Ngành du lịch Kiên Giang đã và đang tiếp tục bứt phá để xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Đến nay, Kiên Giang đã thu hút 285 dự án đầu tư du lịch với tổng diện tích 9.439 ha và tổng vốn đầu tư là 336.806 tỷ đồng… Riêng địa bàn Phú Quốc, có 240 dự án đầu tư du lịch (chiếm 84% dự án đầu tư toàn tỉnh), với diện tích 8.608 ha và tổng vốn đầu tư là 327.568 tỷ đồng…
Ưu đãi thu hút du lịch vùng trọng điểm
Theo đại diện Sở Du lịch Kiên Giang, Phú Quốc được Chính phủ quy hoạch là khu du lịch quốc gia, được ưu tiên đầu tư để đến năm 2020 trở thành Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng mang tầm quốc gia, khu vực và quốc tế nên được áp dụng mức ưu đãi đầu tư cao nhất. Tuy nhiên, nhiều địa bàn còn lại trong tỉnh chưa được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư dành cho địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thực tế, Kiên Giang là tỉnh có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch nhưng lại thuộc khu vực biên giới, hải đảo nên khi lập dự án đầu tư cần phải chú ý đến các quy định về an ninh quốc phòng, về bảo vệ rừng. Ngoài Phú Quốc, các vùng còn lại do kết cấu hạ tầng còn khó khăn nên nhà đầu tư còn ngần ngại.
Nhận thấy rõ điều này, bên cạnh việc kêu gọi đầu tư, tỉnh cũng đã tập trung đầu tư nhiều công trình lớn tại các vùng này như: đưa điện lưới quốc gia ra một số đảo chính của Hà Tiên (Hòn Tre lớn), Kiên Lương (6 đảo của xã Sơn Hải), Kiên Hải (Hòn Tre, Hòn Sơn)... Sắp tới, Kiên Giang kêu gọi đầu tư vào một số hòn đảo của quần đảo Nam Du; đầu tư đường vòng quanh đảo, hồ chứa nước ngọt của một số đảo có tiềm năng du lịch; xây dựng một số công trình phục vụ phát triển du lịch tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, khu du lịch Hòn Phụ Tử, đường vào hang Mo So...
Với những nỗ lực trên, sau Phú Quốc, các vùng du lịch này sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các nhà đầu tư để phát triển các khu du lịch còn lại trong tỉnh.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách hút đầu tư
Trong những năm tới để du lịch Kiên Giang thực sự là điểm nhấn, nhằm “hút” đầu tư, phát triển du lịch, ông Trần Chí Dũng - GĐ Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, Sở đã trình UBND tỉnh nhiều chương trình nhằm hút du lịch vào tỉnh như: Duy trì, mở rộng phát triển thị trường khách theo hướng chiến lược tập trung vào đối tượng khách mục đích du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển đảo, du lịch văn hóa, lưu trú dài ngày, có khả năng chi trả cao... Đồng thời, đưa chất lượng sản phẩm du lịch đảm bảo độc đáo, đa dạng, có giá trị cao, có sức cạnh tranh và định vị được thương hiệu
Thực hiện kiểm soát dòng vốn đầu tư vào du lịch; vốn vay ODA đối với 2 tiểu dự án hạ tầng phục vụ du lịch; quan tâm ban hành chính sách có khả năng huy động nguồn lực tài chính để hướng đầu tư vào hoạt động du lịch hoặc ngành, lĩnh vực liên quan phục vụ du lịch.
Mới đây, Tỉnh ủy Kiên Giang ban hành Nghị quyết số 03, "Về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030", theo đó, các tuyến giao thông kết nối với các điểm du lịch như đường hành lang ven biển phía nam, đường Hồ Chí Minh (Lộ Tẻ - Rạch Sỏi), quốc lộ 63 (Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu)… được nâng cấp, mở rộng, xây mới góp phần thúc đẩy phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, Kiên Giang tiếp tục hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch tại các địa bàn du lịch như: U Minh Thượng, Hòn Ðất, Kiên Lương, Hà Tiên. Đồng thời, xây dựng một số trung tâm, khu, điểm du lịch, các tua, tuyến du lịch ở Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá, Hòn Ðất, Kiên Hải, U Minh Thượng…