Dài tới 71 chữ, đó là dự luật “sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại một số luật.
Dự luật sửa đổi một số luật như Luật Hóa chất; Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; Luật An toàn thực phẩm; Luật Dược; Luật Công chứng; Luật Trẻ em; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Khoa học và công nghệ; Luật Xây dựng; Luật Quy hoạch đô thị”.
Tại phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội ngày 16/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển giải thích rằng: tên luật như thế để cụ thể vì liên quan tới Luật Quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 01/1/2019, có tới 25 luật cần phải sửa đổi, bổ sung.
Còn đó nỗi lo cục bộ
Sửa đổi, bổ sung các luật là cần thiết bởi quy hoạch từ lâu vốn là một trong những vấn đề nhức nhối đến mức ngay cả Thủ tướng cũng phải than: “Đất nước gì mà tới 20.000 quy hoạch”. Dù đến 01/1/2019, Luật Quy hoạch mới có hiệu lực, nhưng những gì mà Luật Quy hoạch đặt ra chắc sẽ ngăn chặn được tình trạng quy hoạch “băm nát” đất nước.
Điều đáng tiếc nhất thật ra vẫn là, Luật Quy hoạch đến khi được Quốc hội thông qua đã không giữ được tinh thần ban đầu. Bởi theo đúng nguyên tắc thị trường, những quy hoạch duy ý chí, bất chấp thực tế vẫn còn cơ hội “lọt khe” khi điều 27 của Luật Quy hoạch cho phép các quy hoạch như xây dựng, sản phẩm, ngành… kỹ thuật đặc thù có thể tuân thủ pháp luật chuyên ngành.
Ngay từ cái tên dự luật rất dài là một ví dụ cho việc
sẽ khó có thể đả thông được tư tưởng cho các đại biểu nhìn về cùng một hướng trong lĩnh vực quy hoạch nếu tư duy quy hoạch không thay đổi.
Cũng chính vì vậy mà tại phiên họp ngày 16/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn nhắc Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng về điều này liên quan tới quy hoạch xây dựng. Có thể, đó là một sự thỏa hiệp khi các quy hoạch xây dựng dù rất nhiều, tốn kém ngàn tỷ nhưng vẫn bị vi phạm triền miên. Lợi ích từ quy hoạch xây dựng như được quy định trong Luật Xây dựng có thể có nhiều, nhưng lợi ích ấy là chung hay riêng vẫn là câu chuyện chưa được “bật mí”.
Chỉ có điều, trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch trước đây, các thành viên Chính phủ không hiểu sao vẫn có những ý kiến gay gắt, trái chiều mà phần nhiều dư luận đồn đoán là do lợi ích cục bộ. Đến nỗi một vị thứ trưởng Bộ KH&ĐT, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Quy hoạch đã phải nói thẳng trước UB Thường vụ Quốc hội: “Các anh chỉ khư khư giữ lợi ích của mình”.
Cũng tại phiên họp nói trên, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội đều tỏ ra quan tâm, băn khoăn về những khái niệm mới như “quy hoạch vùng tỉnh, liên huyện”. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn yêu cầu UB Kinh tế thẩm tra thật kỹ vấn đề này. Bởi ông lo ngại nếu không làm rõ nội hàm thì có thể những khái niệm ấy sẽ gây khó khăn cho các địa phương khi mà quy hoạch xây dựng dường như không bị chi phối bởi Luật Quy hoạch.
Thực ra, như Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh thừa nhận tại phiên họp, ngay cả bà cũng không thể “hình dung” nổi quy hoạch vùng tỉnh sẽ đồ sộ như thế nào và muốn làm rõ cần phải có thời gian nghiên cứu sâu. Điều đó cũng có nghĩa là, hệ quả mà các loại quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch xây dựng gây ra cho quốc gia là đều đáng phải bàn đến.
Sửa tư duy quy hoạch
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lúc thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình dự luật này đã nói đến một tinh thần tiến bộ. Đó là: Dự luật này sẽ Bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân hoặc sửa đổi tên các quy hoạch ngành bảo đảm phù hợp với danh mục quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Phụ lục I của Luật Quy hoạch.
Mặt khác, dự luật cũng bảo đảm duy trì các mục tiêu, yêu cầu về chính sách quản lý nhà nước của các ngành, tính ổn định, đồng bộ của hệ thống pháp luật và có xem xét đến các yếu tố đặt thù của lĩnh vực. Bảo đảm đủ căn cứ pháp lý để bổ sung nguồn kinh phí đầu tư công trung hạn giai đoạn 2017-2020 cho công tác lập quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030.
Mục tiêu quan trọng và rõ ràng là thế, tuy vậy, những điều chỉnh về kỹ thuật trong dự luật đối với 13 luật hôm nay, và các luật khác sau này chắc hẳn cần đến một cú hích khác. Đó là “sửa đổi, bổ sung” về tư duy quy hoạch. Quá khứ đã có hàng mấy chục ngàn quy hoạch, ngốn mất hàng chục ngàn tỷ đồng, cả chi phí hiện hữu và chi phí cơ hội. Điều này hẳn nhiên là một sự lãng phí mà nếu chỉ có một dự luật thì thật sự không thể giải quyết nổi.
Kỳ họp tới đây, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các bộ liên quan sẽ phải giải trình. Nhưng sẽ khó có thể đả thông được tư tưởng cho các đại biểu nhìn về cùng một hướng trong lĩnh vực quy hoạch nếu tư duy quy hoạch không thay đổi. Ngay cả cái tên dự luật rất dài là một ví dụ.