Lãnh đạo VCCI khẳng định, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió ngược”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức để có các kịch bản ứng phó.
>>>Vượt “cơn gió ngược” 2023
Phát biểu khai mạc Toạ đàm “Dự báo Kinh tế - Vượt cơn gió ngược 2023” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 27/12/2022, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2022, kinh tế thế giới và Việt Nam đã thực sự trải qua những biến đổi với nhiều biến động khó lường.
Chúng ta đã sắp bước qua một năm phục hồi hậu đại dịch Covid-19, nhưng những dư âm từ cuộc chiến Nga - Ukraine đến hiện tại vẫn đang dẫn đến những biến số chi phối kinh tế toàn cầu của năm qua và có thể sẽ tiếp tục tác động tiếp diễn trong năm 2023 tới.
Phó Chủ tịch VCCI chỉ rõ, đó là sự tái đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ngay sau đợt đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong 2 năm đại dịch, bất chấp nỗ lực tái định hình, xây lại chuỗi cung ứng của các nền kinh tế. Đó là sự bất ổn của giá hàng hóa, đặc biệt là giá hàng hóa đầu vào của mọi nền kinh tế, năng lượng - giá xăng dầu, kéo theo nguy cơ bất ổn về đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu. Kéo theo bất ổn của các nền kinh tế lớn khi phải ứng phó với lạm phát tăng cao, hệ quả từ các vấn đề nêu trên, cộng hưởng cùng chính sách tiền rẻ và các gói hỗ trợ khổng lồ trong đại dịch, dẫn đến sự thắt chặt tiền tệ quá mức làm “đảo chiều” các dòng vốn đầu tư.
Ông Võ Tân Thành cho biết, cho đến những ngày cuối năm 2022, các định chế tài chính từ World Bank, ADB, Fitch Ratings… đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm tới và thậm chí cảnh báo nhiều quốc gia đang hiện hữu nguy cơ đình lạm kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng phục hồi kinh tế ấn tượng. Kết thúc năm 2022, theo ước tính của World Bank, Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu ASEAN-5 với mức tăng trưởng là 7,2%. Cột mốc 7,2% là đường tăng trưởng GDP ở mức toàn dụng của kinh tế Việt Nam ước trong chu kỳ kinh tế 10 năm, theo tính toán của IMF. Kinh tế Việt Nam vượt lên trên mốc này từ nền tăng trưởng thấp của 2021, thậm chí theo tính toán của Tổng cục thống kê GDP là 8%, cho thấy Việt Nam thực sự đã đạt được những kết quả đáng kinh ngạc, lần đầu tiên chúng ta đạt con số xuất nhập khẩu 732 tỷ USD, xuất siêu liên tục nhiều năm. Ngoài ra, mức thu ngân sách cũng đạt rất cao vượt 16% so với dự toán.
“Có được những kết quả đó là nhờ Chính phủ đã triển khai quyết liệt Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, đẩy mạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn. Đặc biệt, Đảng ta đã sâu sát, kịp thời đề ra các định hướng, quyết sách lớn và thúc đẩy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện các mục tiêu đề ra, vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa bảo đảm an sinh xã hội theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau. Đồng thời, đó còn là sự cộng hưởng các giá trị đồng lòng, nỗ lực vượt khó, tăng tốc phục hồi của cộng đồng doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.
>>>[TRỰC TIẾP] Tọa đàm Dự báo Kinh tế - Vượt "cơn gió ngược" 2023
Cùng với những kết quả ước tính cuối 2022, những hơi nóng, thách thức của kinh tế toàn cầu cũng đã, đang phả vào kinh tế Việt Nam ngay từ những ngày này, với các dự báo như vừa nêu, về một năm mới 2023 không hoàn toàn thuận lợi.
Dẫn lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2023 mới đây, ông Võ Tân Thành cho biết, Thủ tướng đã nhìn nhận tình hình thế giới năm 2023 dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, các yếu tố thuận lợi thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
“Theo khảo sát nhanh của VCCI về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện tại thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phía Nam vừa qua, kết quả ghi nhận có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới. Với những số liệu trên, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý I năm sau. Những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động”, ông Võ Tân Thành chia sẻ.
Đồng thời cho biết, hiện VCCI đã có kiến nghị các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, mới nhất, trong văn bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ.
Song song đó, để nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực trong năm 2023 từ các trụ cột đầu tư - xuất khẩu - tiêu dùng, thực hiện đạt các chỉ tiêu Quốc hội đã giao cho Chính phủ trong năm 2023 là tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát 4,5%, GDP bình quân đầu người khoảng 4.400 USD. Bên cạnh các chỉ đạo sát sao và chủ trương, chính sách kiến tạo môi trường kinh doanh của Chính phủ, ông Võ Tân Thành khẳng định, rất cần sự nỗ lực tiếp tục của cộng đồng doanh nghiệp để “vượt cơn gió ngược”, với nhận diện đúng, trúng các yếu tố thách thức, khó khăn ở năm tới để có các kịch bản ứng phó, chủ động linh hoạt ngay từ bây giờ.
Với vai trò đồng hành với doanh nghiệp, Lãnh đạo VCCI khẳng định, VCCI đề cao sứ mệnh của mình góp phần “hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính” VCCI tiếp tục tổ chức các hoạt động tham vấn góp ý chính sách pháp luật; tập hợp và phản ánh ý kiến của doanh nghiệp, phản ánh và báo cáo kịp thời cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan.
Đặc biệt, VCCI cũng đẩy mạnh hoạt động định hướng, vận động xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Tăng cường kết nối doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp tham gia xây dựng và triển khai các quy hoạch, các liên kết kinh tế vùng và địa phương.
Có thể bạn quan tâm
13:30, 27/12/2022
11:00, 27/12/2022
03:30, 23/12/2022
19:06, 17/12/2022
17:27, 17/12/2022