Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa trình Thủ tướng Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, với tổng vốn đầu tư 58,71 tỷ USD.
Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có có phương án tối ưu.Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam được Bộ GTVT trình có chiều dài toàn tuyến 1.559km, nối Hà Nội và TP HCM, đi qua 20 tỉnh thành, với 24 ga và 3 ga quy hoạch tiềm năng, 5 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.
Tiền đâu?
Tốc độ thiết kế toàn tuyến 350km/h, tốc độ khai thác 320 km/h, chỉ chuyên chở khách. Với tốc độ này, đoạn Hà Nội – TPHCM sẽ hết 5h20 phút (nếu không dừng ở một số ga), hết 6h55 phút nếu dừng ở tất cả các ga.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,33 triệu tỷ đồng (tương đương 58,71 tỷ USD). Đặc biệt, có 60% chiều dài tuyến đi trên cao, 10% đi ngầm và 30% đi trên nền đất. Đoàn tàu được lựa chọn theo công nghệ động lực phân tán (EMU), tín hiệu điều khiển qua tuyến.
Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 năm 2020 – 2032, tổng mức đầu tư 516,6 nghìn tỷ đồng (24,71 tỷ USD); giai đoạn 2 năm 2032 – 2050, tổng mức 772,6 nghìn tỷ đồng (34 tỷ USD).
Bộ GTVT đề xuất lựa chọn công nghệ đoàn tàu sử dụng động lực phân tán (của Nhật Bản, Đài Loan) và phân kỳ theo chiều ngang, chia đầu tư từng đoạn.
Về nguồn vốn, báo cáo nghiên cứu đề xuất sử dụng 80% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, số còn lại (20%) kêu gọi tư nhân đầu tư vào một số nhà ga và đầu máy toa xe để khai thác.
Với trường hợp sử dụng toàn bộ vốn đầu tư (hơn 58 tỷ USD) bằng nguồn đi vay, Bộ GTVT đánh giá, vẫn không làm nợ công vượt trần (nợ công không vượt 65% GDP).
Có thể bạn quan tâm
Phân kỳ dọc hay ngang?
Để đảm bảo tính khả thi thì việc lựa chọn phương án triển khai có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Bộ GTVT đã trình 2 phương án phân kỳ đầu tư. Theo đó, phương án 1 phân kỳ theo chiều ngang, tức giai đoạn 1 đầu tư hoàn thiện và khai thác đoạn Hà Nội – Vinh và Nha Trang – TPHCM, giai đoạn 2 đầu tư nối 2 đoạn của giai đoạn 1 (Vinh – Nha Trang).
Phương án 2, phân kỳ theo chiều dọc (theo gọi ý của GS Lã Ngọc Khuê -nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT). Theo đó, giai đoạn 1 đầu tư hạ tầng toàn tuyến tuyến Hà Nội – TPHCM, nhưng chưa điện khía hóa, chỉ đầu tư đoàn tàu diezel khai thác trước. Giai đoạn 2, trong quá trình khai thác đoàn tàu diezel tiếp tục hoàn thiện các công đoạn còn lại cho việc khai thác đoàn tàu điện khí hóa để thay thế.
GS Lã Ngọc Khuê đã vạch ra một kịch bản rất cụ thể gồm 3 bước đầu tư cho dự án. Trong đó, bước thứ nhất là đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng để chạy tàu diesel, kịp giải tỏa những áp lực vận tải trên hành lang Bắc - Nam, với tốc độ tối đa 150km/h. Bước thứ hai là tiến hành điện khí hóa, chạy các đoàn tàu có tốc độ tối đa 200 - 250km/h. Bước thứ ba là tùy tình hình, khi thực sự cần thiết mới tiến hành trang bị các thiết bị đồng bộ.
Đây là dự án thuộc nhóm quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng quyết định đầu tư dự án. Vì vậy, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm thành lập Hội đồng Thẩm định Nhà nước để thẩm định Dự án để có thể trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án vào kỳ họp cuối năm 2019.
Kỳ II: Phản biện từ các chuyên gia