Chuyên gia du lịch cho rằng, sản phẩm du lịch lặn biển là một sản phẩm không mới, nhưng ngày càng thu hút được giới trẻ và du khách nước ngoài lựa chọn.
>>Quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam tại Hàn Quốc
Hiện nay, có 2 loại hình lặn biển cơ bản là lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) và lặn với ống thở (free diving). Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và hầu hết các khu du lịch biển nổi tiếng đều đã có các trung tâm mở khóa đào tạo lặn chuyên nghiệp, cung cấp đồ lặn tiêu chuẩn quốc tế, cấp chứng chỉ của Hiệp hội Hướng dẫn viên lặn biển chuyên nghiệp thế giới (PADI) hoặc Hiệp hội Lặn biển quốc tế (SSI). Còn nếu không theo đuổi bộ môn này lâu dài và chuyên nghiệp, du khách vẫn có thể lựa chọn các tour lặn tại vùng nước nông theo kiểu "check-in", có đội ngũ hướng dẫn an toàn và phục vụ quay phim, chụp ảnh.
PGS-TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Không phải ngẫu nhiên, Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng, du lịch biển đảo là một trong 4 dòng sản phẩm chính của du lịch Việt Nam. Phát triển du lịch biển đảo chính là mỏ vàng của ngành kinh tế xanh”.
>>Đề xuất Úc nới lỏng visa thị thực cho người Việt Nam
Ở góc độ kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho biết, theo thống kê, trên 70% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo; 28 tỉnh, thành phố giáp biển đóng góp 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành. “Qua thực tế kinh doanh dịch vụ du thuyền tại vịnh Lan Hạ, vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang và sắp tới là Phú Quốc, chúng tôi nhận thấy, du khách trong nước và quốc tế có nhu cầu nghỉ dưỡng biển đảo rất lớn, nhưng chúng ta mới chỉ khai thác được một phần nhỏ giá trị biển đảo để phát triển du lịch”, ông Phạm Hà nói.
Với đường bờ biển dài, Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điểm đến có cảnh đẹp và dịch vụ lặn được du khách trong nước và quốc tế yêu thích. Có thể kể đến như: Nha Trang (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Yến (Phú Yên), Côn Ðảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi), đảo Hòn Khô (Bình Ðịnh), vịnh Vĩnh Hy (Ninh Thuận)...
Du lịch lặn biển được biết đến nhiều ở Việt Nam một phần cũng nhờ những tương tác trên mạng xã hội. Không ít khách du lịch tham gia các tour lặn biển vì đam mê những khung hình lung linh ấn tượng của thế giới trong lòng biển cả. Tuy nhiên, lặn biển được xếp vào loại thể thao mạo hiểm, ngay cả khi đã tập luyện nhiều thì môi trường biển cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố không ổn định với người lặn.
Nhưng cũng vì vậy, du lịch lặn biển vẫn mang đến những chuyến phiêu lưu gây “nghiện”, thu hút một cộng đồng đông đảo. Trên mạng xã hội, đã có hơn 20 hội nhóm quy tụ những người tham gia lặn biển. Nhóm đông nhất với gần 10.000 thành viên thường xuyên chia sẻ địa điểm đẹp, kinh nghiệm lặn, nơi cung cấp thiết bị, trung tâm dạy lặn có chứng chỉ uy tín.
Sở hữu đường bờ biển dài, nhiều hệ sinh thái đảo và vịnh biển phong phú cùng bản sắc văn hóa duyên hải đậm đà, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng không nhỏ để phát triển sản phẩm du lịch lặn biển. Năm 2020, tạp chí Forbes (Mỹ) gọi tên Nha Trang trong top 10 điểm đến không thể bỏ qua của các “tín đồ” lặn biển.
Năm 2023, trang tin du lịch uy tín ở châu Âu Traveldudes tôn vinh Việt Nam là một trong những nơi lặn biển hấp dẫn nhất hành tinh với ít nhất bốn điểm lặn tuyệt đẹp là Nha Trang, Phú Quốc, Côn Ðảo, Cù Lao Chàm. Dưới làn nước trong xanh, hệ sinh thái biển với những rạn san hô muôn hồng nghìn tía, cánh đồng rong óng ả, các loài hải quỳ, tôm cá đa dạng... khiến du khách say mê. Mỗi vùng biển mang những đặc trưng riêng về sinh thái, sinh hoạt. Khách lặn biển có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi trải nghiệm khác như chèo ván đứng (SUP), lướt sóng, tham quan làng chài, thưởng thức ẩm thực địa phương...
Tại Quảng Ninh, hoạt động lặn biển ngắm san hô ở huyện Cô Tô được cấp phép thu hút hàng trăm du khách thích thú tham gia. Đây là hoạt động lặn biển duy nhất ở miền Bắc được cấp phép và do Công ty TNHH Khám phá Cô Tô thiết kế tour cho du khách.
TS. Phạm Hồng Long cho rằng, Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 20% bãi biển dọc đất nước, tập trung chủ yếu ở những điểm đến đã phát triển du lịch từ lâu như vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Lăng Cô, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc. Điều này khiến dịp cao điểm, những vùng biển này bị quá tải, kéo theo nhiều hệ luỵ về văn hóa kinh doanh, suy thoái môi trường, xung đột về sử dụng tài nguyên biển, lạm phát giá… Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch nói chung, cho du lịch biển đảo nói riêng thời kỳ hậu Covid-19 thiếu về số lượng, yếu về kỹ năng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả khai thác. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch lặn biển là một sản phẩm không mới, nhưng ngày càng thu hút được giới trẻ và du khách nước ngoài lựa chọn.
Do đó, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy mạnh khai thác các tour đường thuỷ có quy mô lớn để phục vụ du khách Việt đi du lịch bằng đường biển ở cả trong nước và ra nước ngoài. Cùng với đó, kết hợp thêm nhiều sản phẩm tham quan các địa điểm du lịch nổi tiếng đi kèm, trong đó không thể thiếu tour lặn biển ngắm san hô.
Có thể bạn quan tâm
17:27, 24/06/2024
02:00, 21/06/2024
15:47, 20/06/2024
02:00, 20/06/2024