NHNN đã mua được khoảng 6 tỷ USD từ đầu năm tới nay, đưa dự trữ ngoại hối khả năng hướng đến trở lại mức trên 3 tháng nhập khẩu.
>>Tỷ giá sẽ ổn định
Thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5.
Theo đó, kể từ khi tỷ giá giảm thấp, áp lực tỷ giá không còn căng, NHNN đã phát lệnh chào mua ngoại tệ để củng cố dự trữ ngoại hối từ cuối năm 2022, đồng thời tăng thêm thanh khoản cho các ngân hàng.
Với giá chào NHNN mua 23.450 đồng/USD duy trì suốt từ đầu năm đến nay, ước tính tương ứng 6 tỷ USD mua vào thì có khoảng 140.000 tỷ VND được bơm đối ứng vào hệ thống ngân hàng thông qua kênh mua ngoại tệ.
Nhiều tổ chức thống kê chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, NHNN đã mua vào được trên 4 tỷ USD ngoại hối.
Chứng khoán MB (MBS) ghi nhận riêng trong 2 tháng đầu năm, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ lớn lên tới 3,5 tỷ USD, khiến lượng dự trữ ngoại hối quốc gia nhanh chóng được bổ sung đáng kể, sau chuỗi ngày phải bán ra nhằm bình ổn thị trường tỷ giá và tạo ra lượng tiền đồng dồi dào trong hệ thống thanh khoản.
FIDT cho rằng trong 3 tháng, lượng dự trữ ngoại hối được củng cố thêm 4 tỷ USD và dự báo, tháng 4 trở đi cũng là cơ hội để nhà điều hành tăng thêm lượng mua, bơm tiền qua kênh đối ứng khi kinh tế Trung Quốc tiếp tục giúp Việt Nam hưởng lợi ở 2 vế: xuất khẩu tăng và khách du lịch inbound tăng.
Dự trữ ngoại hối tăng, bù đắp dần khoảng hụt mà NHNN đã bán để can thiệp tỷ giá vào quý III và đến tháng 10 năm trước, khiến ước tính đã có khoảng hơn 20 tỷ USD từ quỹ dự trữ bị bán đi, giúp bộ đệm dự trữ để sẵn sàng chống mọi cú sốc bất ổn tài chính đến từ bên ngoài mạnh mẽ hơn, cũng giúp cơ quan quản lý thêm dư địa để giải quyết áp lực căng của lãi suất.
Thông qua kênh mua ngoại tệ và qua thị trường mở với các biện pháp trung hòa trên thị trường, xu hướng bơm ròng của NHNN đã đưa lãi suất liên ngân hàng ổn định ở mức thấp so với năm trước. Thanh khoản của hệ thống NHTM ổn định, dồi dào hơn, cộng hưởng cùng 2 đợt hạ lãi suất điều hành, là điều kiện để các nhà băng hạ lãi suất đầu vào trên thị trường 1.
>> Hạ lãi suất cho vay để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp
Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động chung của tất cả các tổ chức tín dụng của nền kinh tế giảm khoảng 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung của các ngân hàng trong cả hệ thống khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn. Đây cũng là những ngân hàng chủ lực, có vai trò định hướng thị trường, phần lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%.
Hiện nay, theo thống kê của NHNN, những khoản tiền gửi mới và những khoản tiền cho vay mới vừa được thực hiện thì lãi suất tiền gửi bình quân là 6,0-6,1% (cộng tất cả kỳ hạn lại chia bình quân); cho vay khoảng từ 9-9,2%.
Đáng chú ý, ghi nhận trên thị trường, các NHTM đã bắt đầu có tín hiệu vào đợt hạ lãi suất mới. Ghi nhận tại tuần tháng 5, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm của các ngân hàng đã về dưới 9%, với HDBank duy trì hấp dẫn nhất ở 6,6%, tiếp đó là VietBank với 8,5%.
Áp dụng cho nhiều hạn mức tiền gửi, OCB và ACB có lãi suất 8,4%/năm, theo sau là NCB với 8,3%/ năm; và VIB với 8,2%/ năm có điều kiện đi kèm.
7,2% năm được nhóm Big4 Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank áp dụng chung cho kỳ hạn 1 năm.
Lãi suất tiền gửi từ trên 12 tháng vẫn có nhóm nhà băng duy trì từ 9% như: ABBank áp dụng mức lãi suất 9,0-9,2%/năm cho khách hàng gửi theo hình thức online; OCB áp lãi suất 9,1%/năm khi khách hàng gửi online kỳ hạn từ 13 tháng trở lên; HDBank áp dụng lãi suất 9%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, hình thức tiết kiệm trực tuyến...
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng với các điều kiện vĩ mô và tín dụng hiện tại, khi lạm phát thấp và tăng trưởng kinh tế vẫn đang rất cần động lực hỗ trợ từ cả tài khóa lẫn tiền tệ, với dự trữ ngoại hối mạnh lên, có dư địa để NHNN tiếp tục hạ lãi suất, thúc đẩy các NHTM hạ tiếp lãi suất đặc biệt hạ lãi vay.
Chuyên gia của MSVN dự báo NHNN có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất trong cuối quý II.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB nhận định với Diễn Đàn Doanh Nghiệp là khả năng các NHTM phải hạ lãi suất xuống thấp hơn nữa, khoảng 1% ngay tới đây, có thể xảy ra.
Dù vậy, những bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là biến động mới từ khủng hoảng hệ thống ngân hàng của Mỹ, cũng được lưu ý là tín hiệu cần theo dõi và NHNN Việt Nam khó có thể mạnh tay với tiền tệ, giữ sự thận trọng nhất định để chủ động ứng phó phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
Fed tăng lãi suất, TTCK Việt Nam không chịu ảnh hưởng
05:30, 05/05/2023
Vietcombank tiếp tục giảm đồng loạt lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng trong năm 2023
17:15, 04/05/2023
Vàng tăng dựng đứng sau động thái tăng lãi suất của Fed
12:00, 04/05/2023
Tăng lãi suất thêm 0,25%, Fed chưa có quyết định cuối cùng về thắt chặt tiền tệ
06:00, 04/05/2023
FED tăng lãi suất: Vòng tròn luẩn quẩn!
04:30, 04/05/2023