Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành du lịch vẫn là ngành có tỷ lệ tăng trưởng tốt trong các khối ngành kinh tế ở Tây Nguyên.
>>Quảng Ninh: Thí điểm du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số
Trong 6 tháng đầu năm, thành phố Buôn Ma Thuột ghi nhận lượng khách đến khoảng 520.000 lượt. Trong đó, khách quốc tế khoảng 3.560 lượt, khách trong nước hơn 516.440 lượt, tổng doanh thu ước tính 412 tỉ đồng. Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Buôn Ma Thuột, ông Phạm Tiến Hưng, “thành phố đã ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc thù, trải nghiệm khác biệt nhằm phục vụ khách du lịch, phù hợp với thị trường và nâng cao khả năng cạnh tranh.”
Hiện, trên địa bàn thành phố có 247 cơ sở lưu trú du lịch, 10 khu - điểm du lịch, 28 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành đủ khả năng phục vụ được các sự kiện quốc tế, các lễ hội, hội thảo quốc gia và nhiều sự kiện khác với khoảng 10.000 lượt khách tại một thời điểm.
Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng đến nay đã đón hơn 4,5 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, đạt trên 53 % kế hoạch và tăng hơn 21% so cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 41,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng dịch vụ lưu trú, du lịch, ăn uống đạt hơn 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 7,6%.
Các tỉnh còn lại như Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng vượt so với cùng kỳ. Các tỉnh này đều có sự gia tăng loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm, mạo hiểm ngày càng phát triển trên địa bàn và thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
Trưởng Phòng Quản lý du lịch- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Đỗ Văn Minh cho biết: “Để quản lý hiệu quả, tăng tính chuyên nghiệp cho các loại hình, sản phẩm du lịch, tỉnh đã xây dựng đề án đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Chú trọng phát huy tiềm năng, thế mạnh của loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Đồng thời tăng cường các giải pháp để siết chặt, tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu rủi ro đối với các loại hình du lịch thể thao mạo hiểm. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý cho du lịch thể thao, mạo hiểm phát triển bền vững, gắn kết và tạo giá trị cho cộng đồng, người dân địa phương.”
>>Tiềm năng du lịch mạo hiểm vùng Tây Nguyên
Đại diện Công ty TNHH du lịch Ngọc Linh Kon Tum, ông Nguyễn Ngọc Long nói “Du lịch Tây Nguyên đang có những định hình phát triển mới. Và được kỳ vọng là ngành kinh tế mũi nhọn trong khu vực. Hiện nay chúng tôi cũng đang rất bận rộn với những tour du khách đặt, mặc dù là mùa mưa. Điều này cho thấy sự hấp dẫn riêng của tỉnh Kon Tum cũng như các tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên.”
Mới đây, cuối tháng 7/2023 cụm thi đua ngành VHTTDL các tỉnh Tây Nguyên gồm Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai họp và đều thống nhất cho rằng lượng khách du lịch đến khu vực tăng so với cùng kỳ. Năm tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Mỗi tỉnh sẽ đưa ra những chính sách để các tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư đều nhận được ưu đãi.
Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và du lịch Havi Travel, ông Phạm Đình Hoàng nói “trời đất đã ban cho Tây Nguyên một khu rừng nguyên sinh, một văn hoá bản địa, một hệ thống ẩm thực hoàn toàn khác biệt đầy chất riêng của người dân tộc thiểu số. Cho nên điểm đến Tây Nguyên trong một thời gian không xa sẽ là điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.”
Đánh giá về sự phục hồi của ngành du lịch, Viện nghiên cứu du lịch xã hội đánh giá các tỉnh vùng Tây Nguyên đã triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Tiềm năng du lịch mạo hiểm vùng Tây Nguyên
01:30, 09/07/2023
Bắc Ninh lấy lại đà tăng trưởng du lịch
09:30, 14/03/2023
Việt Nam lọt top các điểm đến có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới
10:54, 20/08/2022
Quảng Ninh: Thí điểm du lịch cộng đồng từ các làng dân tộc thiểu số
02:30, 04/08/2023