Nghiên cứu - Trao đổi

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Quy định về trí tuệ nhân tạo còn nhiều tồn tại

Gia Nguyễn 03/04/2025 04:30

Nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, không ít ý kiến đề xuất xem xét lại các quy định liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, sau tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 09 Chương, 06 Mục và 60 Điều (giảm 13 Điều, 09 Mục so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8), quy định về các nội dung: Phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, khu công nghệ số tập trung, cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-2.4.1.jpg
Sau tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 09 Chương, 06 Mục và 60 Điều (giảm 13 Điều, 09 Mục so với Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8) - Ảnh minh họa: ITN

Tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của Dự thảo Luật, tuy nhiên, liên quan đến các quy định về trí tuệ nhân tạo, không ít ý kiến đã đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc.

Cụ thể, về phân loại, xác định Danh mục hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao trong ngành, lĩnh vực, Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng quy định rõ phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo bao gồm: rủi ro cao; tác động lớn; không phải rủi ro cao và hệ thống trí tuệ nhân tạo khác. Việc phân loại dựa trên các tiêu chí cơ bản 7 theo kinh nghiệm của Liên minh Châu Âu và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc phân chia cần được xác định theo một tiêu chí để từ đó có biện pháp quản lý phù hợp.

Đại biểu đề nghị tham khảo cách thức phân chia theo 4 mức độ rủi ro trong đạo luật về trí tuệ nhân tạo năm 2024 của Liên minh châu Âu. Đó là mức một rủi ro không thể chấp nhận là cấm hoàn toàn, mức 2 là rủi ro cao là quy định nghiêm ngặt, mức 3 rủi ro hạn chế là yêu cầu minh bạch và mức 4 là rủi ro thấp thì cho tự do phát triển.

du-thao-luat-cong-nghiep-cong-nghe-so-2.4.2.jpg
Liên quan đến các quy định về trí tuệ nhân tạo, tham gia góp ý, nhiều ý kiến đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét, sửa đổi - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, cũng đề cập đến quy định tại Điều 53 Dự thảo Luật về phân loại các hệ thống trí tuệ nhân tạo, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho hay, khoản 1 Điều 53 quy định hệ thống trí tuệ nhân tạo rủi ro cao là hệ thống có khả năng gây ra những rủi ro, tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe con người, quyền và lợi ích của con người, lợi ích công cộng và trật tự an toàn xã hội.

Khoản 3 Điều 53 quy định hệ thống trí tuệ nhân tạo có tác động lớn là hệ thống có số người sử dụng đăng ký lớn, số lượng tham số lớn, khối lượng tính toán được sử dụng để đào tạo lớn.

Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật không quy định rõ thế nào là rủi ro cao, tổn hại nghiêm trọng, không hiểu được số lượng quy mô thế nào được gọi là lớn.

Vì vậy, nữ đại biểu đề nghị xem xét giao Chính phủ quy định chi tiết các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao quy mô số lượng như thế nào là lớn để đảm bảo vận dụng được trong thực tiễn. Đồng thời cho rằng, cần bổ sung những nguyên tắc quản lý hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể bao gồm các nguyên tắc như nguyên tắc công bằng và không thiên vị, nguyên tắc an toàn và độ tin cậy, nguyên tắc riêng tư và bảo vệ dữ liệu và nguyên tắc kiểm soát con người.

Ngoài những vấn đề đã nêu, tham gia góp ý Dự thảo Luật mới đây, liên quan đến dán nhãn sản phẩm do trí tuệ nhân tạo, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Điều 45 Dự thảo yêu cầu sản phẩm do hệ thống trí tuệ nhân tạo tạo ra phải có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng dường như chưa phù hợp vì có nguy cơ lỗi thời trước khi kịp ban hành.

Theo VCCI, hiện nay, công nghệ dán nhãn sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra có những phát triển tiên tiến, trong đó cho phép dán nhãn bằng định dạng máy có thể đọc được mà không cần hiển thị trực tiếp cho con người như SynthID hoặc C2PA.

Do vậy, để đảm bảo tính khả thi và sức sống của quy định, VCCI đề nghị sửa đổi theo hướng việc dán nhãn công nghệ thực hiện bằng định dạng máy có thể đọc được và có thể phát hiện do trí tuệ nhân tạo tạo ra hoặc can thiệp.

Cùng với đó, góp ý quy định về trách nhiệm của chủ thể phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo, VCCI cũng cho biết, về chủ thể, Điều 46.1 Dự thảo đặt ra trách nhiệm chung với chủ thể phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo là chưa phù hợp vì phạm vi quá rộng, bao hàm nhiều chủ thể khác nhau. Trong khi một hệ thống trí tuệ nhân tạo gồm nhiều thành phần khác nhau gồm: mô hình trí tuệ nhân tạo, dữ liệu đầu vào, phần cứng (trung tâm dữ liệu, robot), giao diện tương tác với người dùng… việc phát triển một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể đòi hỏi sự tham gia của nhiều chủ thể khác nhau.

Theo VCCI, thực tế, chỉ có chủ thể chịu trách nhiệm phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo mới kiểm soát mô hình này và có khả năng thực hiện các nghĩa vụ này. Do vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng chủ thể là “nhà phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo”.

Ngoài ra, Điều 46.1.b yêu cầu các nhà phát triển mô hình trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm bảo quyền riêng tư, thông tin cá nhân, giải quyết kịp thời các yêu cầu của cá nhân theo pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

“Quy định này không phù hợp với cách thức huấn luyện mô hình AI hiện nay. Một doanh nghiệp phát triển mô hình AI sử dụng dữ liệu công khai trên internet, việc bảo vệ quyền riêng tư và giải quyết các yêu cầu về thông tin cá nhân là không khả thi. Hơn nữa, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân cũng đang soạn thảo và dự kiến thông qua vào 05/2025”, VCCI cho hay.

Đồng thời đề nghị, để tránh chồng chéo và tính khả thi của quy định, nên bỏ quy định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số: Quy định về trí tuệ nhân tạo còn nhiều tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO