Tổng chi phí để thực hiện 3 đoạn của đường Vành đai 2 TP.HCM là 30.288 tỷ đồng, thì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng lên đến 21.821 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 tổng mức đầu tư.
>>TP.HCM đường Vành đai 2 sẽ không làm trên cao vì tốn chi phí?
Áp lực chi phí giải phóng mặt bằng…
Theo đó, liên quan tới áp lực về nguồn tài chính thực hiện dự án đường Vành đai 2 TP.HCM, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, chính thức có văn bản báo cáo UBND TP về tình hình thực hiện các dự án nhằm khép kín đường Vành đai 2.
Cụ thể, theo quy hoạch, đường Vành đai 2 tuyến đường đô thị khép kín theo vòng tròn ở TPHCM với tổng chiều dài hơn 64,1 km, đến nay đã đầu tư hoàn thành 50,2 km, còn khoảng 14 km chia làm 4 đoạn chưa hoàn thành.
Trong đó, đoạn 3 của đường Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa ở TP Thủ Đức (dài hơn 2,7km) do nhà đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), với tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dự án này đang bị vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và chưa hoàn tất thủ tục điều chỉnh dự án nên phải dừng thi công từ tháng 3/2020, với khối lượng đạt 44%.
Theo dự kiến, đoạn 3 này sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng năm 2024 và hoàn thành thi công vào năm 2025.
Ngoài ra, 3 đoạn còn lại của đường Vành đai 2 với tổng chiều dài 11,3 km chưa được đầu tư. Đến nay, các hạng mục này vẫn đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để triển khai thực hiện.
Cụ thể, đoạn 1 (từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp) dài 3,5km. Hiện Sở GTVT đã cập nhật, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 9.328 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 67m khoảng 6.675 tỷ đồng.
Cũng theo Sở GTVT, hiện Hội đồng thẩm định TP.HCM đã thông qua Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, dự kiến trình Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố quyết định chủ trương đầu tư dự án trong kỳ họp tháng 9 năm 2023. Dự kiến lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án trong quý I năm 2024; thực hiện hoàn thành bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và khởi công vào quý II năm 2025; thi công, hoàn thành công trình vào quý IV năm 2026.
Đối với Đoạn 2: tổng chiều dài 2,8 km, tính từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng. Đoạn này cũng đã được Sở GTVT hoàn tất hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 4.543 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 67m khoảng 1.956 tỷ đồng.
Theo Sở TVT, ngày 22/8/2023, Văn phòng UBND TPHCM có Thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi tại buổi họp Hội đồng thẩm định Thành phố, theo đó có nội dung chỉ đạo đầu tư công cho cả 2 đoạn trên nếu tổng mức đầu tư dưới 10.000 tỷ đồng hoặc đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BT, áp dụng thanh toán bằng tiền) đối với đoạn 2.
Qua rà soát, tổng vốn đầu tư cả đoạn 1 (khoảng 9.328 tỷ đồng) và đoạn 2 (khoảng 4.543 tỷ đồng) trên 10.000 tỷ đồng. Do đó Sở GTVT đang phối hợp với các Sở ngành, đơn vị liên quan để nghiên cứu phương thức đầu tư phù hợp, khả thi.
Song, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư dự án Vành đai 2 (đoạn 2), Sở GTVT kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính rà soát, cân đối nguồn vốn ngân sách thành phố (bao gồm nguồn vốn đầu tư công trung hạn tăng thêm); từ đó tham mưu, đề xuất UBND TP xem xét bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đề đầu tư thực hiện dự án. Trong trường hợp chưa cân đối được nguồn vốn ngân sách, kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách thành phố (bao gồm nghiên cứu các phương thức đầu tư BT trả chậm bằng ngân sách).
Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND trình HĐND TP xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án (dự kiến trong quý IV/2023) để triển khai thực hiện hoàn thành dự án trong giai đoạn từ nay đến năm 2027.
>>Dự án vành đai 2 TP.HCM “tắc” đến bao giờ?
Đề xuất đầu tư khác ngoài vốn ngân sách?
