Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng tiếp lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, kéo dài chuỗi tăng lãi suất lần thứ 10 kể từ tháng 3 năm trước.
>>Mong manh hy vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed
Với lần tăng lãi suất này, sau cuộc họp 2 ngày, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã nâng biên độ lãi suất cơ bản lên khoảng 5% - 5,25%.
Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Jerome Powell, Chủ tịch FED cho biết: “Kể từ đầu năm ngoái, lãi suất cơ bản đã tăng 5% nhằm đảm bảo chính sách tiền tệ hướng tới đưa lạm phát trở lại 2%. Chúng tôi sẽ có cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để xác định liệu có cần siết chặt chính sách nữa hay không trong thời gian tới”.
Lãi suất của Fed hiện gần bằng với mức trước thềm cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ 16 năm trước và ở mức mà phần lớn các quan chức Fed dự đoán hồi tháng 3/2023 là đủ hạn chế để đưa lạm phát trở về mức mục tiêu.
Theo Fed nhận định, tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện vẫn ở mức khiêm tốn, nhưng những diễn biến gần đây có thể khiến các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, gây áp lực lên hoạt động kinh tế, tuyển dụng lao động và lạm phát.
APNews đưa tin, khi được hỏi liệu lãi suất cơ bản của Fed hiện có đủ cao để kiềm chế nền kinh tế và kiềm chế lạm phát hay không, ông Powell đã nói, “Chúng ta có thể không còn xa nữa - hoặc thậm chí có thể ở mức đó.”
Cũng theo hãng tin AP, Việc Fed tăng lãi suất kể từ tháng 3 năm 2022 đã làm tăng hơn gấp đôi lãi suất thế chấp, làm tăng chi phí cho vay mua ô tô, vay thẻ tín dụng và vay kinh doanh, đồng thời làm tăng nguy cơ suy thoái. Kết quả là doanh số bán nhà đã sụt giảm. Động thái mới nhất của Fed, nâng lãi suất chuẩn lên khoảng 5,1%, có thể làm tăng thêm chi phí đi vay.
>>Trước thềm tăng lãi suất, Fed thừa nhận thất bại với khủng hoảng ngân hàng
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý I đã giảm và có dấu hiệu suy thoái nhẹ. Bất chấp Chủ tịch Fed cho hay là cơ quan này chưa có quyết định cuối cùng về việc có ngừng tăng lãi suất hay không nhưng vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu thấy cần thiết trong thời gian tới, thị trường và nhà đầu tư vẫn tin rằng khủng hoảng ngân hàng với cuộc sụp đổ mới nhất của First Republic Bank, cũng như tăng trưởng kinh tế Mỹ đang bị đe dọa, sẽ khiến Fed sẽ phải giải quyết bài toán cắt đà tăng lãi suất kéo dài.
Bên cạnh đó, bài toán về giới hạn vay của quốc gia, giới hạn mức nợ mà chính phủ có thể phát hành, cũng đang gây áp lực lên Fed. Đầu tuần này, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo rằng quốc gia có thể vỡ nợ ngay sau ngày 1 tháng 6 trừ khi Quốc hội đồng ý dỡ bỏ giới hạn vay liên bang. Một vụ vỡ nợ lần đầu tiên đối với khoản nợ của Hoa Kỳ có khả năng dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vì lẽ đó, thị trường cũng đang tự hỏi về thời điểm nào Fed sẽ dừng tăng lãi suất. Một thống kê ghi nhận kể từ năm 1994 đến nay, chu kỳ tăng lãi suất của Fed sau thời gian dừng lại 10 tháng, thì NHTW này mới bắt đầu thực thi cắt giảm lãi suất.
Đón thông tin Fed tăng lãi suất, cả 3 chỉ số chứng khoán của Mỹ đóng cửa đều giảm điểm.
Sau Fed tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang đối mặt với bài toán tăng lãi suất, 0,25 điểm phần trăm hay 0,50 điểm phần trăm, trong bối cảnh chỉ số CPI vừa tăng trở lại và lạm phát vẫn ở mức 7%.
Có thể bạn quan tâm