Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 24 với việc góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến Luật Quy hoạch.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật Hóa chất, Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, Luật An toàn thực phẩm, Luật Dược, Luật Công chứng, Luật Trẻ em, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị.
Đây là lần góp ý cuối cùng trước khi dự thảo văn bản này được trình lên Quốc hội xem xét, thông qua. Mặc dù tính đến thời điểm hiện tại, văn bản này đã trải quan rất nhiều lần góp ý, đóng góp ý kiến từ các cơ quan liên quan thường vụ. Song vẫn còn nhiều băn khoăn lo ngại về sự chồng chéo, tính thống nhất sự phù hợp.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Vì Luật Quy hoạch liên quan đến một số bộ chuyên ngành thì đã thống nhất chưa? Những điều Uỷ ban Kinh tế thẩm tra và cho biết thì Chính phủ đã bàn hay chưa? Bây giờ sửa liệu đã bao quát được hết và phù hợp với tinh chất chuyên ngành của xây dựng hay chưa?
Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì cho rằng, Chính phủ cần phải rõ nội hàm của nó là cái gì, và rất chi tiết ra đây. Còn nếu lại quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thì rất chồng chéo lên nhau. “Tôi sợ nhất khi chưa nghĩ kỹ vấn đề này thì chính chúng ta lại làm khó cho các tỉnh”, ông Hiển nói.
Trả lời trước những thắc mắc trên, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Xây dựng vùng, tỉnh thực chất là luật chuyên ngành đang còn các ý nghĩa trong thực tế. Nếu quy hoạch vùng của chúng ta lập mà không đủ chi tiết để quản lý một đô thị, một tỉnh thì chúng tôi thấy rằng để lại là cần thiết".
Trước đó, tại cuộc họp Chính phủ mới đây về dự thảo này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tin vào quyết tâm với dự thảo sẽ giúp bỏ đi phần lớn trong 19.285 bản quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là đất đai, sản phẩm và xây dựng…
Những bản quy hoạch chồng chéo gây lãng phí, cát cứ và là thành trì cuối cùng của nền kinh tế kế hoạch hóa mà các Chính phủ gần đây đã nhận ra và muốn thay đổi. Nếu muốn tồn tại, các bản quy hoạch đó phải tích hợp với nhau để tạo ra sự phát triển thống nhất, liên thông.