Quý cuối cùng của năm 2023, các địa phương, doanh nghiệp sản xuất đang nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
>>> Thận trọng với giá hàng hoá tăng mạnh cuối năm
Thời điểm này là lúc nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch dự trữ hàng hóa cho muà cao điểm mua sắm cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến sức mua đợt cao điểm này sẽ tăng từ 15-30% tùy từng mặt hàng nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định thị trường. Các địa phương cũng đang nỗ lực kết nối cung cầu hàng hóa, qua đó vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, vừa tránh tình trạng giá cả các mặt hàng thiết yếu bị tăng đột biến.
>>> Cơ hội xuất khẩu hàng hoá toàn cầu
Theo phản hồi của một số siêu thị, dự kiến số lượng hàng hóa tiêu dùng cho dịp cuối năm và cận Tết sẽ tăng từ 10-15%, các mặt hàng bánh kẹo là nhóm hàng có giá trị và có sức tiêu thụ lớn rồi sau đó đơn vị sẽ lên kế hoạch từ sớm với các nhà cung ứng để đảm bảo nguồn hàng. Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều chương trình khuyến mãi đã kích cầu được người tiêu dùng trong nước, góp phần ổn định thị trường.
Cụ thể, theo Giám đốc Siêu thị Co.opmart SCA Victoria, ông Trần Hoàng cho biết, bằng các giải pháp của Chính phủ cũng như sự nỗ lực chia sẻ khó khăn của nhà bán lẻ, nhà cung ứng giúp thị trường có từng bước phát triển. Hi vọng dịp mua sắm cuối năm sẽ kích cầu giúp lượng tiêu thụ hàng hóa thị trường trong nước tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ.
Là thành phố có thị trường tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông sản, hàng hóa. Sở công thương thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đã triển khai các chương trình bình ổn thị trường cuối năm. Dịp Tết năm nay với 9 mặt hàng thiết yếu do đó các mặt hàng tiêu dùng yêu cầu doanh nghiệp dự trữ sẽ cao gấp 3 lần thông thường.
>>> Xuất khẩu hàng hoá có tín hiệu “ấm dần”
Theo đó, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhận định, mục tiêu của thành phố Hà Nội là tiếp tục kích cầu tiêu dùng để tăng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn thành phố. Đồng thời kết nối cung cầu để đảm bảo cân đối nguồn hàng phục vụ nhu cầu chuẩn bị Tết Dương lịch và Âm lịch 2024.
“Ngay từ đầu quý 2, Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu cho thành phố để triển khai chương trình bình ổn thị trường, chương trình kích cầu tiêu dùng. Đồng thời tổ chức các sự kiện kết nối giao thương và xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp tại Hà Nội cũng như những tỉnh thành khác. Đặc biệt là tập trung vào những tháng có mùa vụ cao điểm như mùa vụ trái cây, nông sản hoặc là những dịp thị trường có biến động lớn, khan hiếm về nguồn cung lương thực thực phẩm nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ”, bà Lan nhận định.
Còn tại Đà Nẵng, đại diện Sở Công Thương Đà Nẵng chia sẻ bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa, Đà Nẵng cũng lên phương án bình ổn thị trường. Điểm đặc biệt trong năm nay là không chỉ bình ổn mặt hàng thịt lợn mà còn bình ổn nhiều loại hàng hóa khác.
Hay như Thành phố Hồ Chí Minh, với tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ luôn chiếm từ 20-30% cả nước, thành phố được đánh giá là thị trường tiêu thụ lớn, kết nối hoạt động xuất nhập khẩu trong và ngoài nước.
Đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thông tin trong quý 3/2023, sở công thương đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá, trong đó 30% tham gia với mức giảm giá trên 50%.
“Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ vận động hệ thống phân phối tham gia chương trình này đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024. Thêm nữa, thành phố sẽ liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho cuối năm và dịp Tết,” đại diện Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tiêu dùng mặt hàng nông sản chất lượng ngày càng cao, khách hàng có xu hướng dần chuyển sang tiêu thụ những mặt hàng ngon, an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng vào đảm bảo những yêu cầu khắt khe về dinh dưỡng. Đặc biệt trước thực trạng phức tạp về buôn lậu gia súc, gia cầm tại một số tỉnh phía bắc và phía nam thời gian qua thì các sản phẩm như thịt, thực phẩm chế biến có tem nhãn, có truy xuất nguồn gốc được bán tại các siêu thị đang ngày càng được quan tâm.
Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: “Cục Chăn nuôi luôn luôn theo sát và chỉ đạo các địa phương để làm sao đảm bảo nguồn cung cho tiêu thụ trong nước. Đặc biệt vào những tháng cuối năm, chúng tôi rất coi trọng vấn đề này nhằm đảm bảo nguồn cung dịp Tết Nguyên Đán. Đến giờ phút này đàn vật nuôi của Việt Nam vẫn đảm bảo nguồn cung cho người tiêu dùng dịp Tết nếu không có biến động lớn hoặc là ảnh hưởng từ dịch bệnh thì nguồn cung không đáng lo ngại”.
Trước đó, tại thông báo số 419 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá về kết quả công tác quản lý điều hành giá 9 tháng đầu năm 2023 và định hướng công tác quản lý điều hành giá những tháng cuối năm. Trong đó nhấn mạnh các bộ ngành, đơn vị liên quan thực hiện đánh giá nhu cầu và khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp sản xuất, dự trữ cũng như điều tiết hàng hóa phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thị trường phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Có thể bạn quan tâm
15:09, 05/10/2023
02:50, 07/10/2023
11:15, 20/09/2023
03:30, 19/09/2023