Chia sẻ tại hội thảo Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/3, TS Vũ Tiến Lộc cho biết nếu không có đột phá về chính sách, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp tới 2020 khó có thể thực hiện.
Hội thảo Kinh tế Việt Nam diễn ra trong thời gian cả nước để quốc tang. Vì vậy, mở đầu Hội thảo Kinh tế Việt Nam, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI đã điều hành toàn thể quan khách, đại biểu tham dự trong khán phòng mặc niệm tưởng nhớ Cố Thủ tướng Phan Văn Khải- nhà lãnh đạo kỹ trị và là Người đã có công “trả lại” vị trí đúng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam với Ngày kỷ niệm 13/10 hàng năm.
Mong ước của cố Thủ tướng Phan Văn Khải về sự phát triển hiệu quả của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế, cũng được TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhắc lại trong khi bàn về các vấn đề kinh tế của Việt Nam năm nay và con đường phát triển của kinh tế tư nhân tương lai.
Kinh tế 2017: Niềm tin - Hy vọng - Cơ hội - Bứt phá
Dẫn dắt uyển chuyển theo trọng tâm bàn chính sách và vĩ mô trong phiên thảo luận đầu tiên, các câu hỏi dành cho các chuyên gia, nhà khoa học tham gia bàn tròn được TS Vũ Tiến Lộc đặt ra: Kinh tế Việt Nam 2017 có thể được tóm được trong cụm từ nào? Tỷ giá, lãi suất và các yếu tố tác động đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp năm nay, đặt trong bối cảnh Nghị quyết đầu năm của Chính phủ Việt Nam về định hướng hạ lãi suất trong nền kinh tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có kế hoạch tăng lãi suất đồng đô la Mỹ? CPTPP và chiến tranh thương mại mà Mỹ khởi xướng sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp?
TS Vũ Viết Ngoạn - Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, nếu nói gọn trong 1 từ, năm 2017, Chính phủ đã tạo niềm tin của nhà đầu tư - tạo động lực cho 2018.
Hy vọng, là quan điểm của TS Trần Du Lịch khi nhìn lại năm qua. "Ở những năm trước chúng ta luộn câu hỏi đặt ra là làm sao để kinh tế VN ít xấu nhất - bây giờ là câu hỏi làm sao để kinh tế VN tốt nhất. Cụm từ “hy vọng chuyển hướng” vì vậy đang được đặt ra. Theo chu kì 5 năm sau, có một thực tế là tăng trưởng kinh tế kém đi. Và bây giờ, chúng ta đang đứng trước cơ hội trở lại khi kinh tế Việt Nam có tín hiệu tốt lên. Rất hy vọng và hy vọng", thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng nói.
Cũng nhìn về 2017, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương chia sẻ ngắn gọn ở 2 từ "bứt phá". Từ đó, nhìn về 2018, ông khẳng định: "Chính phủ quyết tâm hành động, chúng ta đang trong giai đoạn tăng tốc, bứt phá".
Cơ hội, là chia sẻ của ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm TGĐ Cty TNHH KPMG Việt Nam. Ông nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn mà thực tế đã được mở ra bởi các FTA. "Việt Nam có rất nhiều FTA, gần nhất là CPTPP nhưng nhưng chưa sử dụng được hết. Đặc biệt là DN chưa nắm bắt hết", ông Warrick nói.
2018: Khu vực tư nhân tiếp tục bùng nổ
Theo TS Vũ Tiến Lộc, đóng góp cho tăng trưởng GDP của Việt Nam hiện nay đang có tới 40% từ khối kinh tế tư nhân. Tuy nhiên có 1 thực tế là chỉ 8% trong khối là thực sự doanh nghiệp và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. 32% còn lại được đóng góp từ các hộ kinh doanh cá thể, rất nhiều trong số đó quy mô nhưng không chịu "lên đời" doanh nghiệp. Do đó, xây dựng môi trường, chính sách ra sao để kích thích và đưa các doanh nghiệp này mở rộng quy mô là bài toán quan trọng.
