Đây là nhấn mạnh của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi nói về câu chuyện quản lý kinh tế tư nhân.
Kinh tế tư nhân đã và đang đóng góp lớn vào sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, câu chuyện quản lý khu vực kinh tế này như thế nào để khu vực này phát huy hơn nữa hiệu quả của mình vẫn là vấn đề còn nhiều tranh cãi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”. Đây được xem là một trong những chính sách quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân trong giai đoạn tới.
Quy hoạch kinh tế tư nhân còn nhiều hạn chế
Đánh giá về Đề án này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho biết, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay.
Đề án chỉ rõ, kinh tế tư nhân có vai trò rất lớn, đóng góp 43% GDP; 85% tổng số lao động đang làm việc; 49% vốn đầu tư xã hội, 8.9% tốc độ tăng GDP…
Kinh tế tư nhân ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng, xuất hiện công ty có sức cạnh tranh khu vực, quốc tế, trở thành mũi nhọn trong một số ngành, lĩnh vực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, công tác định hướng, quy hoạch khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế. Đại diện CIEM chỉ ra: Vẫn còn khoảng cách giữa chủ trương chính sách và thực tiễn triển khai thi hành. Định hướng còn mang tính chất dàn trải, chung chung trong nhiều ngành, lĩnh vực, dẫn đến hiệu quả thấp trong huy động và phân bổ nguồn lực.
“Ví dụ, tính ra ngành nào cũng là mũi nhọn và chủ lực thì có khá nhiều các ngành công nghiệp ưu tiên, mũi nhọn khác nhau. Nhiều chiến lược chỉ dừng lại ở mục tiêu số lượng, chưa chú trọng đến phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng…”, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp tư nhân vẫn gặp khó trong thủ tục hành chính
Về khung khổ thể chế cho kinh tế tư nhân, nhiều doanh nghiệp vẫn có phản ánh, kiến nghị về khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh, sự mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý, nhiều quy định không hợp lý, không tương thích, tạo ra chi phí tuân thủ cao, can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ của doanh nghiệp…
“Rào cản lớn nhất ở khu vực kinh tế tư nhân là tư duy quản lý bằng mọi giá. Nghĩa là nhìn thấy hiện tượng mới ngoài xã hội là ban hành luật để quản lý. Thứ nữa, chất lượng thể chế chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra. Chúng ta bắt đầu thiết lập thể chế để thúc đẩy mô hình kinh doanh mới. Nhưng cái tồn tại hiện nay là cải thiện về thể chế còn chậm”, ông Hiếu cho hay.
Cùng với đó, Phó viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh doanh nghiệp tư nhân vẫn phàn nàn bị đối xử kém với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI. Chính sách phân bổ nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực, địa bàn chưa hiệu quả và đúng mục tiêu. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát còn bất cập.
Dẫn nguồn Báo cáo PCI 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, ông Hiếu cho biết, hiện nay vẫn còn khoảng gần 20% doanh nghiệp được khảo sát gần đây cho biết vẫn bị thanh, kiểm tra 2 lần/năm, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 cũng vẫn bị kiểm tra, công tác thanh, kiểm tra đang tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.
“Thanh, kiểm tra nên là nội dung trọng tâm để cải cách trong thời gian tới. Thanh, kiểm tra để giúp doanh nghiệp phát triển chứ không phải đào thải doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Cùng với đó, việc tạo lập một môi trường cạnh tranh thực sự bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết, hệ thống phân bổ nguồn lực của nhà nước cần cải cách theo hướng tập trung dành nguồn lực cho những doanh nghiệp, dự án nào có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất.
Do đó, về lâu dài, cơ quan chức năng cần tiếp tục tham vấn, theo dõi và tổng hợp tình hình nhằm đề xuất các nhóm giải pháp một cách thỏa đáng, phù hợp để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển.
“Từ thực tế đó, tôi cho rằng Chính phủ có thể xem xét, cân nhắc các giải pháp cũng như có thể có chương trình hành động cụ thể... Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Đưa ra giải pháp cho tình trạng này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Phải tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
“Không nên hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng. Nhà nước cần tin tưởng, dựa vào doanh nghiệp để thực hiện, tạo lập môi trường cạnh tranh. Nếu cơ quan nhà nước chỉ thiết kế chính sách với nhau, không đặt lòng tin vào doanh nghiệp thì sẽ khó phát triển”, bà Lan nhấn mạnh quan điểm.