Với việc lọt Top 4 các tỉnh/thành dẫn đầu thu hút FDI cả nước năm 2022, Thái Nguyên tiếp tục đón nhận những dòng vốn đầu tư từ nước ngoài trong những tháng đầu năm 2023.
>>>Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên: Chủ động tạo sức hút mới
Theo các chuyên gia, những biến động của thị trường thế giới, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng năng lượng, xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước gia tăng... dẫn tới những thay đổi đáng kể trong môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu. Dòng vốn FDI từ đó có sự dịch chuyển mạnh mẽ với các nước đang phát triển ở khu vực Châu Á.
Đối với Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, sự tác động đó được đánh giá là tích cực do các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm tìm đến như một thị trường ổn định, nhiều tiềm năng.
Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các nhà đầu tư nước ngoài đang quan tâm thị trường đầu tư tại các các nước có các yếu tố ổn định về chính trị, môi trường pháp lý và kinh tế vĩ mô; các cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, lao động,… có tính nhất quán, ít thay đổi; thông tin công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu; thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ giúp giảm chi phí hành chính cho doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao sự năng động của chính quyền và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua trên địa bàn.
Theo ông Tuấn, chính quyền địa phương tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục phát huy tinh thần năng động và sự ủng hộ mạnh mẽ với khu vực kinh tế tư nhân. Những năm gần đây, điểm số PCI của Thái Nguyên cao hơn giá trị trung vị cả nước, đứng Top đầu các tỉnh trung du miền núi phía Bắc. Năm 2022, PCI Thái Nguyên đạt 66,10 điểm, xếp thứ 25 toàn quốc, tăng 3 bậc so với năm 2021. Giai đoạn 2015 – 2020, Thái Nguyên luôn đứng Top cao cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh (xếp hạng từ 7 – 18).
>>>Thái Nguyên: Sức khỏe doanh nghiệp là sức khỏe của địa phương
Các doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên ghi nhận sự ủng hộ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân. Tỉ lệ doanh nghiệp FDI đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực cao. Chất lượng thực thi chính sách, pháp luật của sở, ngành, địa phương khá tốt, không gian để cải thiện còn rất nhiều. Nhìn chung, môi trường kinh doanh của Thái Nguyên khá bình đẳng so với các địa phương khác trong vùng, các doanh nghiệp luôn có niềm tin vào hệ thống chính quyền các cấp của tỉnh.
Thống kê từ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho thấy, tính riêng trong 03 tháng đầu năm 2023, Ban đã làm việc với 11 nhà đầu tư đến tìm hiểu thuê đất tại khu công nghiệp, đang hướng dẫn thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 03 doanh nghiệp để thực hiện dự án trong khu công nghiệp Sông Công I, KCN Yên Bình, KCN Điềm Thụy (Khu A).
Ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên vẫn đang tiếp tục đón nhận những dòng vốn FDI đầu tư vào tỉnh, hứa hẹn bức tranh sáng màu trong năm 2023. Trong 4 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 8 dự án FDI được cấp mới, với tổng số vốn đăng ký là 98,2 triệu USD. Lũy kế đến nay trong các khu công nghiệp có tổng số 274 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 180 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 10.617,776 triệu USD và 133 dự án DDI với tổng số vốn đăng ký đầu tư 16.090,913 tỷ đồng.
Điển hình ngày 07/3/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo đó, công ty TNHH Sunny Opotech Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Sunny) hiện đang thực hiện dự án Nhà máy Sunny Opotech tại Khu công nghiệp Yên Bình, tỉnh Thái Nguyên. Dự án triển khai với tổng mức đầu tư 110 triệu USD, giai đoạn đầu đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định từ tháng 3/2022 đối với phần vốn 73 triệu USD, tổng số 612 người lao động, mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng, năm 2022 nộp ngân sách 105.000 USD...
Trên cơ sở cùng trao đổi, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục đầu tư, lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với nội dung Tập đoàn Sunny đăng ký thực hiện dự án đầu tư tại tỉnh Thái Nguyên; các cam kết về nguồn vốn đầu tư, thời gian hoạt động, hỗ trợ của UBND tỉnh, trách nhiệm của nhà đầu tư.
Việc ký kết hợp tác này góp phần xây dựng hệ sinh thái sản xuất điện - điện tử, công nghệ cao cho vùng kinh tế Trung du và miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng; có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực Trung du miền núi phía Bắc và vùng thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh đó, Ban quản lý các khu công nghiệp sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư và thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các khu, cụm công nghiệp để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư vào địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Thành phố Sông Công (Thái Nguyên) quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II
06:42, 10/05/2023
Thái Nguyên tiến hành khảo sát, đánh giá DDCI lần thứ 2
09:59, 09/05/2023
PCI – Động lực tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên
12:26, 04/05/2023
Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Thái Nguyên tạo đột phá ra sao?
16:32, 15/04/2023
Thái Nguyên đáp ứng tốt thị trường lao động
11:01, 27/04/2023
PCI - Động lực tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên
22:16, 27/04/2023
Phổ Yên – Thái Nguyên: Thành phố công nghiệp
19:08, 03/04/2023