Nghiên cứu - Trao đổi

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chỉ bàn làm, không bàn lùi

Yến Nhung 22/11/2024 04:00

Nhất trí với chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tinh thần “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp.

Tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đa số đại biểu thống nhất đánh giá cao về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Tán thành với chủ trương đầu tư dự án với tinh thần "bàn làm chứ không bàn lùi", đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, đây là xu thế phát triển đất nước, là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn - Ảnh: ITN
Đa số đại biểu thống nhất đánh giá cao về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi" - Ảnh: ITN

“Vì vậy, khi xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam cần tính toán việc khai thác các cảng hàng không, đường bộ và đường thủy không bị lãng phí. Đồng thời, cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Đặc biệt, cần chú ý khâu tổ chức thực hiện để làm sao tránh đội vốn, bù lỗ sau này; không để đầu tư thì lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ”, đại biểu đề nghị.

Cùng chung quan điểm, để cân bằng nền tài chính quốc gia trong dài hạn, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ chủ động, sẵn sàng ứng phó với rủi ro về lãi suất, tỷ giá tín dụng, lạm phát. Cùng với đó, nghiên cứu ban hành chính sách tín dụng, lãi suất đặc thù hỗ trợ đầu tư cho các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm của quốc gia, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trong ngắn, trung và dài hạn. Nghiên cứu tiếp tục giảm gánh nặng ngân sách trung ương, đa dạng hóa hình thức đầu tư đối với các công trình ga, các công trình phụ trợ.

Ngoài ra, đại biểu Lan cũng đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát chi tiết, chủ động các phương án phòng ngừa rủi ro trong đầu tư. Hồ sơ tính mức GDP dự báo từ nay đến 2050 trung bình khoảng từ 6,5 - 7%, tuy nhiên, theo báo cáo thẩm định, hiện mới đánh giá sơ bộ tác động của phương án huy động vốn, một số dữ liệu đầu vào ở mức giả định, còn thiếu đơn giá, định mức cho việc xây dựng, vận hành, duy tu và bảo dưỡng.

duong-sat-toc-do-cao-1728110257 (1)
Nhiều đề xuất, giải pháp được đưa ra nhằm đảm bảo triển khai dự án hiệu quả - Ảnh: ITN

Đặc biệt, tiếp tục rà soát, xác định hướng tuyến. Bởi việc này có vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng đến giá thành, công nghệ xây lắp, tác động trực tiếp vào hệ sinh thái, văn hóa, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua. Cần đánh giá tác động địa chất, hệ thống thông thủy, tác động của thiên tai, sụt lún, nền móng công trình xây dựng, công trình ngầm, minh chứng khả năng an toàn chống trật ray của tàu khi chạy ở tốc độ cao hơn 300km/giờ, với quá nhiều đường cong (chiếm 35%) tổng chiều dài dự án, một số tuyến đoạn có độ dốc lớn.

“Chính phủ cần chủ động phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, gắn với quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch phân bố dân cư bài bản. Nghiên cứu nguyên tắc tạo điều kiện tiếp tục khai thác nguồn thu và giá trị tăng thêm từ quỹ đất vùng phụ cận ga phục vụ cho mục đích thương mại, dịch vụ, bù đắp cho ngân sách trung ương, nhưng đồng thời khuyến khích nguồn thu chính đáng của địa phương. Chú trọng thiết kế, quy hoạch nhà ga đáp ứng yêu cầu phát triển các hoạt động phụ trợ, thương mại, dịch vụ, kết nối các phương tiện giao thông khác, nhất là chú trọng khai thác không gian ngầm, phát triển không gian mới, tiến tới phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho đô thị trung tâm…”, đại biểu này nhấn mạnh.

Cho rằng đây là dự án lớn, rất khó để thực hiện, để dự án thành công, đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, Quốc hội cần ban hành các chính sách đặc thù như đơn giản hóa thủ tục phê duyệt dự án và giải phóng mặt bằng. Đồng thời, ban hành các quy định riêng cho các dự án hạ tầng lớn nhằm rút ngắn thời gian triển khai, miễn giảm thuế, hỗ trợ tín dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP, tăng cường các khoản vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ.

Đáng chú ý, đại biểu đề xuất, Quốc hội cũng cần phải thành lập một cơ quan quản lý chuyên biệt như Tổng công ty Đường sắt tốc độ cao Việt Nam trực thuộc Chính phủ. Cơ quan này sẽ chịu trách nhiệm từ quy hoạch xây dựng đến vận hành và tái cấu trúc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hiện đại hóa bộ máy đào tạo nhân lực theo chuẩn quốc tế và ứng dụng công nghệ cao trong vận hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO