Các loại hình lưu trú như homestay mọc lên như nấm, nếu không có sự định hướng, quản lí từ cơ quan chức năng, loại hình du lịch này rất dễ rơi vào cảnh sớm nở tối tàn.
Những năm gần đây, hình thức du lịch cộng đồng đã và đang phát triển mạnh ở một số địa phương.Tây Nguyên vùng trũng nhưng lại có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển loại hình du lịch này.
Homestay có thật sự là sản phẩm du lịch cộng đồng?
Mấy năm trở lại đây, Kon Tum trở thành điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách. Theo chị Vũ Hồng - du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: "Tôi chọn homestay Làng Hồ làm điểm đến trong hành trình du lịch. Sau hơn 3 ngày tại Kon Tum, tôi đã có cơ hội trải nghiệm cách pha cà phê, thăm quan các làng người Banah dọc sông Đắk Bla. Ở đây, bạn có thể tự nấu ăn, tự làm mọi thứ, có thể phụ chủ nhà làm mọi việc. Mình thích nơi nghỉ dưỡng yên tĩnh, vắng người, có nhiều nét văn hóa đặc sắc như Kon Tum”, chị Vũ Hồng chia sẻ.
TP. Kon Tum là một trong những cái tên được cộng đồng du lịch, đặc biệt là các bạn trẻ ưa chuộng. Mô hình nghỉ dưỡng Homestay được chọn làm nơi gặp gỡ của những người đam mê du lịch.
Chị Lê Trang - Chủ homestay Nhà Suối cho hay: Khách du lịch đến đây còn có thể lựa chọn phương thức cắm trại, sát theo bờ suối, câu cá, dã ngoại theo nhóm hoặc gia đình. Có thể nói, đêm về là khoảng thời gian thú vị nhất tại homestay. Lửa trại được đốt lên, những món ăn dân giã, đậm chất Tây Nguyên được bày dọn. Du khách có thể bên nhau, nướng bắp, ăn thịt hun khói và cùng thưởng thức hương vị rượu cần.
Với những tour du lịch như thế này, du khách không cần thuê hướng dẫn viên bởi nhiều chủ homestay là một người am hiểu về văn hóa, thông thuộc về địa hình. Họ sẵn lòng dẫn khách du lịch tìm hiểu về đời sống sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Banah và trải nghiệm những món ăn mang đậm phong vị của người địa phương.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Kon Tum, năm 2018 Kon Tum đón gần 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng gần 100.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2017 (tăng 30, 38%); trong đó lượng khách quốc tế đạt trên 180 nghìn lượt, tăng 45, 51% so với năm trước; tổng doanh thu chuyên ngành ước đạt gần 254 tỷ đồng, tổng thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt hơn 866 tỷ đồng, tăng 14,33% so với năm 2017.
Nguy cơ sớm nở tối tàn
Các tỉnh vùng Tây Nguyên bên cạnh những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, hệ thống hang động núi lửa, các thác nước hùng, người dân Tây Nguyên còn sở hữu “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu phi vật thể nhân loại. Văn hóa cồng chiêng gắn liền với sự đa dạng về văn hóa của gần 50 dân tộc anh em, với những giá trị độc đáo về kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, lễ hội…
Theo đó, thể hiện đời sống, sinh hoạt văn hóa và phong tục tập quán phong phú của dân cư bản địa. So với các loại hình du lịch khác, du lịch homestay đem lại lợi ích kinh tế trực tiếp cho người dân, góp phần giảm nghèo và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, người sáng lập Công ty TNHH MTV Măng Đen Đại Ngàn huyện Kon Plông (Kon Tum), cho biết trên địa bàn huyện Kon Plông có Làng du lịch cộng đồng Kon Bring, đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Tuy nhiên, thời điểm mới bắt đầu thực sự rất khó khăn, bởi đồng bào Mơ Nâm ở đây rất rụt rè, chưa quyết tâm đầu tư phát triển kinh tế du lịch.
"Để người dân bản địa có khả năng khái thác lợi thế du lịch Tây Nguyên, chính quyền địa phương phải huấn luyện từng gia đình, động viên và hướng dẫn tận tình từ việc hướng dẫn khách tham quan, chế biến thức ăn, sửa soạn chỗ ngủ, nghỉ nghơi cho khách", chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho biết thêm: "Thực tế, phong trào phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại Tây Nguyên mới chỉ ở giai khởi đầu, nặng tính tự phát và thiếu tính liên kết. Các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các làng văn hóa du lịch còn đơn điệu, cơ sở vật chất để phục vụ du khách còn chưa được đầu tư bài bản và còn thiếu đội ngũ hướng dẫn viên chuyên nghiệp".
Đơn cử như tại tỉnh Gia Lai hay Kon Tum, du lịch cộng đồng hiện mới chỉ dừng ở bước lưu trú qua đêm, thưởng thức ẩm thực và giao lưu văn nghệ. Bên cạnh đó, các sản phẩm quà lưu niệm chủ yếu là các nông sản, đồ thủ công mỹ nghệ…
Du lịch cộng đồng nói riêng, ngành du lịch nói chung phát triển bền vững, các tỉnh vùng Tây Nguyên cần những đầu tư bài bản, dài hơi, qua đó từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Kon Tum cho biết: Do còn mới mẻ nên loại hình du lịch này vẫn chưa chuyên nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ có những đánh giá chung hơn nữa về du lịch cộng đồng để có những đề xuất hỗ trợ và có đầu tư hợp lý. “Việc xuất hiện loại hình lưu trú công cộng homestay không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh, mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo được sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Hoàng chia sẻ.