Là một trong những vấn đề nhức nhối nhiều năm qua, nội dung về thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của dư luận…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất
Theo đó, vấn đề về thu hồi đất, bồi thường khi thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của dư luận. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng, không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất, từ đó, để đảm bảo sự minh bạch, tránh việc khiếu nại kéo dài, nhiều ý kiến đề xuất, Dự thảo Luật (sửa đổi) cần giải thích rõ ràng, thuyết phục về thu hồi đất.
Thực tế, Báo cáo của Chính phủ tháng 9/2022 vừa qua cho thấy, so với giai đoạn 2011 - 2016, số lượt người đến cơ quan hành chính Nhà nước các cấp để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng 67,6%; số lượt đoàn đông người tăng 9,2%, nhưng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước giảm 16,1%. Trong đó, khiếu nại giảm 4,8% số đơn và 25,7% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước; tố cáo tăng 112,5% số đơn và 31,3% số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính Nhà nước.
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực hành chính có nội dung khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện theo các quy định của pháp luật về đất đai trước thời điểm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực…
>> Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
Từ thực trạng đã nêu, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật sư Trần Hữu Huỳnh - nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, không nên quy định Nhà nước thu hồi đất để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vì đây là nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện nhiều nhất.
“Nhà nước đầu tư công để làm dịch vụ công không vấn đề gì, nhưng đến đoạn phát triển, tôi băn khoăn nhất là thu hồi cho các dự án phát triển thương mại. Việc mất cán bộ, mất đảng viên, nằm rất nhiều trong quy chế này”, Luật sư Huỳnh nêu ý kiến.
Do đó, Luật sư Huỳnh đề nghị, cần phải giải thích rõ ràng, thuyết phục về thu hồi đất vì lợi ích cộng đồng của quốc gia, dân tộc. Nếu không giải thích được, thì cần có một cơ chế bồi thường, hỗ trợ riêng đối với các dự án phát triển thương mại. Còn đối với trường hợp thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại, cần quy định các dự án này phải gắn với điều kiện có sự đồng thuận của trên 80% hộ gia đình có đất bị thu hồi…
Cũng theo Luật sư Huỳnh, trong cách tiếp cận Dự thảo Luật đối với thu hồi đất chỉ tiếp cận theo khía cạnh vật chất, không tiếp cận theo khía cạnh tinh thần, tình cảm, đời sống của gia đình bị thu hồi.
Dẫn 2 câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở/Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”, Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho hay, thu hồi cả tâm hồn của người ta mà chỉ tính bằng tiền, điều kiện vật chất sao, nếu đặt vấn đề một cách nhân văn như vậy thì phải coi người bị thu hồi đất thực sự là người hy sinh. Như vậy, phải làm một cách toàn diện chứ không phải cân đo, đong đếm, để tránh xảy ra khiếu nại, khiếu kiện sau này.
Đồng tình với quan điểm của Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nêu những bất cập của Luật đất đai năm 2013 gây ra những hậu quả to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, ông Lưu Bình Dưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, đây là một trong những môi trường rất thuận lợi để cán bộ, công chức thoái hóa biến chất thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.
“Có lẽ không có tham nhũng nào lớn bằng tham nhũng đất đai và không có lãng phí nào lớn bằng lãng phí về đất đai. Do đó, không thể không nhanh chóng thông qua Luật đất đai (sửa đổi) vì đây là vấn đề rất bức thiết”, ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo ông Nhưỡng, vướng mắc, khiếu kiện nhiều nhất hiện nay là vấn đề thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc. Việc này mang lại lợi ích cho cả đất nước, xã hội nhưng lại gây bất công cho chính người sử dụng đất vì cách thu hồi đất vì mục đích quốc gia, dân tộc là cách thu hồi nhanh nhất, dễ nhất, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng nhất, nhưng giá trị mang lại cho người sử dụng đất lại ít nhất.
“Trong khi cả xã hội được hưởng lợi thì một bộ phận lại chịu thiệt thòi. Rõ ràng, câu chuyện đặt ra trong Dự thảo Luật lần này là phải đảm bảo cho người dân: có nơi ở, thu nhập, điều kiện sống. 3 vấn đề này thực ra vừa mang tính định tính, vừa mang tính định lượng, nhưng rõ ràng đây là điều vô cùng khó khăn. Đề nghị ghi vào trong Luật một cách rành rẽ vấn đề này”, ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị.
Cũng theo ông Nhưỡng, cần quy định việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, tái định cư được phê duyệt...
Bên cạnh những ý kiến đã nêu, PGS.TS Phạm Hữu Nghị - Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật cũng đề nghị, cần quy định cụ thể về các tiêu chí thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia. Nếu không ra được tiêu chí thì nên xem xét bỏ.
“Không thể bắt Nhà nước đứng ra thu hồi vì lợi ích của một nhóm nhà đầu tư”, PGS.TS Phạm Hữu Nghị bày tỏ.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần thiết xây dựng cơ chế phát triển quỹ đất
04:00, 21/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần quan tâm chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
11:50, 19/02/2023
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Cần làm rõ vấn đề thu hồi và giải quyết khiếu nại
04:00, 17/02/2023
Xem xét Dự án Luật Đất đai (sửa đổi): Có thể làm việc cả ngày nghỉ, giờ nghỉ
16:11, 07/02/2023
Lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi
01:00, 04/01/2023