Nhận định về vĩ mô trong nước 2018, các chuyên gia, diễn giả lạc quan thống nhất: Năm 2018, các yếu tố như lạm phát, lãi suất, tỷ giá, ít biến động. Áp lực lạm phát là có, dư địa để hạ lãi suất theo kỳ vọng hẹp và giữ được như 2017 là tích cực. Với tỷ giá của Việt Nam đã được giữ ổn định theo chính sách điều hành tỷ giá trung tâm, dự trữ ngoại hối cao, tác động từ quyết định tăng lãi suất của FED không cao.
Dù vậy, cơ hội vẫn đang luôn song hành với thách thức khi cùng với CPTPP mở ra nhiều thị trường mới cho Việt Nam theo nhận định của Warrick, là xu hướng "trở về bảo hộ" của Chính phủ Mỹ, đi ngược tự do hóa thương mại. Cụ thể như chính sách TS Vũ Tiến Lộc nêu và dẫn dắt về quyết định đánh thuế các dòng sản phẩm nhôm, thép vào Mỹ.
Theo TS Trần Du Lịch, Việt Nam hiện đang 700.000 doanh nghiệp hoạt động nhưng lớn chậm quá. Mặc dù các doanh nghiệp tư nhân được xác định là động lực nhưng vẫn lớn chậm, mà để họ lớn hơn, phải có niềm tin. Đó là môi trường chính sách minh bạch an toàn. Muốn nâng tầm doanh nghiệp tư nhân, phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn. Trong một môi trường pháp lý phải chạy vạy xin xỏ, có cỏ dại thì không có môi trường cho doanh nghiệp phát triển. "Tôi tin rằng Chính phủ đang nỗ lực để làm điều này. 2018 khởi động để đi vào một giai đoạn môi trường tốt hơn", ông nói.
Dự báo ở 2018, khu vực tư nhân tiếp tục bùng nổ, TS Vũ Viết Ngoạn khẳng định thực tế lòng tin đã được kiến tạo tăng cường trong những năm qua. Tuy nhiên nếu các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư hoặc tiếp tục thành lập mới mà giữ nguyên mô hình, tư duy năng lực cạnh tranh phương thức kinh doanh cũ, thì Việt Nam vẫn sẽ không bứt phá được. Nền kinh tế sẽ chỉ tăng lên về lượng không tăng chất. "Làm thế nào để tăng chất song hành tăng lượng, thay đổi về chất, nâng cao năng lực cạnh tranh? Cả Chính Phủ và DN phải hành động!". - ông Ngoạn nói.
Nhắc lại ước nguyện của Cố Thủ tướng Phan Văn Khải trên cương vị Thủ tướng khi gặp cộng đồngdoanh nghiệp lần đầu tiên: "Đất nước này phải có 500.000 DN hoạt động hiệu quả vào 2010", và nhắc lại vai trò của ông khi tổ chức những cuộc gặp đầu tiên, thường niên với cộng đồng DN mà cuộc gặp đầu tiên mang tên “Đối thoại và hợp tác”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ niềm kỳ vọng về mối quan hệ cộng đồng doanh nghiệp - Chính phủ không có cấp trên cấp dưới mà là quan hệ cộng đồng cùng phát triển, vốn đã được đặt ra từ thời Cố Thủ tướng.
"Chúng ta ngày nay đã có 600.000 doanh nghiệp và tuy vậy, vẫn chậm mục tiêu tới 5-6 năm. Hiện nay, Chính phủ đương nhiệm và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hàng Nghị quyết đặt mục phát triển tới 2020 là 1 triệu doanh nghiệp. Hy vọng chúng ta sẽ không lỡ hẹn. Tuy nhiên nếu không có đột phá, đặc biệt đột phá chính sách để có thể chuyển các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, lại có nguy cơ sẽ không đạt mục tiêu. Có thể nói, quốc tế hóa được các doanh nghiệp nhỏ vừa và siêu nhỏ chính là chìa khóa cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới", TS Vũ Tiến Lộc đúc rút.