Kinh tế địa phương

Hưng Yên: Nghị quyết 68-NQ/TW tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân

Kim Dung 23/07/2025 10:52

Với tinh thần “doanh nghiệp là động lực, doanh nhân là chiến sĩ thời bình”, tỉnh Hưng Yên đang cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025.

Theo Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), với Nghị quyết số 68-NQ/TW (Nghị quyết 68, kinh tế tư nhân là "lệnh mở đường", nhưng điều khó nhất ở thời điểm hiện tại nằm ở khâu thực thi, tức thể chế hoá Nghị quyết để đi vào cuộc sống.

z6831428652953_38602ff3bce30a06f9bffc07d9eb122f.jpg
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chủ trì hội nghị nghị Ban Thường vụ Đảng ủy UBND tỉnh cho ý kiến về đẩy mạnh giải phóng mặt bằng triển khai các dự án trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (ngày 15/7/2025)

Với Nghị quyết 68, Chủ tịch VCCI cho rằng, điểm quan trọng nhất của Nghị quyết chính là việc chính thức coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. “Đây là sự truyền cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp Việt”. Để phát triển các doanh nghiệp tư nhân thì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch và công bằng là điều kiện tiên quyết. Qua đó, sẽ cởi trói, tiếp thêm sinh khí cho kinh tế tư nhân địa phương. Đây được xem là bước đi chiến lược, đặt nền móng cho một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo thống kê, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm khoảng 42% GDP, đóng góp hơn 85% lực lượng lao động và trên 98% số lượng doanh nghiệp. Những con số ấy cho thấy tầm quan trọng không thể phủ nhận của khu vực này – một thực thể năng động, sáng tạo và chịu khó thích ứng.

Môi trường đầu tư cần minh bạch, gần doanh nghiệp hơn

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC): Đơn giản - Minh bạch - Gần dân. Đột phá về thể chế, chính sách. Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch, đảm bảo mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đều bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực và cơ hội phát triển. Những rào cản vô hình - từ TTHC rườm rà đến chính sách phân biệt đối xử - cần được xóa bỏ để giải phóng sức sáng tạo của doanh nghiệp tư nhân.

z6831428638795_7bc8496757ee236fe2f966fdb775f1e8.jpg
Lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cùng Lãnh đạo VCCI gặp mặt doanh nghiệp, doanh nhân ngày 28/2/2025

Bên cạnh đó, Nghị quyết nhấn mạnh tới việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cũng là một phần trọng tâm.

Theo mục tiêu nghị quyết, Cắt giảm TTHC - minh bạch “từ gốc”. Hưng Yên tập trung cắt giảm 30%- 40% thời gian xử lý hồ sơ đầu tư, đất đai, cấp phép. Tỷ lệ giải quyết thủ tục đúng hạn đạt 98,5%, trong đó nhiều thủ tục rút ngắn thời gian xử lý từ 15 ngày xuống còn 5-7 ngày làm việc.

Một trong những điểm nhấn đầu tiên trong triển khai Nghị quyết 68 là tái thiết quy trình hành chính phục vụ doanh nghiệp. Hưng Yên xác định: Cải cách hành chính không chỉ là giảm giấy tờ, mà là thay đổi tư duy phục vụ. Áp dụng công nghệ số để xử lý nhanh, minh bạch hồ sơ đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, môi trường, quản lý quy hoạch và giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp tiếp cận đất đai thuận tiện hơn. “Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm” nhằm giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Hình thức như: “Cà phê Doanh nhân”, “Diễn đàn đối thoại chính quyền – doanh nghiệp” tại cấp tỉnh được tổ chức định kỳ, giúp doanh nhân được kịp thời gỡ vướng trực tiếp

Những cải cách này góp phần giảm chi phí không chính thức, tạo ra môi trường đầu tư bình đẳng và minh bạch hơn – một điểm cộng lớn trong thu hút vốn tư nhân và đầu tư trong nước.

Tạo sân chơi bình đẳng - Gỡ “nút thắt” cho tư nhân

Một trong những "nút thắt" khiến khu vực tư nhân gặp khó là thiếu công bằng trong tiếp cận đất đai, vốn và thông tin thị trường. Nghị quyết 68 chỉ rõ, cần rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để bảo đảm quyền tiếp cận bình đẳng, đặc biệt là trong các lĩnh vực có điều kiện và ưu đãi đầu tư.

_mgl2113.jpg
Công ty TNHH Thanh Tùng là hình mẫu của doanh nghiệp tư nhân (Ảnh: Vũ Phường)

Ông Cao Anh Văn, Giám đốc Công Ty TNHH sản xuất Huyền Trang Hưng Yên cho biết: “Chúng tôi cần nhất là một môi trường kinh doanh minh bạch, không xin-cho, không phải chạy thủ tục. Ông Văn đánh giá, từ 3 cấp sang mô hình 2 cấp, bộ máy mới hiệu quả hơn, rút ngắn thời gian hơn, gần dân hơn. “Chính sách thì tốt, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa biết tiếp cận ở đâu, ai là đầu mối thực hiện. Cần có thêm cán bộ chuyên trách hỗ trợ thực chất hơn nữa.” Nếu được hỗ trợ tiếp cận vốn và công nghệ, doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có thể vươn ra quốc tế.

Còn ông Nguyễn Ngọc Dương, phụ trách ban quản lý dự án Majestic City, Công ty cổ phần Yên Sơn chia sẻ, trong quá trình triển khai dự án được sự hỗ trợ sở, ban, ngành, địa phương. Thực hiện TTHC nhanh gọn, tốt là đổi mới của Hưng Yên. “Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn từ Nghị quyết 68 sẽ giải phóng sức mạnh tư nhân.… Với tổ công tác hỗ trợ từ tỉnh đến xã, chúng tôi không còn cảm giác 'tự bơi'.”

Nói về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nền tảng cho tăng trưởng bền vững, ông Giang Tuấn Vũ, Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Tuấn Vũ Foods chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ chiến lược minh bạch hóa sản xuất bằng hệ thống camera giám sát trực tuyến tại xưởng, đảm bảo sự tin cậy và an toàn cho người tiêu dùng”.

Ông Giang Tuấn Vũ cho rằng, một trong những rào cản lớn nhất hiện nay đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và khởi nghiệp chính là hạn chế về vốn và khó tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp. Vì vậy, Nghị quyết 68 đã tạo ra một luồng sinh khí mới. Cơ chế chính sách rõ ràng hơn, các thủ tục bớt rườm rà, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất.

“Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành những chính sách hỗ trợ thiết thực về tín dụng ưu đãi, đồng thời bố trí quỹ đất quy mô nhỏ trong các cụm công nghiệp tập trung, đảm bảo các điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy, để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có cơ hội tiếp cận và phát triển”.

Được biết, thời gian qua tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính để triển khai chính sách hỗ trợ tài chính toàn diện, như: Thành lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, giải ngân nhanh các khoản vay ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt ưu tiên doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Qua đó, hỗ trợ tài chính, đưa vốn và chính sách đến gần doanh nghiệp hơn.

Kỳ vọng “cú hích” mạnh mẽ cho kinh tế tư nhân

Giới chuyên gia đánh giá, Nghị quyết 68-NQ/TW là một cam kết chính trị rõ ràng từ cấp cao nhất trong việc phát triển kinh tế tư nhân trở thành lực lượng trụ cột, đủ sức cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Nếu được triển khai đồng bộ và quyết liệt, đây sẽ là cú hích mạnh mẽ để Việt Nam đạt mục tiêu đến năm 2030 có hơn 2 triệu doanh nghiệp, trong đó có nhiều tập đoàn tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt.

“Động lực mạnh nhất luôn đến từ lòng tin và sự trao quyền” - và Nghị quyết 68 chính là tuyên ngôn cho niềm tin đó dành cho kinh tế tư nhân Việt Nam.

Hưng Yên không chỉ triển khai Nghị quyết 68-NQ/TW bằng khẩu hiệu. Tỉnh sẽ hướng tới cách làm có trọng tâm – trọng điểm – trọng kết quả. Lắng nghe sát sao doanh nghiệp, không né tránh phản biện. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cấp chính quyền – từ tỉnh đến xã. Tập trung xây dựng môi trường “3 sạch”: thủ tục sạch – môi trường đầu tư sạch – cán bộ liêm chính.

z6766916271776_8198749dadc90287a5e21fa0eeb433f4.jpg
Hưng Yên hướng đến nền hành chính phục vụ nhân dân, doanh nghiệp (Ảnh: Vũ Phường)

Với quyết tâm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Hưng Yên sẽ triển khai đồng bộ loạt chiến lược trọng điểm nhằm tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực và kích hoạt tiềm năng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Từ cải cách TTHC, chính sách hỗ trợ tài chính đến thúc đẩy sáng tạo trong doanh nghiệp, tỉnh đã và đang chọn cách làm thực chất, hiệu quả và lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Tuy nhiên, để khu vực này thực sự trở thành “động lực quan trọng” như mục tiêu đề ra, địa phương vẫn cần vượt qua nhiều rào cản mang tính hệ thống và dài hạn.

Đồng bộ hóa Nghị quyết 68 với các chiến lược tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu: Đến năm 2030 có trên 25.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả; Hình thành ít nhất 5 doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh khu vực trong các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, logistics, công nghệ thực phẩm; Tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực tư nhân lên trên 60% GRDP tỉnh.

Vì vậy, thách thức còn đó: Không ít “nút thắt” cần tháo gỡ, như: Tiếp cận đất đai vẫn còn khó khăn, đặc biệt tại các khu vực ven đô và vùng quy hoạch chưa rõ ràng; Năng lực quản trị của doanh nghiệp nhỏ còn yếu, dẫn đến khó khăn trong đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và mở rộng quy mô; Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực công nghệ và tự động hóa; Hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ, một số sở ngành địa phương vẫn chậm trong việc phối hợp và thực thi chính sách.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả Nghị quyết 68, tỉnh Hưng Yên cần xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về doanh nghiệp tư nhân, phục vụ phân tích chính sách sát thực tiễn. Nâng cao năng lực chính quyền cấp xã trong hỗ trợ doanh nghiệp - “nơi doanh nghiệp tiếp xúc đầu tiên”.

Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và các trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển sản phẩm và công nghệ mới; Thúc đẩy cơ chế đối thoại công – tư chuyên sâu, gắn với các cam kết cải cách hành chính cụ thể.

Hưng Yên đang đi đúng hướng trong hiện thực hóa Nghị quyết 68. Hành động thực chất, tạo điều kiện thực sự và trao quyền thật sự cho khu vực kinh tế tư nhân -lực lượng sẽ ngày càng đóng vai trò trung tâm trong phát triển kinh tế - xã hội. Những tín hiệu tích cực từ số lượng doanh nghiệp tăng, môi trường đầu tư minh bạch, và đổi mới sáng tạo lan tỏa là minh chứng cho hiệu quả bước đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hưng Yên: Nghị quyết 68-NQ/TW tạo động lực cho phát triển kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO