Quảng Ninh đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng to lớn của khu vực kinh tế tư nhân, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của cả nước.
Thành lập Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tư nhân
Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân của tỉnh Quảng Ninh đều gia tăng cả về số lượng, chất lượng và đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến giữa năm 2025, toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm gần 98% tổng số, đóng góp hơn 57% GRDP và tạo việc làm cho số lượng lớn lao động địa phương.
Xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, là động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân để triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo quyết định, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường, đặc khu thuộc tỉnh tổ chức triển khai Kế hoạch hành động số 547-KH/TU ngày 06/6/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 168/KH-UBND ngày 25/6/2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 của Chính phủ, Kế hoạch hành động số 547-KH/TU ngày 06/6/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.
Đồng thời, giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ban, ngành và các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo của tỉnh để triển khai thực hiện các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế tư nhân đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành phê duyệt.
Ông Đỗ Quang Sáng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP XNK Thủy sản Quảng Ninh cho biết, việc tỉnh Quảng Ninh ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phát triển kinh tế tư nhân đã thể hiện rõ quyết tâm của tỉnh trong việc cụ thể hóa Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Là một doanh nghiệp hoạt động nhiều năm tại địa phương, phía doanh nghiệp rất kỳ vọng Ban Chỉ đạo sẽ là cầu nối hiệu quả giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của tỉnh.
Tạo môi trường thúc đẩy sự phát triển
Thực tế, từ một tỉnh biên giới với nhiều hạn chế về hạ tầng, Quảng Ninh đã trở mình mạnh mẽ thành cực tăng trưởng trọng điểm của phía Bắc nhờ định hướng đúng đắn trong huy động và phát huy vai trò kinh tế tư nhân. Sự đồng hành, tin tưởng và cải cách thể chế mạnh mẽ của chính quyền địa phương là nền tảng vững chắc để khu vực tư nhân phát triển.
Để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tư nhân, cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đạt 12 - 15 doanh nghiệp hoạt động trên 1.000 dân và kinh tế tư nhân đóng góp 40 - 45% vào GRDP của tỉnh. Đến 2045, khu vực này trở thành lực lượng sản xuất chủ lực, đóng góp 50% GRDP và đủ năng lực tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu với năng lực cạnh tranh vững chắc trong khu vực.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung thúc đẩy chuyển đổi số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp. Đẩy mạnh liên kết, giữa các doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Địa phương này cũng liên tục tổ chức đối thoại, chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn.
Một trong những yếu tố quyết định giúp tỉnh Quảng Ninh thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân chính là môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Địa phương này đã hoàn thiện thể chế, chính sách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, loại bỏ các rào cản hành chính. Cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tăng cường niềm tin và sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, để phát triển kinh tế tư nhân, tỉnh Quảng Ninh xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Trong đó, thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.