năm 2020. Đối với ngành hàng cá tra, có giá trị sản xuất ước đạt 8.802 tỷ chiếm 17,36% giá trị toàn ngành, tăng 18,63% so với năm 2020. Ngành hàng sen có giá trị sản xuất ước đến cuối năm 2024 đạt 39,168 tỷ đồng, tăng 188% so với năm 2020.

Tỉnh hiện có 333 doanh nghiệp chế biến nông sản. Trong đó có 49 doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản chế biến giai đoạn 2021-2024 ước đạt trên 4,9 tỉ USD. Hàng hóa nông sản của Đồng Tháp có mặt trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó có một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU…

Phát huy giá trị sản phẩm OCOP

Đồng Tháp là một trong những địa phương top đầu của cả nước về thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả của sản phẩm OCOP hướng đến ổn định và phát triển bền vững, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

Đến nay, Chương trình OCOP đã lan tỏa trên khắp địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Cùng với việc tập trung chuẩn hóa nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, các địa phương quan tâm, khai thác các nguồn tài nguyên bản địa, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm tiềm năng OCOP chuẩn hóa sản phẩm. Toàn tỉnh hiện có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 175 chủ thể. Các sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận rất tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Để phát huy giá trị, tiềm năng của sản phẩm OCOP, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình OCOP góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Đồng thời bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình OCOP và thực tế tại địa phương, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình; chủ động, quyết tâm và phối hợp thường xuyên, thống nhất giữa các sở, ngành, các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho khoảng 1.500 cán bộ quản lý Nhà nước (cấp tỉnh, huyện, xã) thực hiện Chương trình OCOP và 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; phấn đấu có khoảng 150 sản phẩm mới của 70 chủ thể tham gia Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo, có ít nhất có 15 sản phẩm đạt 5 sao. Triển khai thực hiện hiệu quả 2 mô hình chỉ đạo điểm của tỉnh: Dự án các sản phẩm từ sen (huyện Tháp Mười) và Dự án Làng Văn hóa du lịch Sa Đéc (TP Sa Đéc)...

Hướng đến sự phát triển bền vững, Đồng Tháp tiếp tục vận dụng các cơ chế chính sách giúp sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả; Bên cạnh việc tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP theo quy định của Trung ương, tỉnh lồng ghép thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung phát triển mẫu mã, bao bì sản phẩm; xúc tiến thương mại, phát triển du lịch, khuyến khích đầu tư vào khoa học và công nghệ, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, liên kết sản xuất, phát triển ngành nghề nông thôn, tham gia bán hàng trên các trang thương mại điện tử…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp xanh, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO