Theo các chuyên gia, dự báo từ nay đến cuối năm, dòng tiền sẽ tập trung vào 02 ngành ngân hàng và bất động sản.
Hai ngành này với quy mô vốn hóa lớn được coi là trụ cột của chỉ số Vn-Index đã cùng nhau tác động điểm số thị trường.
Phiên giao dịch ngày 31/10, nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán ghi nhận tiếp tục bùng nổ. Với nhóm ngân hàng, một loạt cổ phiếu có mức tăng tốt kể đến như CTG tăng 2,73%, LPB tăng 1,23%, VCB tăng 2,07%... Tiếp đó, nhóm bất động sản có VHM tăng 0,85%, VIC tăng 1,34%, DXG tăng 0,3%, KBC tăng 0.19%... Danh sách top 10 cổ phiếu tác động tích cực lên VN-Index gần như chỉ xuất hiện các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, bao gồm VCB dẫn đầu với 2,6 điểm, tiếp đến là CTG gần 1,3 điểm, VIC hơn 0,5 điểm…
Trong những ngày gần đây, hàng loạt ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản lớn đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 mang màu sắc tích cực. Điển hình như các ngân hàng VCB với lãi tăng 18%, CTG tăng 35%, BIDV tăng 10%... Doanh nghiệp bất động sản như NVL lãi đột biến hơn 3 nghìn tỷ đồng, KBC lãi gấp chục lần…Thanh khoản toàn thị trường ghi nhận hơn 19.269 tỷ đồng, gần bằng phiên 30/10. Khối ngoại tiếp tục có phiên mua ròng ghi nhận tại cổ phiếu VPB gần 88 tỷ đồng, CTG gần 43 tỷ đồng.
Đánh giá về cổ phiếu 2 ngành này từ nay đến cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán MBS cho rằng, ngành ngân hàng dự báo tăng trưởng lợi nhuân ổn định nhờ sự phục hồi của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nợ xấu của các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 sẽ không tăng vì dư nợ từ nhóm khách hàng doanh nghiệp vẫn tiếp tục dẫn dắt tín dụng trong quý IV/2024, đồng thời, các ngân hàng sẽ giảm tốc trích lập dự phòng trong nửa cuối năm 2024.
Theo đó, bộ đệm dự phòng được dự báo sẽ giảm do trích lập giảm tốc cùng với việc xoá nợ xấu vẫn sẽ được duy trì nh. Lợi nhuận ròng các ngân hàng niêm yết trong quý 3/2024 tăng 16,5,% svck và là trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường, một số ngân hàng có mức tăng trưởng nổi bật như HDB (tăng 44%), TPB (tăng 35%) nhờ tăng trưởng tín dụng cao như VCB, CTG (tăng 40%) nhờ mức nền thấp cùng kỳ.
Báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt(VDSC) cho rằng, nhóm ngân hàng tiếp tục là đầu tàu dẫn đắt đà tăng trưởng bên cạnh sự phục hồi của ngành sản xuất và bán lẻ, giúp tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của VN-Index ước tính 28%.
Động lực tăng trưởng của nhóm ngân hàng gồm NIM quý 3 tăng nhẹ so với quý trước sau khi chất lượng tài sản cải thiện; Chi phí tín dụng không còn gây áp lực lớn lên lợi nhuận; Tăng trưởng tín dụng các ngân hàng thuộc danh mục theo dõi chiếm 75% lợi nhuận toàn ngành ước đạt 10,5% từ đầu năm hay tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây sẽ là chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán Việt Nam bứt phá lên điểm số mới khi định giá thị trường vẫn ở ngưỡng giao dịch trung bình.
Với ngành bất động sản (BĐS), Chứng khoán MBS cho rằng phân hóa theo khu vực. Kết qủa kinh doanh quý 3/2024 sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp theo khu vực. Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2024, nguồn cung căn hộ tại TPHCM tiếp tục hạn chế, nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án cao cấp với pháp lý rõ ràng, của các nhà phát triển nước ngoài tiềm lực mạnh hoặc các giai đoạn tiếp theo của các dự án đã mở bán trong quá khứ. Trái ngược lại với khu vực phía Nam, Hà Nội chứng kiến nguồn cung mới tăng vọt 176%, đạt 10,841 sản phẩm mới – mức cao nhất trong vòng 5 năm. Mặt bằng giá tại khu vực này cũng tăng mạnh và đang bắt kịp với khu vực phía Nam khi giá đã tăng 22%.
Như vậy với việc 3 bộ luật BĐS quan trọng có hiệu lực, MBS cho rằng sẽ cần thêm thời gian để các địa phương xây dựng bảng giá đất chính thức, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án hơn. Các doanh nghiệp bất động sản với thị trường trọng điểm phía Nam như NVL, DXG sẽ tiếp tục ghi nhận KQKD quý 3 khả quan khi các dự án mở bán mới. Một số doanh nghiệp với các dự án hoàn thiện pháp lý như KDH, NLG sẽ có thể có lợi thế trong thời gian sắp tới dựa vào thời điểm mở bán. Các doanh nghiệp BĐS với các dự án tập trung tại khu vực phía Bắc như VHM có thể sẽ tiếp tục hưởng lợi từ mức thanh khoản cao và pháp lý hoàn thiện. Như vậy, nhiều khả năng dòng tiền sẽ hướng tới nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và BĐS làm trụ cột từ nay đến cuối năm.
Một điểm nữa theo các chuyên gia nhà đầu tư cần lưu ý, công cuộc hoàn thiện các quy định để tháo gỡ vướng mắc nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường chứng khoán với mục tiêu nâng hạng sẽ được cụ thể hóa trong dự án Luật chứng khoán sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong kỳ họp Quốc hội thứ 8. Dự thảo luật nếu được thông qua sẽ mang ý nghĩa bước ngoặt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong triển vọng nâng hạng năm 2025 theo đánh giá của FTSE và MSCI.
Bên cạnh đó, Trung Quốc công bố các biện pháp kích thích kinh tế, nếu có thể vực dậy đà tăng trưởng ở quốc gia này sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với Việt Nam khi mức độ giao thương giữa hai nền kinh tế rất lớn.
Nhìn xa hơn cho những tháng còn lại của quý 4/2024, các chuyên gia kỳ vọng VN-Index có thể chinh phục vùng đỉnh mới khi phản ánh mức tăng trưởng lợi nhuận quý 4 tương ứng P/E kỳ vọng 15-15,5 lần. Rủi ro trong ngắn hạn của thị trường là căng thẳng Trung Đông leo thang mạnh khiến VN-Index kiểm định lại vùng giao dịch P/E 13,5 lần, tương ứng với VN-Index có thể quay về mức 1.230 điểm trước khi phục hồi trở lại.
Do vậy, các chuyên gia khuyến nghị các nhà đầu tư có thể xây dựng danh mục với các cổ phiếu có xu hướng tăng trưởng chất lượng bao gồm các ngân hàng và các doanh nghiệp có động lực tăng trưởng như ngân hàng, công nghệ, dịch vụ tài chính hoặc các doanh nghiệp có dự án đầu tư mở rộng hay tiềm năng phát triển và trọng tâm vào nhóm ngành ngân hàng và BĐS có vốn hoá lớn nhất trên 3 sàn chứng khoán…