Đối với đoạn 4 từ Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh (dài 5,3km), tổng mức đầu tư khoảng 16.417 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 60m khoảng 13.190 tỷ đồng).
Hiện nay, Sở GTVT đã cơ bản hoàn thành việc lập Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (theo hình thức đầu tư công). Tuy nhiên hiện nay, TPHCM chưa dự kiến cân đối được nguồn vốn nên chưa có cơ sở để trình cấp thẩm quyền thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định.
Do còn khó khăn về nguồn vốn ngân sách trung hạn giai đoạn 2021-2025, nên Sở GTVT đề xuất phân kỳ đầu tư đoạn 4 theo 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong giai đoạn 2023-2027: xây dựng đoạn từ đường Võ Văn Kiệt đến đường Nguyễn Văn Linh với chiều dài 3,4 km với tổng mức đầu tư khoảng 8.972 tỷ đồng (trong đó chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 60m khoảng 7.052 tỷ đồng, xây dựng cầu Phú Định, cầu Ba Tơ, cầu vượt trên đường đường Nguyễn Văn Linh và 2 đường song hành 2 bên của mặt cắt ngang hoàn chỉnh, mỗi bên gồm 2 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp với chi phí xây dựng khoảng 1.499 tỷ đồng).
Theo Sở GTVT TPHCM, đoạn tuyến này mang tính chất quan trọng, khi hoàn thành sẽ mở thêm hướng kết nối quận Bình Tân, quận 8 về phía nam thành phố và ngược lại qua cầu Phủ Định giúp giảm tải cho Quốc lộ 1A, tăng năng lực lưu thông vận chuyển hàng hóa qua khu vực.
Sở GTVT đề xuất UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu, đề xuất UBND TP bố trí kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 để thực hiện đoạn này. Trong trường hợp chưa cân đối được nguồn vốn ngân sách, Sở GTVT kiến nghị UBND TP chấp thuận thực hiện đầu tư đoạn 4 (giai đoạn 1) theo phương thức đầu tư khác ngoài vốn ngân sách thành phố (bao gồm nghiên cứu các phương thức đầu tư BT trả chậm bằng ngân sách).
Đối với đoạn 4 (giai đoạn 2), Sở GTVT đề xuất thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026-2030. Ở giai đoạn này, TP.HCM sẽ đầu tư xây dựng đoạn từ Quốc lộ 1A đến đường Võ Văn Kiệt với chiều dài tuyến 1,9km, tổng mức đầu tư khoảng 7.445 tỷ đồng. Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng theo lộ giới quy hoạch 60m khoảng 6.138 tỷ đồng; xây dựng hầm chui qua đường Kinh Dương Vương, cầu vượt trên đường Võ Văn Kiệt và 2 đường song hành 2 bên, mỗi bên gồm 2 làn xe ô tô và 1 làn xe hỗn hợp với chi phí xây dựng khoảng 1.725 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 2 có chiều dài hơn 64 km, quy mô 6-10 làn xe. Dự án kết nối vành đai ngoại thành từ đại lộ Nguyễn Văn Linh qua nút giao Mỹ Thủy (quận 2) qua cầu Phú Hữu (quận 9), kết nối với xa lộ Hà Nội, tuyến Phạm Văn Đồng và quốc lộ 1A (đoạn qua quận Thủ Đức). Dự án được chia thành 4 phân đoạn cụ thể như sau: + Đoạn 1, kết nối từ bờ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông là cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái dài 3,82 km, nằm trên địa bàn quận 9 và quận Thủ Đức. + Đoạn 2, kết nối từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng dài 1,99 km, nằm trên địa bàn quận Thủ Đức. + Đoạn 3, kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút Gò Dưa trên quốc lộ 1 dài 2,75 km vẫn thuộc quận Thủ Đức. + Dài nhất là đoạn 4, kết nối từ nút giao An Lập trên Quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3 km, đi qua địa bàn các quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh. Hiện nay, Sở GTVT đang tập trung đầu tư dự án khép kín Vành đai 2. |
Có thể bạn quan tâm
12:26, 22/11/2022
01:18, 17/11/2022
11:52, 31/05/2021
06:30, 17/10/2020
03:22, 03/10/2020