Du lịch Việt Nam trước tiềm năng thị trường khách tàu biển

Kiều Vũ 16/11/2018 01:04

Đường bờ biển dài với tiềm năng cảng nước sâu cùng nhiều điều kiện là lợi thế để Việt Nam phát triển du lịch tàu biển tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức và hạn chế.

Theo Tổng cục Du lịch, trong vòng 5 năm từ 2013-2018, số lượt khách tàu biển thế giới đã tăng khoảng 24% từ 21 triệu lượt lên khoảng 26 triệu lượt năm 2018. Trong đó, lượng khách đến du lịch tàu biển đến khu vực châu Á tăng trưởng trung bình đạt 23% từ 1,51 triệu lượt năm 2013 lên khoảng 4,26 triệu lượt năm 2018. Năm 2017 lượng khách tàu biển khu vực châu Á đạt 4,052 triệu lượt.

Bà Trương Thị Thu Hương- Vụ lữ hành, Tổng cục du lịch Việt Nam cho biết theo nghiên cứu xu hướng thị trường khách du lịch tàu biển khu vực châu Á cho thấy châu Á là điểm đến được yêu thích của nhiều thị trường nguồn gửi khách như Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc…nhờ tính hấp dẫn của sự khác biệt văn hóa, lịch sử đa dạng tại các điểm dừng chân…

Thống kê cũng cho thấy, thị trường nguồn quan trọng của tàu biển châu Á chính là lượng khách đi trong nội vùng.Hiện cứ 10 khách du lịch tàu biển tại châu Á thì có 9 khách xuất phát từ châu Á.

Đại biểu tham gia đông đảo tại Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/11

Đại biểu tham gia đông đảo tại Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển tổ chức tại Đà Nẵng ngày 15/11

Nếu năm 2013 có 802 lượt chuyến tàu với hành trình từ các cảng với 1,4 triệu khách thì đến 2018, đã có 1.922 lượt chuyến tàu đi trong nội vùng với 4,26 triệu lượt khách.

Theo bà Hương, điều này cho thấy lợi thế về thị trường gửi khách gần đem lại nhiều cơ hội cho du lịch Việt Nam, “do đó cần phải quan tâm đến nhu cầu của khách tàu biển châu Á với các hành trình ngắn ngày trong chiến lược phát triển du lịch tàu biển”.

Bà cũng đưa ra con số ấn tượng về lượng khách Trung Quốc đang chiếm tới 60% nguồn khách du lịch tàu biển, tiếp đến là Đài Loan chiếm 9,2%; Singapore 6,6%; Nhật Bản 6,5%; Hồng Kông  chiếm 5,7%, Malaysia chiếm 4,6%; Ấn Độ chiếm 4,2%...

Nếu như trước đây, khách du lịch tàu biển thường là người trung lưu trở lên, đã nghỉ hưu thì hiện nay khách có xu hướng trẻ hóa, ngoài ra còn một lượng khách đi theo gia đình, nhóm bạn bè.

Để đáp ứng xu hướng du lịch tàu biển ngày càng gia tăng, đội tàu du lịch biển phát triển ngày càng hiện đại, khả năng chuyên chở ngày càng lớn, năm 2018 tổng số tàu khách du lịch trên toàn thế giới là 314 tàu. Sự phát triển của hệ thống cảng biển và điểm đến đã tạo nên sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến để thu hút khách nhưng cũng đồng thời tạo ra xu hướng liên kết để tạo ra hành trình, tuyến du lịch tàu biển có tính đa dạng, mang lại nhiều trải nghiệm cho du khách.

Có thể bạn quan tâm

  • Hạ Long: Chi Hội tàu du lịch kiến nghị tạm hoãn tổng kiểm tra

    07:15, 13/11/2018

  • Busan giúp Thái Bình tư vấn thiết kế dự án du lịch, dịch vụ đường biển

    06:00, 13/11/2018

  • Quảng Ninh: Hoãn tổng kiểm tra tàu du lịch sang tháng thấp điểm

    16:43, 13/11/2018

  • Khu nghỉ dưỡng tuyệt đẹp bên biển Đà Nẵng được World Luxury Hotel Awards 2018 vinh danh

    10:32, 15/11/2018

Sản phẩm du lịch tàu biển đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, thể hiện tính tiện nghi, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa và du lịch MICE…

Theo đó, xu hướng phát triển của du lịch tàu biển khu vực châu Á đang đem lại đồng thời cả cơ hội và thách thức cho du lịch tàu biển Việt Nam, Tổng cục Du lịch nhận định.

Cơ hội” đó là “thị trường khách gần, phát triển mạnh mẽ, chi phí rẻ, dễ kết nối trong hành trình du lịch tàu biển”. Tuy nhiên, Việt Nam cũng sẽ đối mặt  với sự cạnh tranh gay gắt về điểm đến trong thu hút khách tàu biển.

Hơn nữa, là một nước đang phát triển, Việt Nam gặp thách thức trong việc đáp ứng sự phát triển hiện đại của các hãng tàu quốc tế cũng như của các quốc gia có điều kiện hạ tầng và kết nối công nghệ tốt trong phát triển du lịch tàu biển.

Vấn đề đặt ra Việt Nam sẽ phải liên kết với các hãng tàu, các điểm đến, các trung tâm trung chuyển khách để khẳng định vai trò điểm đến đón khách trong hành trình du lịch tàu biển trong khu vực.

Khó khăn thực tế, theo như bà Hà Bích Liên – Cố vấn hãng tàu Royal Carribean International: “Việt Nam hiện tại chưa có được một cảng để đón tàu khách thực sự”.

Bất lợi tiếp theo được Tổng cục Du lịch nhìn nhận và các diễn giả nêu lên chính là sản phẩm du lịch phục vụ khách tàu biển còn nghèo nàn, thiếu tính đa dạng.

Thêm vào đó, công tác tuyên truyền xúc tiến quảng bá chưa được đầu tư hệ thống, dài hạn; Việc tiếp cận thông tin với các hãng tàu biển du lịch thế giới chưa chủ động…

Để phát huy được thế mạnh, tận dụng được cơ hội thu hút khách, nâng tầm cho du lịch Việt lên một tầm cao mới, theo các đại biểu chúng ta cần khắc phục hạn chế về đầu tư cảng biển, tập trung khai thác thị trường khách đúng định hướng; nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch tàu biển có điểm nhấn là sự khác biệt về văn hóa, di sản, ẩm thực, mua sắm….

Hội nghị quốc tế về phát triển du lịch tàu biển lần này được Sở Du lịch TP Đà Nẵng tổ chức với sự tham dự của đại diện Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý du lịch các tỉnh thành, các hãng tàu, công ty du lịch chuyên khai thác khách tàu biển, hãng hàng không…Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, Hội nghị là cơ hội gặp gỡ, giao lưu, liên kết giữa các hãng tàu, các công ty lữ hành quốc tế với các đơn vị kinh doanh thương mại, đầu tư và du lịch trên địa bàn thành phố, còn nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến du lịch tàu biển Đà Nẵng đến khách thị trường tàu biển thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Du lịch Việt Nam trước tiềm năng thị trường khách tàu biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO