Dù Biển Đông có dậy sóng!

SÔNG HÀN 15/11/2020 06:00

Biển, đảo không phải lúc nào cũng yên bình và dù Biển Đông có dậy sóng thế nào đi nữa thì Việt Nam vẫn luôn giữ vững lập trường của mình.

“Hai bên cần tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế UNCLOS 1982”.

Đó là một trong những phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 37 dưới sự chủ trì của nước Chủ tịch ASEAN Việt Nam.

Điều này cho thấy Việt Nam vẫn luôn giữ vững lập trường của mình ở Biển Đông trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động.

“Biến động” đầu tiên về Biển Đông mà chúng ta không thể không nói đến là cuộc bầu cử Mỹ. Dư luận ai cũng đồn đoán chính sách về Biển Đông của Trump và Biden sẽ thay đổi.

Nhưng kỳ thực, dù ai thắng thì 1 thực tế của Mỹ không bao giờ thay đổi, Mỹ luôn tuân thủ câu: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn – chỉ có Lợi ích Quốc Gia là vĩnh cửu”.

Song, dù ai nắm quyền tại Mỹ thì Việt Nam vẫn là nước được Mỹ tôn trọng trong chiến lược phát triển kinh tế lẫn an ninh-quốc phòng.

“Biến động” thứ hai, Trung Quốc thời gian qua liên tục tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một lần hoạt động ở Biển Đông. Ảnh: REUTERS

Mới đây, ngày 4/11 vừa qua, Trung Quốc công bố dự thảo sửa đổi luật dành cho lực lượng hải cảnh của nước này đã được trình bày. Trong đó, điểm nổi bật là hải cảnh có trách nhiệm xua đuổi tàu thuyền các nước khác, thậm chí sử dụng vũ khí nhằm vào tàu các nước khác ở khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Việc sử dụng vũ khí có thể được thực thi khi tàu nước ngoài không đáp ứng yêu cầu của hải cảnh Trung Quốc.

Theo nhận định của các chuyên gia quốc tế, đây chỉ là chiêu trò luật pháp mà Trung Quốc đưa ra như trên thì thực tế cũng là một hình thức “quân sự hóa” bằng lực lượng dân sự, khiến tình hình Biển Đông càng thêm phức tạp.

Trước đó, ngày 8/10, Đài CGTN của Trung Quốc đăng tải đoạn video có nội dung “khoe” rằng máy bay tiêm kích của nước này vừa bay liên tục 10 tiếng ở Biển Đông. “Kỷ lục” trước đó của không quân Trung Quốc ở vùng biển này là 8 tiếng 30 phút.

Hoặc cuối tháng 8 vừa qua, Trung Quốc đã phóng ra Biển Đông tên lửa Đông Phong 26B (DF-26B) - loại tên lửa được Trung Quốc tự tin đặt cho danh xưng “sát thủ tàu sân bay”.

Sáng 26/8, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang tới khu vực biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Đông Phương).

Sáng 26/8/2020, quân đội Trung Quốc đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm từ Thanh Hải và Chiết Giang tới khu vực biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam (Ảnh: Đông Phương).

Liên quan đến vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thế Phương thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định trên báo Tuổi trẻ: “Bản thân cuộc tập trận của Trung Quốc đã là một thông điệp, nhưng các hoạt động trong cuộc tập trận đó mới quyết định sức nặng của thông điệp muốn gởi. Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26B như báo Hong Kong đã nói là một động thái bất ngờ, nhưng thông điệp vẫn như cũ: cảnh báo Mỹ và chứng minh năng lực, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Trung Quốc”.

“Biến động” thứ ba mà chúng ta không thể không đề cập đó là nội bộ của ASEAN về lập trường Biển Đông chưa có sự thống nhất để đưa ra một bộ quy tắc chung buộc các quốc gia phải tuân thủ, trong đó có Trung Quốc. 

Nhưng cho dù biến động thế nào đi nữa, chúng ta đều phải ghi nhận một điều rằng, biển, đảo Việt Nam không chỉ trải suốt dọc chiều dài đất nước hàng ngàn cây số bờ biển, với hàng ngàn hòn đảo từ Bắc vào Nam, mà ở sâu trong tiềm thức người Việt gắn với truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và văn hóa biển đặc sắc.

Nói cách khác, trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, đặc biệt là những ngư dân bao đời gắn bó với nghề biển, những vùng biển như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, biển Tây Nam… là ngư trường truyền thống, là chốn mưu sinh, là máu thịt không thể tách rời của đất mẹ Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta đã có sức mạnh quốc tế rất mạnh mẽ để chia sẻ trong vấn đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo. Hơn nữa, khi Việt Nam đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên nên những nước muốn quậy phá phải suy nghĩ, kiềm chế lại.

Có thể nói,  biển, đảo không phải lúc nào cũng yên bình và dù Biển Đông có dậy sóng thế nào đi nữa. Thì với mỗi người dân Việt Nam, chủ quyền và sự vẹn toàn lãnh thổ quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Vì thế, quân và dân ta luôn trong tâm thế sẵn sàng đứng lên đấu tranh, không quản ngại hy sinh để giữ bình yên cho biển đảo, bảo vệ biên cương tổ quốc.

Có lẽ, tuyên ngôn về chủ quyền đất nước “Nam quốc sơn hà” ngàn năm trước đã được các thế hệ người Việt tiếp nối, “sắt son lời thề giữ biển”.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam hoan nghênh châu Âu giải quyết vấn đề Biển Đông theo UNCLOS

    04:30, 02/10/2020

  • Tranh chấp Biển Đông: Trung Quốc, Philippines “đồng sàng dị mộng”

    06:00, 30/09/2020

  • Gác tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc: Philippines đang bị "dắt mũi"?

    14:31, 29/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Lan toả sức mạnh chính nghĩa!

    05:01, 23/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông: Trung Quốc ngày càng bất lợi!

    05:30, 21/09/2020

  • Cuộc chiến pháp lý trên Biển Đông ngày càng "gay cấn"

    07:03, 20/09/2020

  • Trung Quốc đang làm cạn kiệt hải sản ở Biển Đông như thế nào?

    05:00, 17/09/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dù Biển Đông có dậy sóng!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO