Chính quyền cần xây dựng kế hoạch hành động để Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sớm đi vào cuộc sống.
Đó là khẳng định của TS. Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế TW tại Hội nghị “Phổ biến Luật Hỗ trợ DNNVV – Những điểm mới trong chính sách áp dụng cho Hiệp hội, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể” do Chi nhánh VCCI tại Nghệ An phối hợp với Sở Tư pháp Nghệ An tổ chức ngày 12/7/2018 tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã được TS. Phan Đức Hiếu phổ biến những nội dung liên quan đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) như: Những quy định hỗ trợ chung và hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo; tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; quỹ phát triển DNNVV…
“Chi nhánh VCCI Nghệ An và các Hiệp hội Doanh nghiệp tại địa phương cần kiến nghị với chính quyền về việc thảo luận, xây dựng kế hoạch hành động để triển khai Luật, làm cho Luật thực sự đi vào cuộc sống. Cần điều tra, xác định những điểm yếu, hạn chế của DNNVV tại Nghệ An. Từ đó xác định nhu cầu hỗ trợ cũng như trọng tâm hỗ trợ để phát huy tác dụng tốt nhất, tránh hỗ trợ dàn trải, không đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành cần được tập huấn, đào tạo và hiểu rõ và đúng Luật, từ đó tham mưu tốt hơn cho UBND tỉnh trong việc xây dựng, thiết kế chương trình hỗ trợ”, TS. Hiếu thẳng thắn chia sẻ.
Phát biểu tham luận, ông Phan Duy Hùng – Đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An cho rằng, việc đồng hành, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng là mục tiêu trọng tâm, định hướng hoạt động của một Chính phủ kiến tạo. Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế” đã công nhận “doanh nhân là một đội ngũ”; Hiến pháp 2013 cũng đã hiến định vai trò đội ngũ doanh nhân, điều này thể hiện sự quan tâm, ghi nhận và đánh giá cao của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng này. “Luật Hỗ trợ DNNVV có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây chính là động lực phát triển và là yếu tố định hình kinh tế tương lai”, ông Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự Hội nghị còn được truyền đạt các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; các văn bản quy định chi tiết về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo…
Hội nghị cũng đã ghi nhận các ý kiến phát biểu của đại biểu tham dự, đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Nghệ An cho biết, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DNNVV trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh.Cụ thể như: giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/ năm xuống còn 6,5%/năm, giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên; cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV.
Ông Võ Minh, Giám đốc DNTN Võ Minh đánh giá cao Luật Hỗ trợ DNNVV có nhiều điểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện vẫn có một số Nghị định, Thông tư gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là Nghị định86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã thực sự gây phiền toái cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi là doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng, nộp thuế cao và đều đặn cho Nhà nước, nhưng Nghị định 86 đã như một rào cản, dồn doanh nghiệp vào thế rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị VCCI có kiến nghị với cơ quan cấp trên và Chính phủ xem xét và điều chỉnh cho phù hợp”, ông Minh kiến nghị.
18:31, 30/05/2018
13:27, 23/05/2018
05:54, 28/04/2018
14:10, 17/04/2018
01:07, 31/03/2018
10:19, 22/03/2018
13:00, 20/03/2018
18:40, 09/03/2018
Phó Chủ tịch Hội DNNVV Nghệ An, ông Nguyễn Đức Tuyến cho biết, Nghệ An hiện có khoảng trên 13 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó các DNNVV chiếm 97% và đang gặp nhiều khó khăn như: trình độ quản lý yếu kém, công nghệ lạc hậu, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế, hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng. Để Luật này thực sự có hiệu quả, chính quyền các cấp cần có các giải pháp tiếp theo hợp lý, nếu không cũng chỉ như “sao trên trời, để mà ngắm thôi”.
Luật Hỗ trợ DNNVV có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2018, với nhiều quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực. Một trong những điểm mới của Luật là hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Khu vực hộ kinh doanh cá thể hiện nay là một khu vực có số lượng rất lớn và có nhiều tiềm năng cho phát triển kinh tế, đóng góp nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Luật được thiết kế theo hướng các hỗ trợ trọng tâm tập trung cho ba đối tượng doanh nghiệp, gồm DNNVV được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.
Hội nghị với nội dung tương tự cũng đã được Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vào ngày 11/7/2018 tại TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.