Hà Nội luôn là thành phố đi đầu trong các hoạt động kích cầu, xúc tiến du lịch và "gặt gái" được nhiều kết quả ấn tượng, đặc biệt là thu hút lượng được khách quốc tế đột biến so với năm 2022.
Một trong những điểm mạnh của Du lịch Hà Nội phải kể đến sự kết nối chặt chẽ và đa dạng hoá các tour tuyến trong Hà Nội và các tỉnh thành lân cận.
Trong đó, theo Sở Du lịch Hà Nội, huyện Sóc Sơn đang nằm trong phạm vi nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của TP Hà Nội đến năm 2030. Huyện Sóc Sơn được nhìn nhận là vùng đất có giá trị tài nguyên du lịch lớn cả về thiên nhiên và văn hóa.
Trong đó, cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan được xác định là một trong 6 cụm du lịch trọng điểm của Hà Nội với các sản phẩm du lịch chủ yếu như du lịch văn hóa, tâm linh gắn với hội Gióng và hệ thống đền chùa, các công trình tôn giáo, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cuối tuần gắn với hồ Đồng Quan, hồ Đồng Đò, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, trường đua ngựa Sóc Sơn.
Dự kiến quy mô buồng phòng của cụm du lịch núi Sóc - hồ Đồng Quan đến năm 2030 là 5.000 buồng phòng.
Ông Bùi Đức Thuận - Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội -cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp, đồng hành cùng huyện Sóc Sơn triển khai nhiều kế hoạch, trong đó ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở lưu trú cao cấp (khách 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn) dọc tuyến Nhật Tân - Nội Bài, đường Vành đai 4, khu vực núi Sóc - hồ Đồng Quan…
Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ phối hợp xây dựng các tuyến du lịch kết nối điểm đến trong khu vực 3 huyện (Sóc Sơn - Mê Linh - Đông Anh), các điểm đến tại các quận, huyện lân cận và các tỉnh, thành phố khác để hình thành các tuyến du lịch hoàn chỉnh, có thời gian lưu trú dài ngày.
Ông Thuận cho biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ hỗ trợ huyện Sóc Sơn tổ chức các đoàn famtrip với sự tham gia của các đơn vị lữ hành để khảo sát điểm đến, xây dựng sản phẩm mới.
Trong đó, các đơn vị sẽ đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và du lịch tâm linh, quảng bá các sản phẩm OCOP, ẩm thực gắn với du lịch, tiêu biểu.
Với sự nỗ lực trong việc đa dạng hoá sản phẩm, tận dụng và phát huy những tiềm năng về văn hoá lịch sử vốn có, Du lịch Hà Nội đã tiếp tục nhận được "trái ngọt" với kết quả sau 9 tháng đầu năm.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,9 triệu lượt khách. Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 3,2 triệu lượt khách, tăng 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng thu từ du lịch ước đạt 69,3 nghìn tỉ đồng, tăng 66,9% với cùng kỳ năm trước.
Chỉ tính riêng trong tháng 9.2023, Thủ đô Hà Nội đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 37,6% so với cùng kỳ 2022.
Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 397,2 nghìn lượt khách, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Số lượng khách du lịch nội địa ước đạt 1,65 triệu lượt khách, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu ước đạt khoảng hơn 7,76 nghìn tỉ đồng.
Cũng trong tháng 9, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn ước đạt 57,6%, tăng 13,8% so với cùng kỳ. Ước 9 tháng đầu năm 2023, công suất trung bình khối khách sạn đạt 61%, tăng 27% so với cùng kỳ, cho thấy số lượng khách lưu trú tại Hà Nội đã tăng lên.
Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội - cho biết, nhằm thu hút khách du lịch, Sở đang triển khai kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đêm Hà Nội, gắn với sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực tại khu vực Hoàn Kiếm.
Theo đó, trong tháng 10 và tháng 11, Sở Du lịch sẽ tổ chức Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội 2023, Festival Áo dài du lịch Hà Nội 2023, chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch thể thao, vui chơi giải trí Hà Nội và chuỗi hoạt động chuyên đề sản phẩm du lịch sinh thái Hà Nội.
Cùng với đó, Hà Nội khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các cơ sở dịch vụ du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo thu hút khách du lịch.
Có thể bạn quan tâm
01:00, 07/09/2023
01:00, 28/07/2023
16:56, 09/06/2023
02:30, 01/06/2023