Việt Nam có tiềm năng to lớn trong số hóa ngành y tế, tạo cơ sở dữ liệu cho phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những thách thức.
Dữ liệu là yếu tố tối quan trọng để phát triển AI, vì AI xoay quanh dữ liệu được số hóa, không có dữ liệu sẽ không thể có AI. Hiện nay, Việt Nam có tiềm năng không nhỏ trong lĩnh vực số hóa, có được điều này là nhờ trong thời gian qua, tốc độ phát triển internet cùng với số lượng các thiết bị di động kết nối mạng ngày càng gia tăng. Hơn 90% dân số có điện thoại di động và hơn phân nửa dân số tiếp cận internet.
Là một trong những quốc gia đang phát triển có tỉ lệ ứng dụng IT cao nhất thế giới nhưng chi phí lại vào hàng thấp nhất, Việt Nam không chỉ đang tiến nhanh trên con đường trở thành nền kinh tế số mà còn có tiềm năng cực lớn trong số hóa ngành y tế. Theo các chuyên gia y tế và công nghệ thông tin, việc số hóa ngành y tế sẽ là bệ phóng cho một nền y tế tiên tiến hiện đại, từ đó, bệnh nhân sẽ là những người được hưởng lợi đầu tiên.
Tuy nhiên, tiềm năng là vậy nhưng theo Tiến sĩ Loke Wai Chiong, chuyên gia tư vấn lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tập đoàn Deloitte, cho biết: để ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào lĩnh vực y tế của Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức. "Thách thức đầu tiên để có thể áp dụng AI ở Việt Nam là quá trình số hóa dữ liệu còn diễn ra chậm. Các bệnh viện vẫn sử dụng nhiều sổ sách trong khi bước đầu tiên để ứng dụng trí tuệ nhân tạo là cần phải có cơ sở dữ liệu số cấp quốc gia" – TS. Loke cho biết.
Trên thực tế, số hóa ngành y tế mang lại những lợi ích vô cùng to lớn, tuy nhiên, để thực hiện được điều này hoàn toàn không dễ, đòi hỏi phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan, một lộ trình rõ ràng, cụ thể và sự chỉ đạo quyết liệt.
Theo các chuyên gia, cùng với sự nỗ lực của Nhà nước, những năm gần đây đã ghi nhận những tín hiệu vui khi nhiều cơ sở y tế, các doanh nghiệp cũng đã có những cố gắng không ngừng trong việc ứng dụng số hóa. Có thể kể đến thẻ khám chữa bệnh thông minh, khoa khám bệnh thông minh, bệnh viện không phim, bệnh án điện tử…
Nắm bắt được những thách thức trước mắt trong việc ứng dụng AI vào điều trị y tế, Bộ Y tế đã khuyến khích các bệnh viện trên cả nước cần chuẩn bị nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để đáp ứng được việc cập nhật những hệ thống AI vào công tác khám chữa bệnh, qua đó, đưa Đề án Y tế thông minh sớm đi vào thực tiễn. Sử dụng công nghệ tạo động lực, nhu cầu lưu giữ dữ liệu sức khỏe của mỗi cá nhân. Từng cá nhân cũng có quyền truy cập dữ liệu riêng của mình, quyền chuyển dữ liệu của họ sang một thực thể hoặc cá nhân khác và quyền phản đối việc xử lý dữ liệu của người bệnh.
Bộ y tế đã đề xuất xây dựng 3 chương trình y tế điện tử đến năm 2020 bao gồm chương trình 1 là: Xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai thống kê y tế điện tử để từng bước hình thành trung tâm dữ liệu quốc gia về y tế.
Chương trình 2: Thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử (y bạ điện tử), bệnh án điện tử và phần mềm quản lý trạm y tế xã theo tiêu chuẩn chung để bảo đảm kết nối liên thông các phần mềm này với nhau và với giám định khám chữa bệnh BHYT.
Chương trình 3: Xây dựng và vận hành hệ thống dịch vụ công trực tuyến một cửa Bộ Y tế, thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.
Tiến sĩ Loke cho rằng, trong tương lai không xa, AI tạo chắc chắn sẽ tạo ra những thay đổi vô cùng lớn trong lĩnh vực y tế. Bất cứ quốc gia nào cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nếu có tầm nhìn và áp dụng bài bản từng bước, Việt Nam sẽ sớm tận dụng được công nghệ tiên phong này để nâng cấp hệ thống chăm sóc y tế của mình.